Nhiều điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Ðại Lào (thành phố Bảo Lộc) vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ. Trong khi đó, chính quyền địa phương từ xã đến thành phố kêu khó xử lý vì… không bắt được quả tang.
Nhiều điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Ðại Lào (thành phố Bảo Lộc) vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ. Trong khi đó, chính quyền địa phương từ xã đến thành phố kêu khó xử lý vì… không bắt được quả tang.
Máy bơm luôn neo sẵn dọc lòng suối để sẵn sàng hút cát bất cứ lúc nào |
Khai thác đêm, vận chuyển ngày
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đi dọc theo dòng suối chạy cặp theo con đường Thi Sách qua địa bàn Thôn 3, xã Đại Lào. Trên đoạn đường dài gần 1 km, có nhiều nhánh rẽ dẫn ra suối Đại Lào. Đây cũng là những con đường mà “cát tặc” dùng để đưa phương tiện vào khai thác, vận chuyển cát trái phép. Chúng tôi phát hiện có ít nhất 3 điểm khai thác cát trái phép trên đoạn suối Đại Lào chưa dài đến 1 km. Tại các vị trí này, máy bơm dùng để hút cát được neo đậu cập theo mép bờ suối. Những đường ống lớn với phần mũi được bọc thép dùng để chọc thẳng xuống dòng suối để hút cát. Trên bờ, những đống cát lớn nhỏ được hút lên tập kết thành bãi. Cách thức hoạt động của những điểm khai thác cát này là đặt đường ống hút cát chọc sâu vào lòng suối và dùng máy bơm công suất lớn để bơm cát lên bờ. Cát sẽ được lọc rửa giữ lại, còn bùn đất thì được thải ngược trực tiếp ra dòng suối. Để né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, hầu hết chủ các bãi cát đều hoạt động vào chiều muộn hoặc đêm tối. Việc vận chuyển cát chủ yếu bằng xe máy cày hoặc xe tải có tải trọng nhỏ. Một số điểm khai thác còn có cả xe máy đào để múc cát lên xe.
Trong suốt những ngày chúng tôi theo dõi hoạt động của những bãi cát trái phép này, mỗi ngày có rất nhiều xe máy cày ra vào để vận chuyển cát. Tại điểm khai thác gần đường đi vào nhà máy xử lý rác Bảo Lộc, khi chúng tôi rẽ vào đoạn đường đất để tiếp cận bờ suối thì một người đàn ông cởi trần ra hỏi chúng tôi đi đâu. Khi chúng tôi ra tới bờ suối thì máy bơm hút cát vẫn đang neo đậu dưới lòng suối, đường ống hút cát được kéo lên bờ và những dấu vết của việc hút cát vẫn còn. Cũng tại điểm này, chúng tôi phát hiện có rất nhiều xe máy cày ra vào để vận chuyển cát mỗi ngày.
Cách điểm này không xa, một điểm khai thác cát trái phép với quy mô lớn hơn cũng thường xuyên hoạt động. Tại đây, hai dàn máy bơm được neo đậu dưới suối, đường ống hút cát lớn màu xanh được bọc mũi thép nằm trên bờ sẵn sàng chọc thẳng xuống lòng suối bất cứ khi nào. Một khối lượng lớn cát được tập kết trên bờ. Men theo bãi tập kết này là đường mương thoát nước bùn thải sau khi sàng lọc cát trực tiếp ngược ra suối Đại Lào. Tại vị trí này, mỗi ngày cũng có rất nhiều xe ra vào lấy cát và cả lán trại được dựng tạm bợ cho người hút cát trú tạm cũng như để phương tiện, dụng cụ.
Xa hơn về phía trên của nhà máy xử lý rác, một điểm hút cát cũng nằm khuất sau vườn cà phê. Chúng tôi phải len lỏi qua vườn cà phê mới tiếp cận được bãi hút cát này. Cũng như những bãi khác, dàn máy bơm được neo đậu dưới suối để sẵn sàng hút cát khi cần thiết. Trên bờ, xe máy múc cũng được đậu sẵn để xúc cát lên xe máy cày vận chuyển đi nơi khác.
Không chỉ khai thác cát trái phép dọc dòng suối Đại Lào, điểm khai thác cát của ông Võ Thành Long tại Tiểu khu 474, nằm trong khu vực đất lâm nghiệp trên địa bàn Thôn 2 (xã Đại Lào) mà trước đây Báo Lâm Đồng đã từng có bài phản ánh đến nay vẫn tiếp tục hoạt động. Sau nhiều ngày tiếp cận, chúng tôi phát hiện vị trí khai thác được ông Long mở rộng lên phía trên cao hơn khu vực khai thác lần trước. Nước được bơm thẳng vào sườn đồi để lượng cát đổ xuống hồ chứa phía dưới. Sau đó, máy bơm hút cát lên sàn rửa và lượng nước thải được đổ trực tiếp ra khe suối gần đó rồi dẫn ra suối Đại Lào. Tại điểm khai thác cát của ông Long, một lán trại mới được dựng tạm phía bên trên lán trại cũ. Ngoài máy bơm luôn túc trực dưới hồ thì một xe đào cũng được đậu sẵn để sẵn sàng đưa cát lên xe máy cày chở đi. Trong những ngày tiếp cận điểm khai thác cát này, nhiều lần chúng tôi bắt gặp ông Long trực tiếp chạy xe máy cày chở cát ra khỏi điểm khai thác.
Việc khai thác cát trái phép dọc dòng suối Đại Lào hoặc ở những vùng đất đồi sau đó xả thải trực tiếp ra dòng suối đã khiến dòng suối Đại Lào lúc nào cũng trong tình trạng ngầu đục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân dọc hai bên dòng suối. Không những thế, việc khai thác cát trái phép còn gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây xói lở đất đồi và dòng suối Đại Lào.
