Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dòng sông Đa Nhim có dấu hiệu ô nhiễm nặng hơn do một số người dân có thói quen xấu vứt rác xuống sông, suối hằng ngày...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dòng sông Đa Nhim có dấu hiệu ô nhiễm nặng hơn do một số người dân có thói quen xấu vứt rác xuống sông, suối hằng ngày. Mặc dù đã có quy định xử phạt, nhưng do việc giám sát chưa quyết liệt, công tác tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng nên hiệu quả mang lại thời gian qua chưa cao.
|
Nhiều bao tải rác, xác động vật chết bốc mùi tại sông Đa Nhim. |
Vô tư quẳng rác xuống suối
Sông Đa Nhim đoạn chảy qua hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng dài hàng chục km, kèm theo đó có khoảng 20 con khe, suối, chảy từ các xã, thị trấn đổ ra lòng sông. Thời gian gần đây, tình trạng rác “tấn công” sông suối đang khá phổ biến, trong đó nghiêm trọng nhất các đoạn sông chảy qua khu vực đông dân cư sinh sống.
Tại địa bàn huyện Đức Trọng, sông Đa Nhim chảy qua thị trấn Liên Nghĩa có nhiều đoạn rác thải, xác động vật chết được dân quẳng xuống nổi lềnh bềnh giữa sông. Có nơi, người dân còn mang rác đổ thành đống ven bờ sông, đợi khi mưa lớn nước dâng cuốn rác ra lòng sông chảy về phía hạ lưu.
Bà Nguyễn Thị Hoài (Tổ 22, phường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa) cho biết, đoạn sông Đa Nhim chảy qua trước nhà bà thi thoảng lại bốc mùi hôi, nhất là những lúc mực nước sông hạ dần. Ngoài ra, do có chiều ngang lớn, từ 200-300m, hai bên bờ sông cỏ, cây mai dương mọc um tùm nên nhiều hộ dân tại đây thoải mái ra ven sông quẳng rác xuống sông, suối không sợ bị ai phát hiện.
“Ở đây tình trạng người dân sống ven sông vứt rác khá phổ biến. Do xe rác không vào thu gom rác của các hộ dân bên trong, một số người lại ngại đi xa nên quẳng rác vô tội vạ như vậy. Đợt nào mưa liên tục, nước nhiều thì rác được đẩy đi, sông còn sạch sẽ; còn ngày nắng, mực nước sông thấp, rác mới, rác cũ chảy tới đây mắc cạn trên đá bốc mùi hôi lắm!” - bà Hoài chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 29/7, tại một đoạn sông Đa Nhim chảy qua Khu phố 6, thị trấn Liên Nghĩa, rác từ phía thượng nguồn chảy về mắc cạn trên các tảng đá lớn giữa sông, bốc mùi khó chịu. Nếu không dồn rác vào bao tải quẳng xuống sông, người dân thường đổ rác thành từng đống nhỏ ven bờ sông với đủ mọi loại rác, từ quần áo rách đến bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, bịch xốp, túi ni lông,…
Tương tự cũng con suối này, đoạn chảy qua thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), người dân tại đây phản ánh, rác thải được một số hộ dân thiếu ý thức gom vào bao tải, quẳng xuống lòng sông Đa Nhim ngày một nhiều hơn. Hiện theo ghi nhận ven hai bờ sông, người dân sản xuất nông nghiệp nên nguồn rác thải tại đây chủ yếu là bọc ni lông, chai lọ thuốc trừ sâu, rác thải sau thu hoạch nông sản… UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, thời gian qua, chính quyền cùng các đoàn thể đã thường xuyên ra quân tuyên truyền, dọn dẹp rác thải định kỳ tại những điểm rác xuất hiện nhiều, gây ô nhiễm môi trường sông, suối, kênh mương nội đồng… Tuy nhiên, tình trạng xả rác bừa bãi ra các sông, suối trên địa bàn thị trấn vẫn còn tồn tại hằng ngày.
|
Nhiều người dân có thói quen xả rác thải thành từng đống nhỏ ra bờ sông Đa Nhim, đoạn chảy qua thị trấn Liên Nghĩa. |
Bài toán khó giải quyết?
Trao đổi vế vấn đề này, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng cho biết, thị trấn Liên Nghĩa cũng như các xã có sông Đa Nhim đi qua rất vất vả khi tiến hành thu dọn rác ở các lòng suối để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tình trạng người dân ý thức kém có thói quen vứt rác bừa bãi gây ra.
Hiện nay, chế tài xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng có mức răn đe khá cao. Cụ thể, theo Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ tháng 2/2017) thì hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.
Câu hỏi đặt ra là chế tài đã có nhưng tại sao không thể áp dụng thực hiện đối với các địa phương cấp xã, thị trấn trên địa bàn? Theo nhận định của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng, vấn đề là rất khó phát hiện hành vi xả rác nơi công cộng của người dân, bởi việc quản lý lĩnh vực này mỗi địa phương được giao cho các bộ phận khác nhau giám sát nhưng lực lượng xử phạt chuyên trách gần như không có nên chưa thể áp dụng hình thức phạt “nóng”.
Nguyên nhân ngoài nhân lực mỏng còn do dòng sông Đa Nhim rộng lớn, kéo dài qua nhiều địa bàn khác nhau, bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân không có ý thức bảo vệ môi trường nên ngoài biện pháp tuyên truyền, chính quyền cơ sở chưa đủ khả năng giám sát, xử phạt hành vi nêu trên. Để hạn chế tình trạng trên, UBND thị trấn Thạnh Mỹ cũng như UBND thị trấn Liên Nghĩa cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cụ thể là các giải pháp tuyên truyền sâu rộng hơn nữa vấn đề nâng cao nhận thức của người dân, từ đó làm chuyển biến hành động.
Trước đó, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường tại một số nơi trên địa bàn đang bị chính quyền, các đơn vị cơ sở xem nhẹ. Một số địa phương chỉ một hai trận mưa lớn nước đã làm ngập cả khu phố, làm thiệt hại đáng kể hoa màu, tài sản của người dân.
“Vừa qua mưa lớn mới kéo dài 3-4 giờ liên tục mà xã Đại Lào, Lộc Châu, TP Bảo Lộc và một số khu vực các địa phương khác đã bị ngập nặng nề. Công tác khơi thông dòng chảy, vệ sinh môi trường cũng như giải pháp chống ngập úng các địa phương đã làm hết sức chưa?” - Chủ tịch UBND tỉnh đặt câu hỏi và nhấn mạnh đã đến lúc các địa phương cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường, không thể để tình trạng ngập cục bộ do sông suối, kênh rạch bị tắc nghẽn vì rác thải, đồng thời phải kết hợp tuyên truyền là chính, kèm theo xử phạt để người dân có nhận thức đúng đắn hơn trong nghĩa vụ bảo vệ môi trường chung.
C.PHONG