Dựa vào dân để giữ rừng

06:09, 20/09/2019

Dựa vào dân là giải pháp được áp dụng để giữ rừng ở Ðưng K'Nớ, giúp địa phương giữ được độ che phủ rừng lên đến 90% - cao nhất ở huyện Lạc Dương. 

Dựa vào dân là giải pháp được áp dụng để giữ rừng ở Ðưng K’Nớ, giúp địa phương giữ được độ che phủ rừng lên đến 90% - cao nhất ở huyện Lạc Dương. 
 
Người dân Đưng K’Nớ đi tuần tra rừng
Người dân Đưng K’Nớ đi tuần tra rừng
 
Tất cả bà con đều nhận giao khoán quản lý và bảo vệ rừng
 
Đưng K’Nớ được rừng bao bọc xung quanh, nếu không có đường Trường Sơn Đông thì có lẽ nơi này chẳng khác nào ốc đảo. Bởi những nếp nhà nơi này được bao bọc bởi hàng ngàn ha rừng. Trạm trưởng Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Đưng K’Nớ Hoàng Văn Tiềm bảo, trong tổng số 9.266,7 ha diện tích đất lâm nghiệp, có trên 8 ngàn ha đất rừng phòng hộ xung yếu và trên 1 ngàn ha đất rừng sản xuất. Đưng K’Nớ có trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Tất cả bà con với hơn 321 hộ đều nhận giao khoán quản lý và bảo vệ trên 8.900 ha rừng. Diện tích giao khoán được chia thành 10 tiểu khu cho 10 tổ nhận khoán. Bình quân, mỗi hộ hiện nhận giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 27,7 ha.
 
Nhiều người dân ở thôn Đưng Trang - thôn đặc biệt khó khăn của xã Đưng K’Nớ vẫn quan niệm rằng: “Rừng từ trước tới nay cho bà con mọi thứ, cho con thú có chỗ ở, con chim có cành đậu, con suối sau thôn nước chảy mãi không ngừng. Từ nhiều đời nay những mùa “ăn rừng” đã nuôi sống người Đưng K’Nớ nên phải giữ rừng; còn bây giờ nhận tiền của Nhà nước thì phải giữ rừng có trách nhiệm hơn nữa”. 
 
Trạm trưởng Hoàng Văn Tiềm thống kê: “Một hộ nhận khoán trung bình đi tuần tra rừng 4 lần/tháng. Xoay vòng các hộ nên đảm bảo ngày nào cũng có người đi tuần tra. Trạm QLBVR Đưng K’ Nớ hiện có 6 cán bộ tiểu khu thường xuyên cùng người dân có mặt trong các diện tích rừng nhận khoán. Số tiền nhận được từ việc nhận QLBVR hằng năm của các hộ gần 14 triệu đồng/hộ. Tuy đây không phải là số tiền lớn so với địa bàn có kinh tế phát triển, nhưng đối với vùng sâu nghèo khó như mảnh đất này thì đây là khoản “cứu đói” cho không ít hộ nghèo mùa giáp hạt”.
 
Việc nhận khoán QLBVR trở thành nhiệm vụ quan trọng mà chính các già làng, người uy tín trong các thôn cũng gương mẫu đi đầu và vận động bà con thực hiện nghiêm túc. Đơn cử như ông Cil Ha Sơn - Tổ trưởng Tổ nhận khoán 1 và Bon Niêng Ha Kai - Tổ trưởng Tổ nhận khoán 2 là người uy tín, hai ông có khả năng huy động người dân rất nhanh nên khi có vụ việc xảy ra hay có cháy rừng chỉ trong vòng 30 phút toàn bộ thành viên trong tổ đều có mặt nhận nhiệm vụ. Bởi vậy, suốt 3 năm liền hai ông được UBND huyện Lạc Dương tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong QLBVR và PCCC rừng. Ông Bon Niêng Ha Kai bảo rằng: “Ông bà tổ tiên mình ngày xưa sống được cũng là nhờ rừng. Rừng dạy người K’Ho cách sống. Rừng còn thì người K’Ho còn. Thế nên rừng là của chung, ai cũng nhận cái lợi của rừng thì tất cả phải cùng nhau bảo vệ”. 
 