Ông Long vận chuyển cát ra khỏi điểm khai thác trái phép |
Biết nhưng “không thể” xử lý
Tình trạng khai thác cát trái phép tại xã Đại Lào đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thế nhưng, việc xử lý của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương chỉ mang tính chất cầm chừng. Riêng trong năm 2018, UBND xã Đại Lào đã xử lý vi phạm hành chính hai trường hợp. Ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào cho biết: Nhiều lần, người dân phản ánh tình trạng dòng suối Đại Lào bị đục nhưng khi kiểm tra thì chúng tôi không phát hiện hoạt động khai thác cát. Có thể, các đối tượng này khai thác cát vào ban đêm. Do đó, ngoài việc thường xuyên kiểm tra thì UBND xã Đại Lào cũng thực hiện công tác tuyên truyền để người dân không thực hiện hành vi khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, có một số trường hợp dù đã bị xử phạt nhưng vẫn khai thác lén lút như trường hợp của ông Long.
Trả lời câu hỏi về việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc tăng mức xử phạt lên khởi tố hình sự đối với những trường hợp tái phạm, ông Hương cho rằng việc này rất khó vì chính quyền xã không bắt được trực tiếp dù có phát hiện máy bơm hút đặt ngay dưới lòng suối. Việc này cần có sự tăng cường phối hợp của Tổ kiểm tra liên ngành thành phố.
Trên thực tế, điểm khai thác cát của ông Long đã từng bị thu giữ máy bơm hút cát và UBND xã Đại Lào đã tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản trái phép vào cuối năm 2018, nhưng hiện tại điểm này vẫn đang hoạt động. Ông Trần Quang Hoài, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố Bảo Lộc cho biết: Đối với điểm khai thác cát của ông Long thì ông khai báo là không còn hoạt động khai thác cát, máy múc là do họ chưa đưa ra và việc vận chuyển chỉ là khối lượng cát đã khai thác từ lần trước còn tồn lại. Trên thực tế, cách đây khoảng một tháng, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an thành phố và UBND xã Đại Lào đã kiểm tra thực tế tại điểm này nhưng không có dấu hiệu khai thác (?!). Còn đối với những điểm khai thác cát dọc suối Đại Lào, ông Trần Quang Hoài cho rằng có việc người dân tự ý hút cát trực tiếp tại suối. UBND thành phố Bảo Lộc đã thành lập Tổ công tác kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép và thường xuyên kiểm tra khi có phản ánh của người dân hoặc khi cán bộ phát hiện. Việc kiểm tra được thực hiện đảm bảo tính bí mật và đột xuất. Tuy nhiên, các điểm này chủ yếu hút cát trực tiếp và vận chuyển trực tiếp nên rất khó phát hiện và xử lý, do không bắt được quả tang. Do đó, trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ cùng với xã Đại Lào thường xuyên kiểm tra để bắt quả tang, làm cơ sở xử lý.
Cũng theo ông Hoài, theo quy định thì việc khai thác cát trái phép chỉ được xử lý khi hành vi được phát hiện quả tang. Trong thời gian sắp tới, Tổ công tác sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước theo địa bàn. Chính quyền xã, phường phải giám sát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Tổ công tác để xử lý. Riêng đối với trường hợp khai thác cát của ông Long do liên quan đến đất lâm nghiệp thì cần có sự phối hợp của Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc để xác định nguồn gốc đất, mục đích sử dụng đất có đúng hay không. Trong khi đó, theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm thì đất lâm nghiệp liên quan đến chỗ ông Long khai thác cát là đất đã được đưa ra ngoài quy hoạch. Việc quản lý hiện tại do Phòng Kinh tế Bảo Lộc thực hiện (?!).
Sau khi chúng tôi làm việc với các cơ quan chức năng của xã và thành phố, trong suốt gần 1 tháng sau đó, hoạt động khai thác và vận chuyển cát tại các điểm nêu trên vẫn diễn ra mỗi ngày.
Nhiều sai phạm về bảo vệ môi trường
Theo báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát do Thường trực HĐND thành phố Bảo Lộc thành lập để giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Bảo Lộc; bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là hầu hết các doanh nghiệp khai thác không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định báo cáo tác động môi trường; chưa chú trọng đầu tư các công trình, hệ thống xử lý, bảo vệ môi trường hoặc đầu tư còn mang tính chất đối phó; chưa quan tâm đầu tư thiết bị khai thác, chế biến sâu, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu tác động môi trường như đã cam kết; chưa thực hiện việc cắm mốc, bàn giao mốc giới tại các khu vực khai thác theo quy định. Có công ty khai thác cát không đúng giấy phép, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước chảy về các sông suối. Có công ty sử dụng các bãi chứa nguyên liệu chưa đúng theo vị trí thiết kế, chưa đầu tư thu gom xử lý nước nên gây ô nhiễm môi trường, nhất là trong mùa mưa bão; bãi chứa nguyên liệu còn thuê đất của người dân, chưa chuyển mục đích sang mục đích chuyên dùng.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do các doanh nghiệp chưa tự giác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Trong quá trình khai thác, công tác thanh tra, kiểm tra, chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa thực hiện thường xuyên; xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, chưa có biện pháp mạnh buộc các đơn vị vi phạm khắc phục; công tác phúc tra chưa được chú trọng. Đội ngũ cán bộ thực thi công vụ chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
ÐÔNG ANH - HẢI ÐƯỜNG