Phát triển cây dược liệu Diệp hạ châu là hướng đi đúng đang được huyện Cát Tiên khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia liên kết cùng bà con nông dân...
Phát triển cây dược liệu Diệp hạ châu là hướng đi đúng đang được huyện Cát Tiên khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia liên kết cùng bà con nông dân. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng nguyên liệu đối với các loại cây trồng khá nhạy cảm này rất cần có hướng đi thận trọng, tuân theo quy hoạch, đặc biệt là vấn đề liên kết từ sản xuất đến thu mua, chế biến sản phẩm.
|
Hơn 2 tháng nay, một số hộ dân có hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Ladophar than phiền bị chậm trễ trong việc tiêu thụ sản phẩm |
Nhiều tiềm năng
Từ năm 2010, huyện Cát Tiên đã đưa cây dược liệu vào nghị quyết phát triển kinh tế của Đảng bộ huyện, trong đó, Diệp hạ châu là cây trồng chủ lực. Đến năm 2011, cán bộ phòng nông nghiệp huyện đã đến Viện Dược liệu miền Trung đóng tại Phú Yên sưu tầm giống, tổ chức khảo nghiệm và làm đề tài khoa học “Quy trình sản xuất cây Diệp hạ châu” vào năm 2012.
Từ đó, cây dược liệu Diệp hạ châu đã được đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Cát Tiên và nhận được kết quả tốt. Kết quả của mô hình thử nghiệm cho thấy cây Diệp hạ châu rất hợp với vùng đất Cát Tiên và các hàm lượng dược chất trong cây qua phân tích đều rất cao (cao hơn từ 1,8 đến 3,1 lần so với hàm lượng dược chất được trồng ở khu vực khác).
Từ cơ sở thành công của mô hình sản xuất thử nghiệm, đầu năm 2013, huyện Cát Tiên quyết định cho triển khai nhân rộng sản xuất cây Diệp hạ châu theo quy trình VietGAP, GACP (thực hành tốt quy trình sản xuất và thu hái dược liệu) với diện tích quy hoạch 100 ha. Theo đó, địa phương đã xác định phải chuyển đổi một số diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu Diệp hạ châu, nhằm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tạo thu nhập cao cho người nông dân.
Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên cũng đồng loạt cho triển khai các đề tài khoa học nghiên cứu, sản xuất cây Diệp hạ châu và ban hành các quy trình kỹ thuật sản xuất để áp dụng đồng bộ vào sản xuất, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa đặc trưng cho địa phương. Để hiệu quả của chương trình đạt như kỳ vọng, Cát Tiên còn liên kết chặt chẽ với Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) nghiên cứu cho ra đời sản phẩm trà túi lọc Diệp hạ châu. Đến tháng 10/2016, sau nhiều năm xây dựng, huyện Cát Tiên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với thương hiệu “Diệp hạ châu Cát Tiên”.
Từ những quyết tâm cao, huyện Cát Tiên đang tiếp tục triển khai mở rộng diện tích sản xuất cây Diệp hạ châu và tập trung xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường thông qua việc ký liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty sản xuất dược phẩm, dược liệu, điển hình như Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng Ladophar.
Chú trọng liên kết, đảm bảo yếu tố đầu ra
Nhiều năm nay, 10 hộ dân tại Khu phố 9, thị trấn Cát Tiên đã mạnh dạn ký hợp đồng liên kết sản xuất cây dược liệu Diệp hạ châu với Công ty Ladophar. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hà, một hộ dân có hợp đồng liên kết sản xuất Diệp hạ châu với Công ty Ladophar thì đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít. Khi trồng chỉ cần bón một ít phân chuồng để mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt. Trung bình, 1.000 m
2 cho thu nhập thấp nhất là 20 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, theo bà Hà, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển vùng nguyên liệu Diệp hạ châu tại huyện Cát Tiên đó là diện tích sản xuất của người dân nhỏ lẻ, manh mún. Đơn cử như 10 hộ dân đang thực hiện liên kết với Công ty Ladophar tại Khu phố 9, hộ có diện tích sản xuất lớn nhất chỉ 4.000 m
2, còn lại dao động từ 1.000 - 2.000 m
2. Do đó, việc sản xuất cây Diệp hạ châu dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng rất khó để nói đến chuyện làm giàu.
Ngoài ra, yếu tố thị trường cũng đang là một nỗi lo. Mặc dù, Cát Tiên đã xây dựng được vùng nguyên liệu diệp hạ châu hơn 10 ha, chủ yếu tập trung trên địa bàn thị trấn Cát Tiên (quy hoạch 25 ha) và đang quy hoạch 15 ha ở xã Đức Phổ ở ven sông Đồng Nai - là nơi có chất đất phù sa thích hợp để cây diệp hạ châu có dược chất tốt hơn.
Ghi nhận tại xã Đức Phổ, ông Cao Xuân Nghiêm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ những năm 2012 - 2015 cây Diệp hạ châu được nhiều nông dân trong xã đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, hầu như nông dân trong xã đã ngưng trồng loại cây này do thị trường tiêu thụ còn hạn chế.
