Những năm gần đây, bên cạnh các thương hiệu bánh trung thu truyền thống, những chiếc bánh trung thu handmade (bánh làm thủ công) đang dần trở thành lựa chọn của số đông người tiêu dùng...
Những năm gần đây, bên cạnh các thương hiệu bánh trung thu truyền thống, những chiếc bánh trung thu handmade (bánh làm thủ công) đang dần trở thành lựa chọn của số đông người tiêu dùng. Thế nhưng, sự đảm bảo về chất lượng của loại bánh này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Ngay cả cơ quan chức năng cũng rất khó trong việc kiểm định chất lượng, độ an toàn của những sản phẩm này.
|
Những chiếc bánh trung thu handmade đang dần trở thành lựa chọn của số đông người tiêu dùng |
Trào lưu bánh trung thu handmade
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Trung thu. Thời điểm này, thị trường bánh trung thu đang “rộn ràng” hơn bao giờ hết. Trái ngược với hình ảnh khá vắng bóng tại các quầy bánh truyền thống có thương hiệu lâu đời như Kinh Đô, Bibica, “thị trường” trên mạng xã hội lại nhộn nhịp hơn bởi các loại bánh trung thu handmade. Từ hơn một tháng nay, không khó để thấy những bài rao bán bánh trung thu “nhà làm” xuất hiện dày đặc trên các trang Facebook, Zalo.
Với những ưu điểm như có nhiều mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, phong phú về hình dáng, nhân bánh, lại còn có thể điều chỉnh độ ngọt theo yêu cầu của người mua, bánh trung thu handmade nhanh chóng chiếm được sự “ưu ái” của nhiều người và trở thành “trào lưu” trong vài năm trở lại đây. Khác với những hãng bánh lớn, có thương hiệu, có website, những người làm bánh handmade đa phần là các chị em phụ nữ, sản xuất với số lượng khiêm tốn.
Chị Lê Nguyễn Phương Trinh - một người có kinh nghiệm làm và bán bánh trung thu handmade cho biết: Tùy thuộc vào nguyên liệu và kích thước mà giá cả mỗi chiếc bánh dao động từ vài chục cho đến vài trăm nghìn đồng. Vì là bánh nhà làm nên chị không sử dụng chất bảo quản, chính vì thế thời gian sử dụng không dài, chỉ khoảng 1 tuần - 10 ngày, và chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách chứ không trưng bày như những cửa hàng bánh trung thu truyền thống khác. “Đương nhiên, bánh trung thu handmade không thể tránh được sự nghi ngại của người tiêu dùng. Cũng có nhiều người mua thắc mắc về nguồn gốc các nguyên liệu mình đã sử dụng, nhưng mình luôn tự tin tư vấn và trả lời. Bởi chất lượng chính là câu trả lời và tạo nên uy tín để khách hàng tìm đến lần sau và giới thiệu thêm bạn bè, người thân đặt hàng” - chị Phương Trinh chia sẻ.
Lê Phương Hội (28 tuổi, Phường 8, TP Đà Lạt) cho biết, cô thường xuyên mua bánh handmade để ăn và làm quà mỗi mùa Trung thu, tuy nhiên cô luôn chú ý lựa chọn mua chỗ uy tín, có tên tuổi cửa hàng rõ ràng. Thực tế, so với mặt bằng chung, những loại bánh handmade luôn có giá cao hơn những chiếc bánh công nghiệp truyền thống cùng loại và khối lượng. Nhưng theo Hội thì: “Khách hàng bây giờ không cần mua bánh thương hiệu lớn. Chúng tôi sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều hơn một chút để chọn mua bánh ở những chỗ làm uy tín nếu đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Bởi nếu mua để tặng thì mẫu mã của bánh handmade rất đẹp và sang, mà mình còn biết rõ người ta làm hợp vệ sinh”.
