Đó là ghi nhận thực tế của Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng tại Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm…
Đó là ghi nhận thực tế của Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng tại Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm…
Theo đó, kiểm tra tại Dự án Khu nghỉ dưỡng Highland Resort (mục tiêu hoàn thành sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp, đạt chuẩn 4 sao) nay là Cereja Hotel & Resort Da Lat (Tiểu khu 266, Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Phường 3, TP Đà Lạt), do Công ty Cổ phần Thiên Nhân (trụ sở đặt tại phường Thảo Điền, Q2, TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư, cho thấy có dấu hiệu Công ty này cho thuê biệt thự, chuyển nhượng biệt thự dài hạn theo thời gian thực hiện của dự án trái quy định của pháp luật. Không chỉ vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng biệt thự cho nhiều người trong cùng lô đất đã dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.
Cụ thể, kiểm tra thực tế dự án của cơ quan chức năng cho thấy Công ty đã xây dựng xong 24/35 công trình kiến trúc với 24 kiểu dáng khác nhau. Trong đó, có 1 công trình xây dựng sai vị trí và 2 dãy nhà xây dựng hoàn thiện trên diện tích đất chưa được phép chuyển đổi.
Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng của tỉnh trước đó, Công ty Thiên Nhân vẫn khẳng định sẽ đầu tư xây dựng, đưa các công trình biệt thự cao cấp trong dự án vào khai thác hoạt động nghỉ dưỡng du lịch… Tuy nhiên, qua xác minh (theo đánh số trên bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tỷ lệ 1/1000), cho thấy các căn biệt thự tại đây có những dấu hiệu bất thường trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng và sở hữu dưới hình thức cho thuê biệt thự dài hạn cho các cá nhân, doanh nghiệp tại Đà Lạt, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội quản lý, sử dụng. Nhiều căn trong số này có khuôn viên hàng rào, cổng riêng.
Kiểm tra vi phạm về sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng tại các dự án trong Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phát hiện 6 chủ đầu tư có hành vi chặt hạ cây rừng trái phép; 5 doanh nghiệp san ủi đất lâm nghiệp sai luật; 7 doanh nghiệp tự ý xây dựng khi chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
|
Đáng chú ý như căn số 1 của dự án hiện do ông H.A (quê quán Hà Nội) quản lý sử dụng, khuôn viên biệt thự được rào bằng lưới sắt, trụ gạch cao 1,5 m, có cổng riêng; căn số 13 do bà T (quê Tây Ninh) sử dụng cũng có hàng rào và cổng riêng; căn số 24, đang được V (TP Hồ Chí Minh) hoàn thiện phần thô… Riêng căn số 15, do một người đàn ông mang quốc tịch Mỹ cùng vợ là người Việt Nam đang quản lý sử dụng, có hàng rào sắt tách biệt. Trong khi đó, căn số 5 (có một quán cà phê “mang ký hiệu số 4” trong diện tích ngôi nhà này, không được phép xây dựng), do bà T (ngụ tại Hẻm 65 Huyền Trân Công Chúa, Phường 4, TP Đà Lạt) đang sử dụng…
Theo báo cáo thanh tra, do Công ty Thiên Nhân không hợp tác nên việc đối chiếu giữa giấy phép và thực tế xây dựng tại dự án đã gặp khó. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty không cung cấp đủ hồ sơ liên quan đến việc xây dựng công trình nên Đoàn kiểm tra không thể đối chiếu toàn bộ công trình được cấp phép xây dựng và đã thi công.
Lực lượng chức năng chỉ đối chiếu được 12 hạng mục công trình, kết quả có 3 công trình xây dựng chưa có giấy phép xây dựng (công trình quán cà phê (2 tầng), nhà tạm, nhà kho); 4 công trình xây dựng vượt 1 tầng cùng một công trình vượt 2 tầng so với giấy phép xây dựng.
Đối với các nội dung sai phạm như việc phá rừng, tự ý san gạt, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái phép của Công ty Thiên Nhân như báo chí đã thông tin, báo cáo thanh tra, nêu rõ: Theo biên bản kiểm tra ngày 3/12/2018, của Ban Quản lý Khu Du lịch về việc san gạt đất lâm nghiệp trái phép và biên bản xác minh ngày 25/12/2018, của Hạt Kiểm lâm Đà Lạt về việc phá rừng trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngoài diện tích được chuyển đổi… Công ty đã cho san gạt, tạo mặt bằng xây dựng 5 nền nhà bằng bê tông, tại thời điểm kiểm tra, 4 nền nhà đã hoàn thiện bao che, lợp mái, chưa đưa vào sử dụng. Công ty đã tự ý cho chặt hạ toàn bộ cây trên diện tích 300 m
2 (đất đã được phép chuyển đổi mục đích từ đất rừng sang đất xây dựng), thuộc trạng thái rừng trồng năm 1986.
Cũng tại Khoảnh 3, Tiểu khu 266 (vị trí xác minh ngày 25/12/2018), Công ty đã cho sử dụng xe cơ giới đào bới, san gạt gây thiệt hại 500 m
2 rừng non và 700 m
2 đất lâm nghiệp (đất chưa được phép chuyển đổi), trên diện tích này doanh nghiệp đã xây nền nhà có tổng diện tích hơn 451 m
2. Việc sai phạm trên đã được UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định buộc doanh nghiệp khắc phục hậu quả…
Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao UBND TP Đà Lạt chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, yêu cầu Công ty Thiên Nhân ngưng thi công tất cả các hạng mục công trình; tiến hành xử lý các sai phạm tại dự án theo quy định. Đồng thời tổ chức thực hiện các thủ tục cưỡng chế đối với các hạng mục công trình không có giấy phép, thi công sai giấy phép xây dựng nếu như doanh nghiệp không tự khắc phục, tháo dỡ.
UBND tỉnh còn đề nghị UBND TP Đà Lạt kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của Công ty Thiên Nhân tại dự án cho thuê biệt thự, chuyển nhượng quyền sử dụng biệt thự dài hạn trái quy định pháp luật cũng như mục tiêu dự án.
THỤY TRANG