Hơn 7 ha cà phê đã cho thu hoạch của 2 hộ dân trồng trên đất lâm nghiệp thuộc lâm phần do Công ty TNHH An Phú Nông quản lý tại khoảnh 7, Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) đã bị giải tỏa trắng dưới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm...
Hơn 7 ha cà phê đã cho thu hoạch của 2 hộ dân trồng trên đất lâm nghiệp thuộc lâm phần do Công ty TNHH An Phú Nông quản lý tại khoảnh 7, Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) đã bị giải tỏa trắng dưới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm. Các hộ dân cho rằng việc giải tỏa có nhiều khuất tất, gây thiệt hại nặng cho họ. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại khẳng định quy trình giải tỏa hoàn toàn đúng theo quy định.
|
Hàng trăm gốc cà phê đã cho thu trái bói do ông Nguyễn Ngọc Thành trồng đã bị giải tỏa trắng |
Việc giải tỏa diễn ra vào sáng sớm ngày 4/9/2019. Khu vực giải tỏa, theo báo cáo của Công ty TNHH An Phú Nông, là tại lô x, y, z, w khoảnh 7, Tiểu khu 443 do hộ ông Nguyễn Ngọc Thành lấn chiếm trồng cà phê dưới tán rừng năm 2018 với diện tích 4,5 ha và ông Ngô Đức Thanh trồng cây cà phê trên đất lâm nghiệp tái lấn chiếm cuối năm 2016 với diện tích 2,65 ha. Theo Công ty An Phú Nông, cả 2 hộ trên đều đã được gửi thông báo giải tỏa. Tuy nhiên, cả ông Thanh và ông Thành đều cho rằng việc giải tỏa diễn ra vào sáng 4/9 là hoàn toàn bất ngờ. Khi được người làm công báo, ông Thanh và ông Thành vào đến nơi thì toàn bộ số cà phê đã bị đốn hạ. Ông Ngô Đức Thanh cho biết, diện tích đất bị giải tỏa là ông sang nhượng lại của một người ngụ tại xã Tân Lâm, huyện Di Linh từ năm 2015 với diện tích khoảng 3 ha. Khi sang nhượng, diện tích đất này hoàn toàn là đất trống và ông bắt đầu trồng cà phê xen cây muồng và bơ từ năm 2016. Đến hiện tại, cà phê của ông đã hơn 3 năm tuổi và đã cho thu hoạch. Riêng mùa vụ năm 2018, ông đã thu được khoảng 4-5 tấn cà phê trên diện tích đất này. Từ khi sang nhượng và trồng cà phê đến nay ông chưa bị nhắc nhở hoặc cưỡng chế giải tỏa lần nào. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay, ông và mẹ là bà Nguyễn Thị Sáng được ông Lầy Quang Dẩu (ngụ tại xã Tân Lâm, huyện Di Linh) ủy quyền canh tác diện tích 3,4 ha tại khoảnh 7 và 11, Tiểu khu 443 với mục đích trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây nông nghiệp dưới tán rừng. Nguồn gốc đất là do ông Dẩu hợp tác đầu tư với Công ty An Phú Nông từ năm 2014. Theo hợp đồng hợp tác đầu tư này, Công ty An Phú Nông góp 20 ha đất một phần khoảnh 7 và 11, Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) để quản lý, bảo vệ rừng, sản xuất nông lâm kết hợp. Trong 20 ha này, Công ty đã trồng được 5 ha muồng đen, diện tích còn lại công ty giao cho ông Dẩu có trách nhiệm trồng rừng, trồng cây muồng đen và sản xuất nông lâm kết hợp. Thời hạn hợp đồng là 44 năm và toàn bộ vốn đầu tư do ông Dẩu bỏ ra, được hưởng hoa lợi trên diện tích đầu tư và phải trả cho bên Công ty An Phú Nông 0,5% giá trị lợi nhuận sau khi thu hoạch. “Từ đầu năm 2016, tôi và mẹ tôi được ông Dẩu thuê làm việc trên diện tích đất ông hợp tác đầu tư với Công ty An Phú Nông. Sau đó, ông đã làm hai hợp đồng ủy quyền cho tôi và mẹ tôi được canh tác trên diện tích tương ứng với từng người là 1,4 ha và 2 ha để trồng cà phê dưới hình thức nông lâm kết hợp. Đến nay, hợp đồng ủy quyền này vẫn được thực hiện và chúng tôi trồng nông lâm kết hợp theo đúng như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, phía Công ty An Phú Nông vẫn giải tỏa toàn bộ số cà phê mà mẹ con tôi đã trồng mặc cho chúng tôi đã khẳng định chỉ làm theo ủy quyền của ông Dẩu” - ông Thành cho biết thêm.
