Không phải chuyện "một sớm một chiều"

06:08, 07/08/2019

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02 về việc cấm lưu hành, hoạt động các loại xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe cơ giới tự chế 3-4 bánh...

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02 về việc cấm lưu hành, hoạt động các loại xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe cơ giới tự chế 3-4 bánh. Đến nay, sau hơn 2 tháng ra quân triển khai, việc xử lý loại xe này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế tại nhiều địa phương, xe công nông, xe tự chế vẫn “vô tư” hoạt động trên các tuyến đường.
 
Có mặt tại một số tuyến đường trọng điểm qua địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Lạc Dương…, chỉ trong vòng ít phút chúng tôi đã chứng kiến nhiều chiếc xe công nông chở đầy hàng hóa hoặc người ngồi “vắt vẻo” hai bên thành vô tư chạy trên đường. Không chỉ trên quốc lộ, mà hầu hết các tỉnh lộ, rất nhiều xe công nông, máy kéo nhỏ chở hàng, chở người không đảm bảo an toàn vẫn tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
 
Đã có thời điểm, những phương tiện xe máy kéo như thế này trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông.
Đã có thời điểm, những phương tiện xe máy kéo như thế này trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông.
 
Chưa thể xử lý dứt điểm
 
Tại xã Lạc Lâm, vùng chuyên canh sản xuất rau của huyện Đơn Dương, các loại xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân. Theo ông Trương Quang Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, trên địa bàn xã chủ yếu tồn tại loại hình xe 3 bánh tự chế do Trung Quốc sản suất. Với đặc thù là vùng sản xuất rau thương phẩm, Lạc Lâm có nhiều tuyến đường nhỏ, sình lầy, xe ô tô có trọng tải lớn không thể vào đến tận chân ruộng. Trong khi đó, đa phần vựa thu mua nông sản, đại lý kinh doanh nằm ở ngoài quốc lộ, khu vực trung tâm. Do đó, để vận chuyển hàng hóa nông sản, các hộ sản xuất tại các khu có đường giao thông nội đồng nhỏ hẹp bà con bắt buộc phải sử dụng loại xe chuyên dụng này. Chưa kể đến nếu người dân không sử dụng những phương tiện này thì sẽ phải mất thêm một phần chi phí vào việc vận chuyển cho thương lái, hạ giá thành sản phẩm khiến nông dân phải chịu thiệt thòi.
 
Đại tá Phạm Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Đơn Dương cho biết: Sau hơn 2 tháng đồng loạt ra quân thực hiện Chỉ thị 02 của UBND tỉnh, chúng tôi đã tăng cường xử lý xe công nông, xe độ chế tham gia lưu thông trên các tuyến đường cấm. Đơn Dương hiện có hơn 1.000 phương tiện xe công nông, xe tự chế chủ yếu là của người dân lao động tự do và nông dân. Bà con sử dụng phương tiện này không chỉ để tham gia giao thông mà còn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Những ngày đầu ra quân, lực lượng tuần tra đã phát hiện và thu giữ một số phương tiện nhưng đã tiến hành hoàn trả cho người dân, đồng thời yêu cầu chủ phương tiện viết cam kết không đưa vào lưu thông trên các tuyến đường… Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì “đâu lại vào đấy”. 
 
Ghi nhận tại huyện Di Linh, tình trạng này cũng tương tự. Với đặc thù là huyện chuyên canh sản xuất cây cà phê, địa hình đồi núi có nhiều đồi, dốc, việc vận chuyển hàng hóa qua một số tuyến đường trên địa hình này chỉ có thể sử dụng xe tự chế 3, 4 bánh và xe máy cày mới có thể di chuyển được. 
 
“Hiện Di Linh có gần 45.000 ha cà phê, với diện tích lớn như vậy việc đòi hỏi xe cơ giới chuyên dụng như công nông để vận chuyển phân bón, vật tư nông nghiệp lên rẫy và cà phê từ rẫy về nhà là điều bắt buộc. Chính vì vậy người dân dù rất muốn chấp hành nhưng ít nhiều cũng sẽ gây cản trở trong quá trình sản xuất”, ông Đặng Văn Khá - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp cho hay. 
 
Các loại xe công nông, xe tự chế được đánh giá là tiện ích trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Các loại xe công nông, xe tự chế được đánh giá là tiện ích trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
 
Giải pháp nào khả thi? 
 
Ông Ngô Văn Hải, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết: Trên cơ sở thực hiện Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, UBND tỉnh đã tiến hành chi trả cho 644 trường hợp với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ mua xe thay thế 145 trường hợp với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng và hỗ trợ chuyển đổi nghề 499 trường hợp với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. 
 
Tiền đã đến tay nông dân, nhưng việc chuyển đổi thực tế không được bao nhiêu, thậm chí số xe công nông, xe độ chế còn tăng lên rất nhiều. Nguyên nhân là do nông dân không có tiềm lực tài chính để góp thêm mua phương tiện mới. Một khó khăn nữa trong việc chuyển đổi các loại xe nói trên là việc chưa có được phương tiện thay thế phù hợp. Việc chuyển đổi hình thức lao động sang các loại hình phương tiện khác cho nông dân chỉ mới dừng lại ở phương án hỗ trợ tiền chứ chưa có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cụ thể, hợp lý. 
 
“Thật ra, việc xử phạt chỉ giải quyết được “phần ngọn”, không thể dứt điểm trong một sớm một chiều. Để giải quyết tận gốc nguy cơ tiềm ẩn từ xe công nông, xe cơ giới tự chế thì phải giáo dục ý thức của người dân, phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền từ chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể... Đừng để đến khi xảy ra những sự việc mới giật mình vì những hậu quả nghiêm trọng để lại” - Đại tá Phạm Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Đơn Dương

Một số giải pháp cũng được nhiều địa phương tính đến là quy định về phạm vi, thời gian hoạt động; cấm lưu hành trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ; chỉ được phép lưu hành trên đường giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đối với các loại xe công nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, xe máy kéo nhỏ; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các loại phương tiện này ngay từ thôn, xã... để đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công an huyện Đức Trọng, việc cấm lưu hành xe công nông gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện vì bà con sử dụng phương tiện này chủ yếu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp ở nông thôn; những người có và sử dụng xe công nông chiếm số đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc định hướng cho bà con chuyển hướng sử dụng phương tiện khác cũng còn phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Chưa kể đến nếu cứng rắn, xử lý mạnh tay thì sẽ gây tâm lý bất ổn trong Nhân dân, bởi xâm hại đến tài sản cá nhân của họ, rất dễ tạo ra điểm nóng về an ninh chính trị. 
 
Bên cạnh đó, giải pháp quản lý hành chính thông qua công tác đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật, người lái phải có giấy phép lái xe hạng A4, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự... cũng được các địa phương, đơn vị tính đến. Vậy nhưng đến nay, ở Lâm Đồng vẫn còn một tỷ lệ lớn xe chưa đăng kiểm, đăng ký quản lý và người điều khiển phương tiện này chưa có giấy phép lái xe theo quy định.
 
Thực tế, rất nhiều máy kéo hiện nay do không lưu trữ hóa đơn xuất xưởng, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc sản xuất nên gây khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số cho phương tiện. Trước mắt, các cơ quan chức năng đang tập trung vào tuyên truyền, giải thích và vận động bà con nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, phương tiện phải đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, người điều khiển phải có bằng lái, không chở quá tải, cồng kềnh và chở người trên thùng xe...
 
HỒNG THẮM - HOÀNG SA