Việc ngày càng có quá nhiều người làm và bán bánh handmade mỗi mùa Trung thu đến cũng tạo sự cạnh tranh gay gắt. Điều này bắt buộc người làm bánh phải đổi mới và sáng tạo liên tục, để vừa có thể cạnh tranh với bánh trung thu truyền thống, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để tạo dựng lòng tin và được đón nhận lâu dài.
|
Các loại bánh handmade dễ “chiều” lòng khách hàng về kiểu dáng, mẫu mã |
Khó quản lý chất lượng
Sự đa dạng các loại bánh trung thu handmade đã góp phần tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết các đơn đặt bánh đều do người quen giới thiệu, hoạt động mua - bán chủ yếu bằng niềm tin được khách đặt cược với người bán hàng, chất lượng của những chiếc bánh này cũng do người quen “thẩm định”. Do đó, khi bánh handmade lên ngôi cũng là lúc người tiêu dùng phải đối mặt nhiều hơn với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Mặc dù người bán đều quảng cáo sản phẩm ngon, bảo đảm vệ sinh, nhưng thực tế rất khó để người tiêu dùng kiểm chứng thông tin, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.
Nói về điều này, ông Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Lâm Đồng cho rằng, các loại bánh trung thu handmade cần phải đảm bảo 4 yếu tố: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, nguyên liệu, phụ gia đảm bảo an toàn. Trong đó, yếu tố nguyên liệu, phụ gia là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ an toàn của sản phẩm. Theo quy định của pháp luật thì những cơ sở sản xuất bánh trung thu đạt chuẩn là những đơn vị làm ra sản phẩm có bao gói, có nhãn mác rõ ràng, được cấp phép bởi cơ quan chức năng sau khi trình hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, hầu hết những loại bánh gắn mác handmade được rao bán hiện nay đều do các tiệm bánh nhỏ hoặc gia đình làm ra với mục đích để ăn, tặng và bán, không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chính vì vậy mà phần lớn đều đang thực hiện sai nguyên tắc. Mà một khi không đăng ký thì rất khó để cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tết Trung thu được xác định là một trong những đợt cao điểm hằng năm mà Chi cục ATVSTP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Theo ông Bùi Văn Độ, Lâm Đồng không phải là địa bàn trọng điểm sản xuất bánh trung thu lớn của cả nước, mà đa phần từ các địa phương khác. Ngoài một số cơ sở sản xuất từ lâu đời thì tại các huyện, thành phố cũng có các địa điểm phân phối, bán hàng từ những thương hiệu bánh trung thu truyền thống nổi tiếng như Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica, Yến sào Khánh Hòa… Qua kiểm tra, hiện chưa phát hiện cơ sở nào có dấu hiệu vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lâm Đồng cũng đã lên kế hoạch kiểm tra với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, kinh doanh đồ chơi trẻ em. Cục đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra gồm các đội quản lý thị trường trực thuộc và cơ quan chức năng tại các huyện, thành phố để tiến hành kiểm tra trước, trong và sau dịp Tết Trung thu 2019. Trong đó, tập trung tiến hành kiểm tra nguyên liệu làm bánh trung thu và sản phẩm, mặt hàng bánh trung thu, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Thông qua đó kết hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Nhà nước tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Cục QLTT, hiện nay, tuyên truyền chính là biện pháp thường xuyên và hữu hiệu nhất, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng các mặt hàng thực phẩm. Qua đó, đơn vị luôn khuyến cáo người dân sử dụng những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, tên, địa chỉ đơn vị cung cấp chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, để có thể truy xuất nguồn gốc. Trước nhiều sự lựa chọn về các loại bánh trung thu, đặc biệt là bánh trung thu handmade, tự bản thân mỗi người hãy là những người tiêu dùng thông minh để đảm bảo sức khỏe trong mùa Trung thu đến.
Tổng cục QLTT đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2019. Nội dung công văn nêu rõ, đối với mặt hàng bánh trung thu: Yêu cầu kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm từ bánh trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, mỡ, trứng muối… để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn được phân công quản lý. Đặc biệt, lưu ý kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng.
Bên cạnh đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa cần có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, lập danh sách, kiểm tra, xử lý các cơ sở không đảm bảo đủ an toàn thực phẩm trong sản xuất, hoạt động không phép… Kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm, đình chỉ lưu thông sản phẩm để đảm bảo quyền lợi và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
|
HỒNG THẮM - VIỆT QUỲNH