Từ cuối tháng 5/2019, Công ty An Phú Nông đã có báo cáo và xây dựng kế hoạch gửi UBND huyện Bảo Lâm về việc tổ chức giải tỏa cây trồng, công trình xây dựng trái phép trên đất đã được UBND tỉnh giao cho công ty. Tuy nhiên, do Công an huyện Bảo Lâm không bố trí được lực lượng hỗ trợ giải tỏa nên công ty đã tạm ngưng kế hoạch này. Đến ngày 18/8, công ty tiếp tục xây dựng kế hoạch và đề nghị UBND huyện Bảo Lâm hỗ trợ lực lượng để công ty tiến hành giải tỏa. Được sự nhất trí của UBND huyện Bảo Lâm, ngày 29/8, UBND xã Lộc Phú đã có quyết định thành lập đoàn đảm bảo an ninh trật tự (gồm 32 thành viên) để hỗ trợ Công ty An Phú Nông giải tỏa đất nông nghiệp bị lấn chiếm trái phép.
Như vậy, nếu tính đến ngày tiến hành giải tỏa (4/9/2019) thì toàn bộ quá trình từ việc xây dựng kế hoạch đến việc giải tỏa lần này chỉ diễn ra trong 10 ngày làm việc (?!).
Theo ông Phan Duy Tâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, phía UBND xã chỉ đồng ý hỗ trợ lực lượng giải tỏa 4,5 ha cà phê trồng dưới tán rừng năm 2018 của ông Nguyễn Ngọc Thành. Còn đối với diện tích 2,65 ha của ông Ngô Đức Thanh thì xã không đồng ý hỗ trợ lực lượng vì đây là diện tích cà phê đã lớn. Tuy nhiên, phía công ty vẫn tự giải tỏa theo kế hoạch. “Việc giải tỏa này đúng hay sai là do Công ty An Phú Nông hoàn toàn chịu trách nhiệm” - ông Tâm khẳng định.
Dù không đồng ý hỗ trợ lực lượng nhưng khi Công ty An Phú Nông giải tỏa diện tích đất của ông Thanh thì đã xảy ra xô xát giữa ông Thanh và lực lượng hỗ trợ giải tỏa mà trực tiếp là công an và dân quân xã Lộc Phú. Một điều đáng lưu ý là toàn bộ lực lượng hỗ trợ cho Công ty An Phú Nông giải tỏa hoàn toàn không có sự xuất hiện của Công an huyện và Hạt Kiểm lâm theo như đúng văn bản chỉ đạo của UBND huyện Bảo Lâm. Bên cạnh đó, dù báo cáo của Công ty An Phú Nông khẳng định diện tích đất trồng cà phê năm 2016 của ông Thanh đã được công ty giải tỏa 2 lần vào năm 2018 nhưng đến nay tiếp tục bị tái lấn chiếm. Nhưng ghi nhận trên thực tế, toàn bộ diện tích cà phê, bơ và muồng trên đất của ông Thanh bị giải tỏa đều khoảng 3 - 4 năm tuổi. Điều này chứng tỏ không có việc giải tỏa 2 lần như báo cáo của công ty. Ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Việc các đơn vị như Công an huyện, Hạt Kiểm lâm không bố trí lực lượng hỗ trợ giải tỏa như chỉ đạo của UBND huyện thì hai đơn vị này phải chịu trách nhiệm. Về quy trình giải tỏa thì từ cuối tháng 5, Công ty An Phú Nông đã có kế hoạch giải tỏa và huyện đã giao cho Hạt Kiểm lâm thẩm định kế hoạch này theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm của huyện là thực hiện đúng chủ trương, đúng quy định của pháp luật là kiên quyết giải tỏa tất cả diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Không riêng Công ty An Phú Nông, sắp tới huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng giải tỏa và yêu cầu các đơn vị chủ rừng tiến hành trồng lại rừng, thực hiện đúng phương án theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp”.
Công ty An Phú Nông được UBND tỉnh Lâm Đồng giao 140 ha đất, rừng tại Tiểu khu 443, xã Lộc Phú. Trong đó, diện tích quản lý bảo vệ rừng là 57,38 ha, diện tích trồng rừng là 94,8 ha, diện tích trồng nông lâm kết hợp là 19,58 ha và một số diện tích khác. Tuy nhiên, đến hiện tại, công ty đã để xảy ra lấn chiếm đất rừng và trồng cây sai phương án. Ông Trương Hoài Minh khẳng định việc Công ty An Phú Nông có hợp đồng hợp tác đầu tư đối với một cá nhân khác là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
ĐÔNG ANH - HẢI ĐƯỜNG