(LĐ online) - Sai phạm tại khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, diễn biến Dịch tả lợn châu Phi và kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Lâm Đồng là những vấn đề được các cơ quan thông tấn, báo chí dành nhiều sự quan tâm cũng như đưa câu hỏi chất vấn nhiều nhất trong cuộc họp báo định kỳ do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 01/07.
(LĐ online) - Sai phạm tại khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, diễn biến Dịch tả lợn châu Phi và kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Lâm Đồng là những vấn đề được các cơ quan thông tấn, báo chí dành nhiều sự quan tâm cũng như đưa câu hỏi chất vấn nhiều nhất trong cuộc họp báo định kỳ do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 01/07.
|
Ông Phạm Văn Dân - GĐ BQL Khu Du lịch QG hồ Tuyền Lâm trả lời câu hỏi của PV tại buổi họp báo chiều 1/7 |
Ông Phạm Văn Dân - GĐ Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết: “Sai phạm ở khu du lịch này là rất nhiều, ngay sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, BQL đã ngay lập tức tiến hành kiểm tra, rà soát và ban hành văn bản cho các nhà đầu tư tự khắc phục sửa chữa. Cho đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đã tháo dỡ phần sai phạm gần hết, một số công ty tiến hành từng bước, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp triển khai chậm, đồng thời xin gia hạn để khắc phục”.
Dù đã phần nào giải đáp những thắc mắc của các phóng viên tham dự tại cuộc họp báo, tuy nhiên dấu hỏi lớn nhất, đó là trách nhiệm của BQL khu du lịch này ở đâu khi để xảy ra hàng loạt sai phạm, chỉ khi báo chí vào cuộc mới phát hiện và tiến hành kiểm tra, thì lãnh đạo của BQL Khu du lịch hồ Tuyền Lâm vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Với những vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Lâm Đồng. Trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất có một trường hợp học sinh vi phạm vì gian lận trong thi cử. Đặc biệt ở chỗ, đây là trường hợp học sinh sử dụng các biện pháp công nghệ cao, tuy nhiên bằng nhiều biện pháp hỗ trợ của cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện và lập biên bản xử lý.
Liên quan đến Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Sơn - GĐ Sở NN&PTNT cho hay: “ Lâm Đồng là tỉnh 60/64 tỉnh thành bị phát hiện dịch vào ngày 21/6. Nơi phát hiện dịch đầu tiên là xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng). Ở thời điểm hiện tại, Lâm Đồng có 04 xã Liên Hiệp, Phú Hội, TT Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) và Gia Viễn (huyện Cát Tiên) có dịch bùng phát”.
Theo ông Sơn, dịch có tốc độ lây lan rất nhanh và rất khó kiểm soát. Để ngăn ngừa một cách hữu hiệu nhất, UBND tỉnh đã thành lập ngay một Ban chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ngoài 2 chốt kiểm dịch của tỉnh tại TT Ma Đa Guôi (huyện Đạ Huoai) và Eo Gió (huyện Đơn Dương), Sở NN&PTNT còn lập thêm 18 chốt chặn khác để tăng cường kiểm soát. Nhiều điểm nóng như xã Liên Hiệp, còn có hai chốt ở đầu và cuối xã.
Ngay thời điểm phát hiện dịch, nhiều địa phương vẫn tiến hành chôn theo cách truyền thống, tuy nhiên do virus của dịch Tả lợn châu Phi có thời gian sống ngoài môi trường rất lâu và phương thức chôn heo chết cũng ảnh hưởng đến nguồn nước cũng như diện tích đất, nên BCĐ Phòng chống dịch đã tiến hành cho đốt.
Ngoài các biện pháp ngừa dịch bùng phát như chống lây lan, tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, tăng cường kiểm soát ở các chốt chặn, ngành chức năng của Lâm Đồng cũng tiến hành khuyến cáo người dân xuất chuồng và bằng mọi cách không tăng đàn, chỉ phục hồi sau khi hết dịch. “Đây là cách tốt nhất để giảm thiệt hại cho người dân và giảm bớt gánh nặng ngân sách của nhà nước khi tiến hành đền bù”, GĐ Sở NN&PTNT cho biết thêm.
Theo thông tin mới nhất, trước cơn bão của dịch Tả lợn châu Phi đã lan rộng tới hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, Bộ NN&PTNT đã có biểu giá mới nhất cho việc hỗ trợ thiệt hại của người chăn nuôi chỉ còn 25.000đ/1kg.
Tổng đàn heo của Lâm Đồng trước khi có hai đợt dịch lớn khoảng 400.000 con, tuy nhiên sau đợt dịch Lở mồm long móng vào năm ngoái đã hụt mất hơn 50.000 con và dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu sau đợt dịch này.
TUẤN LINH