Từ cuối năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.
Từ cuối năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, quy định không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trong hai năm liên tiếp của Bộ tiêu chí này thực sự là vấn đề đòi hỏi các xã có rừng cần phải nỗ lực cao trong hành trình tiến tới xã nông thôn mới nâng cao.
|
Năm 2019, mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát rừng, song vẫn xảy ra vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng dọc QL 27C trên địa phận xã Đạ Sar. Ảnh: N.Ngà |
Cụ thể, trong tiêu chí thứ 4 về cảnh quan môi trường thuộc Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 có nội dung ghi rõ: Đối với xã có rừng, trong 2 năm liền kề (kể cả năm xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn xã. Để đạt được điều này là điều rất khó khăn.
Từng là địa phương về đích NTM sớm nhất ở huyện Lạc Dương, Đạ Sar có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục trở thành ứng cử viên sáng giá được huyện Lạc Dương lựa chọn tiên phong trong việc đi lên xã NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương này đang vướng mắc ở ba tiêu chí: hộ nghèo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế và khó nhất là vấn đề không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn xã trong hai năm liên tục.
Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar khẳng định: “Những vấn đề liên quan đến rừng luôn được Đảng ủy xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là nội dung chính thường xuyên được trao đổi trong các cuộc họp của lãnh đạo xã. Các quy định của Tỉnh ủy, Huyện ủy về trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và bảo vệ rừng luôn được lãnh đạo xã nghiêm túc thực hiện. Ban lâm nghiệp xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kiểm lâm địa bàn, các trạm quản lý bảo vệ rừng, Đội 12 của huyện tuần tra, truy quét các hành vi vi phạm về khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Việc này được tiến hành vào cả ban đêm, trong ngày nghỉ, lễ, tết… nhằm hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm xảy ra trên diện tích rừng thuộc địa phận quản lý của địa phương. Nhờ vậy, số vụ và tính chất phức tạp của các vụ việc đều có chiều hướng giảm. So với năm 2017, năm 2018 giảm 22,8% số vụ và tiếp tục giảm xuống vào những tháng đầu năm 2019 này”.
Kiểm điểm cán bộ, công chức để xảy ra phá rừng
UBND huyện Lâm Hà đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm Lâm, UBND xã Mê Linh và UBND xã Đông Thanh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cán bộ, công chức để xảy ra phá rừng trên địa bàn.
Hồ sơ kiểm điểm nộp về UBND huyện Lâm Hà trước ngày 15/9/2019 gồm: danh sách, bản kiểm điểm cá nhân công chức vi phạm, biên bản họp kiểm điểm của đơn vị, phiếu thăm dò hình thức xử lý kỷ luật, trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm, các tài liệu và hồ sơ liên quan.
Được biết, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lâm Hà đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực Đền Hai Bà Trưng, san gạt và múc đất rừng, gây nguy cơ sạt lở ở Tiểu khu 263A (xã Mê Linh); khoan cây rừng, bỏ hóa chất tại Tiểu khu 269 (xã Đông Thanh)…
VŨ VĂN
|
Nỗ lực của địa phương là điều có thể nhìn thấy và đã được ghi nhận, song qua khảo sát của phóng viên về tình hình thực tế tại cơ sở thì việc không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trong hai năm liên tục sẽ là vấn đề nan giải ở Đạ Sar. Bởi nhiều nguyên nhân khách quan: Đây là địa bàn có người dân sống gần rừng, xen kẽ với rừng. Diện tích rừng thuộc địa phận quản lý của xã rất lớn lên đến 20.000 ha và được chia thành 20 tiểu khu nên sẽ rất khó để kiểm soát tuyệt đối các vấn đề về rừng. Đạ Sar hiện đang là một trong những địa bàn có giá đất đắt đỏ.
Việc mua, bán đất ở, kinh doanh sản xuất… diễn ra trên địa bàn cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lấn chiếm đất rừng.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Đạ Sar nằm trên tuyến đường huyết mạch QL 27C có giao thông thuận tiện, cũng là điều kiện để việc vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra... Những yếu tố khách quan đó khiến địa phương khó khăn trong thực hiện mục tiêu hai năm liên tục không xảy ra vụ việc vi phạm nào về rừng và đất rừng nếu không có quyết tâm cao độ.
Ông Đồng Văn Lâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết thêm: “Đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy đã giảm nhiều so với những năm trước đây, song trọng điểm vi phạm vẫn tập trung tại hai xã Đạ Sar và Đạ Nhim. Trong tổng số 64 vụ vi phạm xảy ra trong năm 2018 thì có đến 57 vụ xảy ra trên địa bàn hai xã này, chiếm 89% số vụ vi phạm. Tình hình vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra, nhất là khu vực dọc tuyến đường ĐT 722 và QL 27C. Các cơ quan chức năng ở cả hai cấp huyện và xã đều tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra ngăn chặn song tình hình vẫn diễn biến phức tạp”.
Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo Đội 12 xây dựng kế hoạch, thường xuyên tuần tra, truy quét điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, nhất là trên địa bàn hai xã Đạ Sar và Đạ Nhim. Hai địa phương này cũng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp ngăn chặn song vẫn còn xảy ra những vụ khai thác rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật…
Cụ thể, số vụ vi phạm theo địa phương thì Đạ Sar xảy ra 15 vụ, còn xã Đạ Nhim xảy ra 9 vụ.
Theo ghi nhận của phóng viên, đây không chỉ là nỗi niềm của riêng xã Đạ Sar mà còn là băn khoăn chung của nhiều xã có rừng đang phấn đấu tiến lên NTM nâng cao. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền cấp xã phải nỗ lực một cách cao nhất.
N.NGÀ