Theo ông Nghiêm, năm 2018, lãnh đạo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cũng như lãnh đạo UBND xã Đức Phổ đã có buổi tham quan và làm việc trực tiếp tại Công ty Ladophar để bàn việc phát triển vùng nguyên liệu cũng như thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Diệp hạ châu. Sau đó, lãnh đạo Công ty Ladophar đã về địa phương khảo sát thực tế, dự tính đặt nhà máy sơ chế. Riêng xã Đức Phổ đã thực hiện quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu với diện tích 3 ha. Đến nay, việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương vẫn chưa được thực hiện.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cũng cho biết: Trước đây, một số nông dân trong xã cũng đưa cây Diệp hạ châu vào sản xuất tại địa phương theo dọc sông Đồng Nai. Tuy nhiên, nhận thấy yếu tố đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế nên nông dân đã ngưng trồng. Thay vào đó, bà con chuyển sang cây dâu tằm hoặc các loại cây ăn trái.
Bà Huỳnh Lê Thục Cơ, phụ trách bộ phận phát triển vùng nguyên liệu dược liệu Công ty Ladophar Lâm Đồng cho biết: Bên cạnh cây Atiso thì cây Diệp hạ châu cũng là cây dược liệu gắn với nhiều sản phẩm chủ lực của Ladophar. Hiện Ladophar đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn theo quy trình GACP với 10 hộ nông dân, trên diện tích 2 ha tại thị trấn Cát Tiên.
Theo bà Cơ, với diện tích vùng nguyên liệu Diệp hạ châu rộng 2 ha, mỗi năm công ty thu về sản lượng từ 18 - 24 tấn sản phẩm tươi. Trước mắt, diện tích cũng như vùng nguyên liệu trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu của công ty. Hơn nữa, một số sản phẩm sản xuất từ Diệp hạ châu của công ty như: Trà túi lọc, Diệp hạ châu BVP, Cao Diệp hạ châu cũng đang trên đường tìm kiếm và mở rộng thị trường. Trong tương lai, nếu các sản phẩm từ Diệp hạ châu của công ty được thị trường đón nhận rộng rãi hơn, công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên từ 5 - 10 ha thông qua ký liên kết với nông dân.
|
Chú trọng liên kết, đặc biệt yếu tố đầu ra ổn định cho sản phẩm là “nút thắt” trong việc phát triển vùng nguyên liệu Diệp hạ châu ở huyện Cát Tiên |
Để vùng nguyên liệu thành hiện thực
Việc đầu tư phát triển cây dược liệu Diệp hạ châu ở một số địa phương trên địa bàn huyện Cát Tiên đã giúp nông dân nâng cao thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, để cây dược liệu phát triển ổn định thì rất cần sự liên kết, phối hợp hiệu quả giữa người dân, chính quyền và các doanh nghiệp.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Hiện toàn huyện có 16,9 ha Diệp hạ châu được liên kết sản xuất với Công ty Ladophar theo quy trình GACP, năng suất đạt 33,9 tạ /ha, sản lượng đạt 57,3 tấn. Thực tế sản xuất của người dân cho thấy, giá trị thu nhập từ cây Diệp hạ châu mang lại cho người nông dân là rất cao, trung bình đạt trên 600 triệu đồng/ha. Đồng thời, đây là nguồn nguyên liệu quý cho sức khỏe nhân dân. Vì vậy, phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu Diệp hạ châu là hướng đi đúng đắn, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và bền vững cho nông dân.
Tuy vậy, để vùng nguyên liệu Diệp hạ châu thành hiện thực như mục tiêu đã đề ra, trong thời gian đến, UBND huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục hoàn thiện vùng quy hoạch nguyên liệu Diệp hạ châu, sản xuất theo quy trình GACP, qua đó tạo vùng nguyên liệu ổn định bền vững. Tập trung tháo gỡ những khó khăn của vùng sản xuất do ảnh hưởng của thời tiết (mưa lớn kéo dài, ngập úng một số diện tích) nhằm phục hồi lại diện tích sản xuất. Đồng thời, thực hiện chọn lọc sản xuất khâu giống để duy trì hàm lượng dược chất. Huy động các nguồn lực về vốn, kỹ thuật nhằm đào tạo nghề cho nông dân, quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu Diệp hạ châu ngày càng mở rộng.
UBND huyện Cát Tiên cũng đã có kế hoạch làm việc với Công ty Ladophar để bàn về các giải pháp liên kết thu mua, chế biến cây Diệp hạ châu nhằm giải quyết bài toán thị trường cho nông dân khi mở rộng diện tích. Cùng với cây Diệp hạ châu, UBND huyện đang khuyến khích người dân đa dạng hóa các cây dược liệu mà địa phương có tiềm năng như: Nhân trần, Đinh lăng, An xoa, Trà dây rừng, Sâm cau… Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên cũng đang thực hiện việc kêu gọi các doanh nghiệp đến nghiên cứu, đầu tư, liên kết phát triển vùng nguyên liệu dược liệu nói chung và Diệp hạ châu nói riêng, qua đó tạo nên chuỗi liên kết sản xuất bền vững cho người dân.
THANH SA