Ðường ngập nước, đầy "ổ gà" ngay sau cánh cổng nông thôn mới

07:06, 26/06/2019

Ðã đạt các chỉ tiêu nông thôn mới nhiều năm nhưng hình ảnh một số tuyến đường ngập nước, xuống cấp ngay sau cánh cổng nông thôn mới khiến người dân không khỏi than phiền.

Ðã đạt các chỉ tiêu nông thôn mới nhiều năm nhưng hình ảnh một số tuyến đường ngập nước, xuống cấp ngay sau cánh cổng nông thôn mới khiến người dân không khỏi than phiền.
 
Con đường liên xã Ninh Gia đi vào 3 xã vùng Loan biến thành sông kéo dài gần 100 m, trời nắng nóng nhưng 4-5 ngày nước tại đây mới cạn. Ảnh: C.Thành
Con đường liên xã Ninh Gia đi vào 3 xã vùng Loan biến thành sông kéo dài gần 100 m, trời nắng nóng nhưng 4-5 ngày nước tại đây mới cạn. Ảnh: C.Thành
 
Dân “kêu trời”
 
Như con đường tại thôn Ninh Hòa (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) nằm ngay cổng chào nông thôn mới của xã này là một ví dụ điển hình. Sáng 22/6, có mặt tại đây chúng tôi ghi nhận mặt đường khu vực này nhiều vị trí đã xuống cấp nghiêm trọng. “Ổ voi, ổ gà” tạo thành một đoạn thấp trũng, nước ứ đọng ngập 20-30 cm và kéo dài gần 100 m khiến các phương tiện lưu thông rất khó khăn.
 
Có nhà nằm sát mặt đường nhựa, đoạn bị ngập thường xuyên nêu trên, bà Trần Ngọc Thêm (56 tuổi, thôn Ninh Hòa) bức xúc, nói: “Gần 4 năm nay mặt đường xuống cấp, nước tù đọng làm chúng tôi đi lại rất khó chịu. Chỉ cần một cơn mưa thì tới 4-5 ngày sau nước tù đọng mới cạn hết. Chúng tôi đã ý kiến lên chính quyền cấp xã nhiều lần nhưng không biết bao giờ đường mới được nâng cấp, tu sửa”. Còn theo ông Trần Tấn Hoàng, làm tiệm sửa chữa xe máy gần đó kể, người quen đi nhiều thì biết mấy cái ổ gà vị trí nào để tránh. Riêng nhiều người ít đi đường này thì té ngã và ông chứng kiến diễn ra như cơm bữa. “Hôm nào mưa to, xe ô tô đi qua nước lại dạt vào ướt hết nền nhà, lau chùi mệt lắm chú ơi” - ông Hoàng nói.
 
Tương tự tại xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương), nằm cách cánh cổng nông thôn mới không xa là một đoạn đường nhựa dài gần 6 km thuộc tuyến đường huyện lộ 413 đã xuống cấp nghiêm trọng một thời gian dài. Nhiều vị trí ổ voi, ổ gà chi chít khắp mặt đường nhựa khiến giao thông đi lại mùa mưa thì nhớp nháp bùn đất, mùa khô thì bụi bặm khó chịu. Người dân tại đây phản ánh hơn 3 năm nay, cung đường chính dẫn vào trung tâm xã xe máy lưu thông khó khăn đã đành nhưng khổ nhất là các em học sinh đi xe đạp hằng ngày, lần nào áo quần cũng bám bụi, lấm lem.
 
Còn tại trục đường liên xã Tân Hà (huyện Lâm Hà), chúng tôi ghi nhận tuyến đường dài khoảng 2 km chạy qua trung tâm xã nhưng là nỗi khổ của hàng trăm hộ dân nơi đây. Đường bị xe tải cày nát bét, mặt đường nhựa lồi lõm, xuống cấp nghiêm trọng, loang lổ “ổ gà, ổ voi”. Bà con nhân dân nơi đây đã phản ánh nhiều lần về tình trạng xuống cấp, phía UBND xã Tân Hà đã có ý kiến xin nâng cấp đường, sửa chữa lên UBND huyện Lâm Hà nhưng vì không có vốn nên gần 5 năm nay, được một vài lần dặm vá sơ sài rồi “đâu lại vào đấy”. 
 
Sẽ nâng cấp, tu sửa
 
Thừa nhận thực trạng đường sá xuống cấp làm giao thông đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng một tín hiệu vui chúng tôi nhận được là lãnh đạo huyện, xã các địa phương trên đều khẳng định, các con đường hư hỏng kéo dài sẽ sớm được nâng cấp, tu sửa trong thời gian tới. 
 
Chủ tịch UBND xã Tân Hà (huyện Lâm Hà) Nguyễn Văn Toản cho hay, từ phản ánh bức xúc của người dân về con đường trung tâm xã xuống cấp nghiêm trọng, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị ra huyện xin nâng cấp đường, rồi dặm vá tạm thời hơn 4 năm qua. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn, vì theo ông Toản tuyến đường liên xã nêu trên là đường tỉnh lộ, phải tu sửa nhiều km, nguồn vốn lớn nên không thể “một sớm một chiều” thực hiện được ngay. “May mắn là tỉnh đã có chủ trương nâng cấp tuyến đường trên kéo từ xã Tân Hà đi Ngã 3 Xóm Chung, huyện Đức Trọng với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Người dân sẽ không phải chờ lâu vì Sở Giao thông vận tải (GTVT) sẽ làm chủ đầu tư đã bắt đầu thông báo giải ngân vốn, có quyết định đền bù cho hơn 100 hộ dân khu vực đường mở rộng, nâng cấp trong vòng 2-3 ngày tới” - ông Toản nói.
 
Ông Mai Hữu Phước, Chủ tịch UBND xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương) thì cho biết xã Ka Đơn đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới năm 2014, nhưng tuyến đường huyện lộ 413 vào trung tâm xã xuống cấp chưa thể tu sửa tới nay đã kéo dài khoảng 3 - 4 năm. “Mỗi năm để đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi đều phải trích ngân sách của xã, hoặc UBND huyện trích tiền từ nguồn quỹ an toàn giao thông để dặm vá cấp thời mặt đường trũng thấp, nhiều “ổ voi”, khoảng 2-3 đợt/năm. Như mới vài ngày trước, nhận thấy đường xuống cấp lại, chúng tôi đã trích ra 30 triệu đồng đổ đá cấp phối vị trí xuống cấp nặng cho bà con đi lại an toàn hơn” - ông Phước nói và cho biết thêm theo thông tin ông nắm được, Sở GTVT làm chủ đầu tư và cuối năm nay sẽ tiến hành nâng cấp tuyến huyện lộ 413, trong đó có đoạn thuộc xã Ka Đơn.
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cũng khẳng định tuyến đường Ngã 3 Tà Hine, từ xã Ninh Gia vào 3 xã vùng Loan đã có dự án nâng cấp được phê duyệt. “Vốn bố trí nâng cấp là 900 triệu đồng và sẽ khởi công cuối năm nay nên bà con có thể yên tâm phần nào. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều vị trí tuyến huyện lộ mặt đường xuống cấp nhưng nguồn vốn bố trí của huyện còn hạn hẹp, chúng tôi phải xem xét nâng cấp ở nơi đường hư hỏng nặng, thời gian kéo dài sẽ ưu tiên thực hiện trước”- bà Thúy chia sẻ.
 
C.THÀNH