Giám sát và phản biện xã hội nhìn từ Lâm Hà

06:08, 20/08/2019

Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội đi vào thực chất, đạt yêu cầu đề ra, được Nhân dân hưởng ứng là mục tiêu cuối cùng của Quyết định 217 - 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đề cao quyền làm chủ của Nhân dân...

Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội đi vào thực chất, đạt yêu cầu đề ra, được Nhân dân hưởng ứng là mục tiêu cuối cùng của Quyết định 217 - 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đề cao quyền làm chủ của Nhân dân. Tại huyện Lâm Hà, công tác này đã được triển khai thực hiện khá bài bản, tư đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. 
 
Một buổi tham dự lắng nghe ý kiến Nhân dân tại cơ sở, nhằm tăng cường phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Lâm Hà.
Một buổi tham dự lắng nghe ý kiến Nhân dân tại cơ sở, nhằm tăng cường phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Lâm Hà
 
Ngay sau khi có Quyết định 217 - 218 của Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Lâm Hà đã tham mưu cho Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy ban hành các văn bản thực hiện nội dung này. Theo đó, hàng năm, Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội huyện thống nhất nội dung, đối tượng giám sát, tránh được việc chồng chéo, trùng lặp trước khi xây dựng kế hoạch trình Thường trực Huyện ủy phê duyệt. Đồng thời, phối hợp đồng bộ từ việc xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát đến công tác triển khai thực hiện, tiếp thu và giải quyết kiến nghị. Đối với cấp xã, thị trấn, căn cứ nội dung giám sát của Mặt trận cấp huyện để tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất đồng bộ từ huyện đến cơ sở, đây là cơ hội để MTTQ xã học tập phương pháp và quy trình các bước tổ chức giám sát. 
 
Nét nổi bật là Ủy ban MTTQ huyện Lâm Hà đã thành lập Ban tư vấn dân chủ pháp luật, ban hành 22 văn bản hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện và có văn bản kiến nghị sau giám sát - Đây là cơ sở làm nên thành công của chương trình giám sát. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ huyện chủ động tổ chức sơ kết hàng năm, sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới...  
 
Trong thực hiện Quyết định 217, đối với cấp huyện, Lâm Hà đã tổ chức giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét 102 văn bản; tổ chức 8 đoàn giám sát đều liên quan đến quyền và lợi ích, bức xúc chính đáng của Nhân dân như: thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; sử dụng kinh phí của cấp thôn và MTTQ các đoàn thể cấp xã, kinh phí Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới; giám sát dịch vụ chi trả môi trường rừng và Dự án hỗ trợ phát triển rừng... MTTQ xã tổ chức thành lập 15 đoàn giám sát trực tiếp và 1.170 cuộc giám sát thông qua hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, thu hồi trên 238 triệu đồng... Đặc biệt, tham gia giám sát với HĐND, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp huyện 21 cuộc và cấp xã tham gia 285 cuộc.
 
Kết quả thực hiện Quyết định 218 tại Lâm Hà, cụ thể như: tổ chức 1 hội nghị góp ý cho UBND huyện về thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định; đã hướng dẫn khu dân cư tổ chức 425 hội nghị lấy ý kiến nhận xét cho cán bộ, đảng viên cư trú trên địa bàn, có 30.511 lượt người dự với 1.780 ý kiến góp ý nhận xét cho 7.333 lượt cán bộ, đảng viên. Tổ chức 80 “Diễn đàn góp ý cho lực lượng công an từ huyện đến cơ sở”; đồng thời triển khai 3.356 phiếu khảo sát ý kiến người dân, trong đó đã có 2.930 ý kiến Nhân dân thể hiện sự đồng thuận, đánh giá cao về công tác điều hành, cải cách hành chính trong phiếu khảo sát. 
 
Tuy nhiên, từ hoạt động thực tế, công tác triển khai thực hiện Quyết định 217 về giám sát còn gặp khó khăn. Theo phân tích của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà Khuất Thị Minh Hiền, đó là về phạm vi, đối tượng giám sát của Mặt trận là rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, yêu cầu nắm bắt thông tin, văn bản pháp luật liên quan để triển khai giám sát, tham gia phản biện, góp ý đòi hỏi am hiểu chuyên sâu nhiều lĩnh vực, trong khi trình độ của các chuyên gia, thành viên tham gia giám sát còn hạn chế. Các văn bản hướng dẫn của Trung ương chậm ban hành, chưa có chế tài cụ thể xử lý việc tiếp thu và giải quyết kiến nghị của MTTQ theo quy định. 
 
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, tại hội nghị tổng kết về thực hiện giám sát và phản biện, bà Khuất Thị Minh Hiền đề xuất: Các cấp ủy đảng cần phải quan tâm, chỉ đạo các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các nội dung theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Chính quyền phải tiếp thu và giải quyết các kiến nghị sau giám sát, góp ý của MTTQ và Nhân dân. MTTQ và các đoàn thể chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành tổ chức triển khai thực hiện các hình thức giám sát, phản biện, góp ý theo quy định. Tăng cường nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc của Nhân dân để tiến hành giám sát, kiến nghị và theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của chính quyền, các ngành, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện, góp ý của MTTQ và các đoàn thể. 
 
Để hoạt động giám sát và phản biện đạt chất lượng rất cần sự tăng cường trao đổi, phối hợp phản ánh thông tin với chính quyền, các cơ quan nhà nước, tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo văn bản quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân cần phải được thông qua MTTQ và các đoàn thể tổ chức góp ý, lấy ý kiến Nhân dân trước khi ban hành. Cùng đó, kịp thời củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại cơ sở.
 
NGUYỆT THU