Từ ngày 5/9/2019, Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (NCQHƯTBV) có hiệu lực thi hành. Việc triển khai thực hiện Nghị định này đang được Lâm Đồng tiến hành ra sao?
Từ ngày 5/9/2019, Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (NCQHƯTBV) có hiệu lực thi hành. Việc triển khai thực hiện Nghị định này đang được Lâm Đồng tiến hành ra sao?
|
Cần biểu dương và học tập đại úy Lê Văn Định (Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt), bên trái, phát hiện cá thể Tê tê khoảng 6 kg tại vườn, tự nguyện nộp cho cơ quan kiểm lâm ngày 19/8. Ảnh: M.Đ |
Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Danh mục các loài NCQHƯTBV thay vì quy định 17 loài nay tăng lên quy định 28 loài. Trong đó, bổ sung một số loài như: Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng), Hoàng liên gai lá dài, Hoàng liên gai lá mốc, Lan hài chai (Lan vân hài), Lan hài xanh, Lan hài chân tím, Lan hài trân châu... Đối với động vật NCQHƯTBV, Nghị định 64/2019/NĐ-CP bổ sung thêm một số loài như: Voọc bạc trường sơn, Vượn má vàng Trung Bộ, Vượn siki, Công, Trĩ sao, Rẽ mỏ thìa, Choắt mỏ vàng, Tắc kè đuôi vàng, Thằn lằn cá sấu… Vì vậy, tổng số loài thực, động vật NCQHƯTBV nay tăng từ 83 lên 99 loài.
Theo quy định, định kỳ 3 năm một lần, hoặc khi cần thiết, Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài NCQHƯTBV trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ phải đáp ứng các tiêu chí: 1) Số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; 2) Là loài đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học; y tế; kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa - lịch sử theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, nơi có khá nhiều loài thuộc Danh mục thực, động vật NCQHƯTBV. Theo Tiến sĩ Sinh học Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt và Thạc sĩ Sinh học Trương Quang Cường, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, ghi nhận ở tỉnh Lâm Đồng cụ thể như sau. Về loài thực vật, có 2 loài được thể hiện tại cả 3 nguồn (điều tra, Sách Đỏ Việt Nam - SĐVN 2007 và đăng tải trên Website) gồm: Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng), tên khoa học Taxus wallichiana; Lan hài chai (Lan vân hài), tên khoa học Paphiopedilum callosum; có 2 loài thể hiện tại 2 nguồn SĐVN và Website gồm: Sâm ngọc linh tự nhiên (Panax vietnamensis) và Lan hài đỏ (Lan hài hồng), tên khoa học Paphiopedilum delenatii. Về động vật, có 15 loài được thể hiện tại điều tra, SĐVN, Website gồm: Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes); Vượn đen má hung (Vượn đen má vàng) - Nomascus gabriellae; Gấu chó (Helarctos malayanus); Rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata); Cầy giông đốm lớn (Viverra megaspila); Cầy vằn bắc 33 và 34 (Chrotogale owstoni); Cầy gấm (Prionodon pardicolor); Cầy mực (Arctictis binturong); Mèo gấm (Pardofelis marmorata); Mang lớn (Muntiacus vuquangensis); Bò tót (Bos gaurus); Sơn dương (Capricornis milneedwardsii); Tê tê java (Manis javanica); Trĩ sao (Rheinardia ocellata); Hồng hoàng (Buceros bicornis). Cùng đó, có 16 loài thể hiện tại 2 nguồn (SĐVN và Web) gồm: Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus); Voọc bạc đông dương (Trachypithecus germaini); Sói đỏ (Chó sói lửa) - Cuon alpinus; Gấu ngựa (Ursus thibetanus); Rái cá thường (Lutra lutra); Báo hoa mai (Panthera pardus); Báo lửa (Beo lửa, Beo vàng) - Catopuma temminckii; Hổ (Panthera tigris); Voi (Elephas maximus); Tê tê vàng (Manis pentadactyla); Công (Pavo muticus); Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini); Niệc nâu (Anorrhinus austeni); Niệc cổ hung (Aceros nipalensis); Niệc mỏ vằn (Rhyticeros undulates) và Rắn hổ chúa (Ophiophagus Hannah).
Chúng tôi nêu cụ thể từng loài như trên, một mặt nhằm nâng cao ý thức tự hào về tính đa dạng sinh học; mặt khác, cộng đồng nhận biết rõ hơn. Theo đó, cơ quan chức năng, địa phương, mỗi người dân cần ý thức và có trách nhiệm chấp hành chủ trương nghiêm ngặt các quy định Nhà nước đã ban hành. Ví dụ, tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/1/2019 của Chính phủ “Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” quy định rõ từng nội dung về khai thác; nuôi, trồng; xuất, nhập khẩu; chế biến, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ; giám định và xử lý sau tịch thu; trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan và địa phương... Tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Cùng đó là trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ. Ví dụ tại Điểm 3, Điều 16, Chương 3 ghi rõ: “Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện cá thể loài thuộc Danh mục loài NCQHƯTBV bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, bị thương hoặc bị bệnh phải thông báo ngay cho ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ sở cứu hộ nơi gần nhất; các hành vi khai thác, lưu giữ, vận chuyển, trao đổi, mua bán, tặng cho trái phép phải báo cho các cơ quan thực thi pháp luật nơi gần nhất để kịp thời xử lý. Nhà nước có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, khai báo các hành vi vi phạm pháp luật về loài được ưu tiên bảo vệ”.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và mới đây UBND tỉnh có văn bản nội dung triển khai thực hiện Nghị định số 06/2019 của Chính phủ. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai, thực hiện; kịp thời xử lý hoặc báo cáo, đề xuất giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh…
Theo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, hiện số lượng loài do cơ quan này quản lý qua đăng ký trên địa bàn tỉnh có 193 cơ sở nuôi động vật rừng, với 6.743 cá thể; trong đó động vật thuộc Danh mục NCQHƯTBV là 43 cơ sở với 1.722 cá thể (trừ Gấu, có 3 cơ sở với 5 cá thể). Về thực vật, có 8 cơ sở, chủ yếu Lan hồ điệp lai. Chi Cục phó Kiểm lâm Lê Đình Việt cho rằng, để đạt hiệu quả cao trong thực hiện các nghị định của Chính phủ, trước hết là công tác tuyên truyền sâu rộng và thiết thực. Cùng đó, nâng cao chế tài trong xử lý các vi phạm để xã hội có nhận thức và ý thức hơn. Đồng thời, cần đầu tư về kinh phí bảo vệ (tài chính, đào tạo đội ngũ chuyên môn - nghiệp vụ…), nhất là những vùng đang tồn tại loài trong Danh mục, thông qua bảo vệ để duy trì và phát triển.
MINH ĐẠO