Công tác khắc phục hậu quả sau lũ gặp nhiều khó khăn

05:08, 23/08/2019

Hơn 210 tỷ đồng là con số thống kê sơ bộ về những thiệt hại trong đợt mưa lũ xảy ra vào các ngày vừa qua tại các địa phương trong tỉnh...

Hơn 210 tỷ đồng là con số thống kê sơ bộ về những thiệt hại trong đợt mưa lũ xảy ra vào các ngày vừa qua tại các địa phương trong tỉnh. Ðiều đó cho thấy, sức tàn phá trong đợt mưa lũ vừa qua tại các địa phương là rất khủng khiếp. Hiện tại, các địa phương đang huy động mọi nguồn lực tiến hành khắc phục hậu quả mưa lũ, nhưng đang gặp phải vô vàn khó khăn do thiếu kinh phí.
 
Các địa phương huy động nguồn nhân lực khắc phục hậu quả sau lũ.
Các địa phương huy động nguồn nhân lực khắc phục hậu quả sau lũ
 
Huy động mọi nguồn lực
 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, đợt mưa lũ vừa qua đã gây ra hậu quả nặng nề đối với người dân trong tỉnh. Cụ thể, làm 1 người chết, 5 người bị thương; hơn 3.400 căn nhà bị ngập; gần 3.870 ha cây trồng lâu năm, gần 900 ha lúa, hơn 580 ha rau màu bị thiệt hại; hơn 300 tấn cá tầm bị chết và hơn 5.000 con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi.
 
Ghi nhận tại huyện Đạ Tẻh, hậu quả mà trận lũ quét gây ra đối với người dân địa phương rất nặng nề. Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh cho biết: “Trong và sau khi xảy ra lũ quét, địa phương đã kịp thời triển khai các phương án ứng phó, huy động các lực lượng nhanh chóng di dời người dân đến điểm tập kết và trở về nhà an toàn. Địa phương đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể vận động, kêu gọi nhà hảo tâm, mạnh thường quân cứu trợ lương thực, thực phẩm cho Nhân dân; đồng thời, sử dụng nguồn ngân sách địa phương chi sửa chữa, khắc phục tạm thời các tuyến đường giao thông giúp người dân đi lại an toàn…”.
 
Cùng với Đạ Tẻh, tại các địa phương như Cát Tiên, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc cũng huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực khắc phục các hậu quả sau lũ. Các địa phương đã huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân và Đoàn thanh niên dọn dẹp, gia cố lại các công trình trường học bị hư hỏng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho năm học mới; nạo vét bùn đất, gia cố đường giao thông đảm bảo người dân đi lại thuận tiện; tiến hành thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường; xử lý nguồn nước giếng bị ô nhiễm sau lũ…
 
Còn đó những khó khăn
 
Ghi nhận cho thấy, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân tại các địa phương đang từng bước dần ổn định sau lũ. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn phía trước khi phần lớn tài sản của người dân đều bị nước lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm làm hư hỏng không thể sử dụng. Đặc biệt, những hộ dân có nhà cửa bị lũ cuốn sập và bị sạt lở đất làm nứt nẻ, đổ sập đang rơi vào cảnh không còn chỗ “trú thân” phải ở nhà bà con, hàng xóm. Cùng với đó, những hộ dân bị lũ quét “xóa sổ” cây trồng đang lâm vào cảnh nợ nần… Tất cả họ đều rất cần sự hỗ trợ của toàn xã hội để khắc phục các hậu quả, ổn định cuộc sống.
 
Theo ông Bùi Thanh Chung - Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Bảo Lộc, năm nay, mưa lũ diễn biến rất bất thường, nên công tác phòng, chống gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả của những trận lũ quét vừa qua gây ra đối với người dân địa phương rất nặng nề. Cùng với thiên tai, thì tình hình dịch bệnh (bệnh dịch tả heo châu Phi) đang diễn biến phức tạp, khó lường khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn, thách thức. Trong khi đó, nguồn kinh phí dự phòng của địa phương hạn hẹp, nên công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
 
Cũng giống như các địa phương khác, huyện Đạ Tẻh đã tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả sau lũ. Ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: “Phần lớn bà con bị thiệt hại do lũ quét đều có hoàn cảnh khó khăn. Để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đã phải cầm cố tài sản vay ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, những hộ trồng cây ăn quả đang lâm vào cảnh nợ nần, rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn ngân sách của địa phương đã dần cạn kiệt sau khi chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do dịch lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi. Mưa lũ đã khiến nhiều đoạn trên bờ sông Đạ Tẻh qua các xã Quảng Trị, Triệu Hải, Đạ Kho và thị trấn Đạ Tẻh bị sạt lở nghiêm trọng đã và đang uy hiếp các công trình liền kề (cầu, đường giao thông, đất sản xuất) của người dân. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, bong tróc hư hỏng nghiêm trọng… Hiện, tất cả đang thiếu nguồn kinh phí để sửa chữa, khiến công tác khắc phục hậu quả sau lũ gặp vô vàn khó khăn”. 
 
Theo Chủ tịch UNBD huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng, trước những khó khăn đang phải đối diện do mưa lũ gây ra, địa phương đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ nguồn kinh phí 60,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trong đó, có 56,8 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa các công trình hạ tầng cấp bách; hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ về cây trồng; 640 triệu đồng hỗ trợ về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và 30 triệu đồng hỗ trợ về nhà ở.
 
KHÁNH PHÚC