Có lẽ cũng bởi thế mà Phó Bí thư Đảng ủy xã Phi Srỗn Ha Nràng quả quyết rằng: “Bà con ở Đưng K’Nớ thuộc rừng như lòng bàn tay. Chỉ cần một chút thay đổi của rừng dù nhỏ thôi người dân cũng phát hiện ra ngay. Không ai có thể giữ rừng tốt hơn chính những người con được sinh ra và lớn lên với rừng”.
 
Nhiều biện pháp được thực hiện
 
Chúng tôi như càng hiểu rõ, vì sao Đưng K’ Nớ rừng bạt ngàn khi trạm trưởng Hoàng Văn Tiềm thống kê thêm vài con số: Năm 2015, trên diện tích nhận giao khoán của người dân xã Đưng K’Nớ xảy ra 10 vụ vi phạm, năm 2016 cũng có 10 vụ vi phạm, đến năm 2017 giảm xuống còn 5 vụ, đặc biệt từ năm 2018 và đến giai đoạn hiện nay của năm 2019 không có vụ vi phạm nào xảy ra. Điều này là kết quả của nhiều biện pháp giữ rừng được thực hiện đồng bộ.
 
Cụ thể, những vụ lấn chiếm trên diện tích dù chỉ vài mét cũng sớm bị người dân nhận giao khoán phát hiện báo cơ quan chức năng giải tỏa ngay. Lực lượng QLBVR sẽ nhổ và trồng ngay trên diện tích đó cây rừng lớn từ 2 - 4 năm tuổi. Trạm QLBVR Đưng K’Nớ luôn trữ sẵn khoảng 500 cây giống. Lượng cây này được chăm sóc thường xuyên để sẵn sàng trồng ngay vào những nơi bị lấn chiếm tránh để lâu người lấn chiếm có cơ hội canh tác trên diện tích này. Riêng những hộ lấn chiếm diện tích lớn khoảng 1.000 m2 sẽ bị cắt quyền lợi nhận khoán QLBVR. Diện tích các hộ bị cắt sẽ chia cho các hộ còn lại trong tổ nhận khoán bảo vệ. Còn hộ vi phạm sẽ bước vào quá trình theo dõi của chính các tổ viên khác trong vòng một năm và tùy thuộc vào kết quả theo dõi, nếu chấp hành nghiêm túc, có thái độ tích cực và được sự đồng ý của tất cả các tổ viên mới có thể được giao tiếp tục nhận khoán QLBVR. Người dân hiểu rõ “không được nhận khoán, sẽ đói”, áp lực kinh tế cho gia đình càng nặng nề nên bà con ý thức rất rõ trách nhiệm của mình. Đồng thời, việc để người dân tự giám sát người dân, phân chia rõ ràng giữa trách nhiệm và quyền lợi, góp phần nâng cao ý thức của các hộ trong nhận khoán và QLBVR ngày càng hiệu quả.
 
Nhờ biện pháp để người dân tự kiểm tra nhau mà công tác nhận khoán QLBVR đã hạn chế vi phạm. Nếu như năm 2016 có 3 hộ bị cắt nhận khoán, thì năm 2017 có 1 hộ bị cắt, còn năm 2018 và 2019 không có hộ nào vi phạm.
 
Vào Đưng K’Nớ, chạy dọc từ đầu đến cuối xã, xuất hiện nhiều nhất có lẽ là những câu khẩu hiệu nhắc nhớ việc bảo vệ rừng. Ngoài việc tuyên truyền bằng pano, áp phích và lồng ghép vào nội dung hoạt động của xã, thôn cũng như sinh hoạt của nhà thờ và trong mỗi năm, Trạm tổ chức 4 đợt tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến tận từng người dân. “Cùng với đó, việc chọn 10 tổ trưởng tổ nhận khoán là những người có uy tín trong cộng đồng cũng góp thêm kênh tuyên truyền vô cùng hiệu quả. Người dân nhận giao khoán không phá rừng đã là một thành công rồi. Họ trở thành tai mắt cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để rừng được bảo vệ từ xa lại là một thành công nữa”, Trạm trưởng Hoàng Văn Tiềm nói.
 
Tuy nhiên ngoài yếu tố cốt lõi là người dân, việc tuyên truyền vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, các giải pháp vẫn được thực hiện đồng bộ để người dân Đưng K’Nớ luôn đồng lòng giữ cho rừng mãi xanh. 
 
N.NGÀ - H.YÊN