Mặc dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ các công trình cơi nới, xây dựng không phép tại Biệt thự cổ 21 Hùng Vương (Phường 10, TP Đà Lạt) trước ngày 15/12/2018, nhưng đến nay tại khuôn viên biệt thự này vẫn bát nháo công trình, khiến dư luận bất bình…
Mặc dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ các công trình cơi nới, xây dựng không phép tại Biệt thự cổ 21 Hùng Vương (Phường 10, TP Đà Lạt) trước ngày 15/12/2018, nhưng đến nay tại khuôn viên biệt thự này vẫn bát nháo công trình, khiến dư luận bất bình…
|
Từ kho tạm phục vụ sửa chữa Biệt thự 21 Hùng Vương theo giấy phép, nhưng thực tế chỉ là nhà xưởng sản xuất pano, bảng hiệu quảng cáo và “quây nhốt” luôn thông cổ thụ. Ảnh: T.Trang |
Là một trong những ngôi biệt thự cổ kiến trúc Pháp, thuộc sở hữu nhà nước, có kiến trúc đẹp, nằm ở vị thế đắc địa (mặt tiền đường Hùng Vương, Phường 10, TP Đà Lạt), Biệt thự 21 Hùng Vương lẽ ra phải được bảo tồn, sử dụng có hiệu quả. Vậy nhưng, Công ty TNHH Hoài Nam nay là Công ty Cổ phần Dasar - đơn vị đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho thuê nhà, đất theo hiện trạng tại địa chỉ trên để làm văn phòng và kinh doanh dịch vụ du lịch, tự ý cơi nới, xây dựng thêm nhiều công trình nhà tạm trong khuôn viên biệt thự rồi cho các tổ chức, cá nhân thuê lại để kinh doanh ăn uống, mở quán nhậu, làm ảnh hưởng đến kiến trúc biệt thự, cảnh quan môi trường xung quanh. Trong quá trình kinh doanh ăn uống, các hàng quán đã xả chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường, làm chết thông ba lá cổ thụ và gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư phía sau biệt thự.
Đối với các công trình xây dựng không phép tại biệt thự này, trước đó Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra hiện trạng, tình hình quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở nhà đất Biệt thự 21 Hùng Vương. Kết quả kiểm tra cho thấy Công ty Cổ phần Dasar đã xây dựng, cơi nới thêm 3 công trình cấp 4 không có giấy phép xây dựng trong khuôn viên biệt thự, trong đó hai công trình nằm phía trước, một công trình nằm sau căn biệt thự với tổng diện tích hơn 300 m2 mà chưa được các cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng cũng có văn bản kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty Cổ phần Dasar và nêu rõ những tồn tại ở doanh nghiệp này, trong đó chỉ rõ việc tự cơi nới, xây dựng công trình không phép phía sau căn biệt thự và hai căn nhà tạm (khung kính, mái lợp tôn) trong khuôn viên Biệt thự 21. Sở TN&MT Lâm Đồng đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có văn bản đề nghị doanh nghiệp tự khắc phục tháo dỡ các công trình không phép trên.
Biệt thự 21 Hùng Vương (Phường 10, TP Đà Lạt) nằm trong danh mục các công trình kiến trúc thuộc nhóm II của Đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Lạt - công trình có giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa hoặc có giá trị về kiến trúc, cảnh quan, còn tương đối bền vững về kết cấu chính, giá trị sử dụng cao. |
Ngày 21/11/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 7712/UBND-ĐC, về việc quản lý sử dụng nhà đất của Công ty Cổ phần Dasar tại 21 Hùng Vương, trong đó yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ các công trình không phép và cơ nới trái phép trong khuôn viên biệt thự trước ngày 15/12/2018.
Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 256/UBND-XD chỉ đạo các sở: Xây dựng, TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; UBND TP Đà Lạt và Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng, khai thác quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt. Nội dung văn bản giao UBND TP Đà Lạt chủ trì phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại các biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có Biệt thự 21 Hùng Vương.
Trong khi vụ việc chưa được quan tâm, xử lý, nhưng thông qua đơn kiến nghị đề ngày 27/3/2019 của doanh nghiệp, UBND Phường 10, TP Đà Lạt mà trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND phường Tôn Thất Thanh Vũ đã sốt sắng kiểm tra, rồi có Báo cáo số 64/BC-UBND ngày 28/3/2019 trình UBND TP Đà Lạt và đề xuất cấp phép cho Công ty Cổ phần Dasar xây dựng nhà kho tại Biệt thự 21 Hùng Vương. Trên cơ sở này, ngày 29/3/2019, UBND TP Đà Lạt có Thông báo số 1352 giải quyết đơn kiến nghị của Công ty Cổ phần Dasar cho phép doanh nghiệp “được dựng lán trại tạm để phục vụ thi công sửa chữa công trình chính theo như nội dung đề xuất của UBND Phường 10”.
|
Công trình cơi nới, xây dựng không phép trong khuôn viên Biệt thự 21 Hùng Vương vẫn đang thách thức dư luận. Ảnh: T.Trang |
Có được giấy phép xây dựng (Thông báo 1352 của UBND TP Đà Lạt), Công ty Cổ phần Dasar lập tức khoán lại cho một người đàn ông tên Tuấn dựng nhà kho làm xưởng sản xuất pano, bảng hiệu phục vụ kinh doanh quảng cáo. Điều đáng nói, nội dung Văn bản 1352 của UBND TP Đà Lạt yêu cầu Công ty Cổ phần Dasar chỉ được dựng lán trại trong ranh đất được giao, có trách nhiệm bảo vệ, không được phép làm ảnh hưởng tới các cây thông ba lá hiện có tại khu vực. Quy định là vậy, nhưng để tăng diện tích công trình, chủ đầu tư đã cho “quây nhốt” luôn cây thông ba lá cổ thụ giữa nhà mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía chính quyền.
Cũng tại Văn bản 1352, UBND TP Đà Lạt giao UBND Phường 10 kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc dựng lán trại tạm của Công ty Cổ phần Dasar đảm bảo theo quy định, báo cáo UBND TP khi công trình hoàn thành. Vậy nhưng, từ nhà kho phục vụ thi công sửa chữa công trình Biệt thự 21 theo giấy phép, ngay từ đầu chủ đầu tư đã “hô biến” thành nhà xưởng sản xuất pano, bảng hiệu phục vụ kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Đã vậy, chủ đầu tư còn cho “vây hãm” luôn thông ba lá giữa nhà xưởng là điều khó mà chấp nhận.
THỤY TRANG