Trước thực trạng những năm gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra, vì vậy Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã triển khai chương trình giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, nhận thấy còn nhiều lỗ hổng, kẽ hở trong luật mà đối tượng xấu lợi dụng trẻ em và phạm tội.
Trước thực trạng những năm gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra, vì vậy Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã triển khai chương trình giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, nhận thấy còn nhiều lỗ hổng, kẽ hở trong luật mà đối tượng xấu lợi dụng trẻ em và phạm tội.
Thực trạng trẻ em bị xâm hại
Mỗi năm bình quân tại Lâm Đồng có khoảng hơn 30 trẻ em bị xâm hại, trong đó đa phần trẻ bị xâm hại tình dục. Vì vậy, cần phải điều chỉnh, bổ sung luật pháp cho phù hợp thực tiễn theo hướng tăng hình phạt đối với loại tội phạm này.
|
Trẻ em cần sự chung tay bảo vệ của toàn xã hội. Ảnh: Phan Nhân |
Có tới 158 trẻ em bị xâm hại, trong đó 114 trẻ bị xâm hại tình dục, chủ yếu trong độ tuổi từ 13 - 16 tuổi. Đó là con số thống kê của cơ quan chức năng từ 2015 - 2019 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các thành viên trong đoàn giám sát phát hiện, đây mới chỉ là con số của các vụ việc được cơ quan Công an, Viện Kiểm sát đưa ra xét xử, khởi tố. Còn phía sau con số này là những vụ việc gia đình trẻ đã báo cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết triệt để, những vụ việc bé bị khống chế, đe dọa không được cho người khác biết, hoặc nạn nhân và gia đình giấu kín…
Đau lòng hơn, trong số 114 vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục thì có 14 trẻ em có thai, 6 trẻ bị rối loạn tâm thần và 3 trẻ bị thương tật… đã được phát hiện, tố giác, thông tin trên báo chí và gây tác động mạnh tới dư luận xã hội. Thậm chí, có vụ việc tại Đà Lạt khi cha ruột cưỡng hiếp con gái ruột gây tổn hại nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức con người, khiến dư luận hết sức bất bình và đòi hỏi pháp luật cần phải trừng trị nghiêm minh.
Thống kê riêng tại thành phố Đà Lạt giai đoạn 2015 - 2019, có 21 trẻ bị xâm hại tình dục, tại thành phố Bảo Lộc có 15 em bị xâm hại tình dục, trong đó có 3 bé từ 6 - 12 tuổi, 11 bé từ 13 - 16 tuổi. Tại huyện Đức Trọng, thống kê cho thấy có 11 trẻ em bị xâm hại tình dục, tăng 6 trường hợp so với giai đoạn trước.
Ngoài ra, tại thành phố Đà Lạt còn phát hiện thêm 10 vụ với 25 đối tượng có hành vi dâm ô, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các em nhưng chưa đến mức khởi tố, đã xử phạt vi phạm hành chính.
Về phương thức, thủ đoạn của kẻ xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là đối tượng quen biết, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ em, dụ dỗ, lôi kéo các em đi ăn uống, dụ dỗ và thực hiện hành vi xâm hại trẻ em gái. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động xấu của văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng xã hội. Bên cạnh đó là nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa có hiểu biết cụ thể về Luật Trẻ em, quyền trẻ em, các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, những kỹ năng cần thiết của trẻ như kỹ năng phòng vệ, tự bảo vệ, cách chống cự khi cần thiết, kỹ năng nhận biết linh hoạt với những thái độ, hành vi của kẻ lợi dụng xâm hại tình dục… hiện còn thiếu.
|
Đại diện Công an Đức Trọng báo cáo về thực trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn Đức Trọng |
Phân tích về phạm vi, địa điểm hoạt động của đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em cho thấy xảy ra ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Trong đó khu vực nông thôn chiếm tới 80 vụ trong toàn tỉnh, khu vực thành thị là 49 vụ.
Trong tổng số 158 vụ việc trẻ em bị xâm hại thì có 122 trẻ em là bé gái, 36 trẻ em là bé trai, 36 trẻ em bị bạo lực…
Đi sâu hơn phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần do các gia đình có bố mẹ ly hôn, gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình do cha mẹ mải mê làm ăn, thiếu sự quan tâm, chăm lo, giáo dục trẻ. Trẻ em không nhận được sự chia sẻ, quan tâm từ gia đình nên các em dễ rơi vào cạm bẫy của các đối tượng phạm tội.
Hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, để lại hậu quả xấu khôn lường về mọi mặt đời sống của trẻ như ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tâm hồn của trẻ. Khi trẻ bị xâm hại rất khó trở lại hòa nhập cộng đồng, ảnh hưởng và tổn thương tâm lý lâu dài đến trẻ, thậm chí cả cuộc đời con người.
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, Trưởng Đoàn giám sát về việc thực hiện pháp luật trong phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhận định: Với quan điểm “Trẻ em là tương lai của đất nước”, với trách nhiệm của cơ quan thực hiện lập pháp quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là tiếng nói cử tri và Nhân dân, Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát lĩnh vực này nhằm ghi nhận, tiếp thu các ý kiến từ thực tế đề điều chỉnh, bổ sung luật pháp cho phù hợp thực tiễn. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng quy định những chế tài, chính sách ưu tiên nhiều hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đối với trẻ em có liên quan trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, xử lý vi phạm hành chính, đề nghị phải được hệ thống hóa những nguyên tắc bảo vệ trẻ em đưa vào văn bản pháp luật hiện hành trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm. Xem xét quy định tổ chức của Quỹ Bảo trợ trẻ em một cách hợp lý, đảm bảo hiệu quả trong huy động và hoạt động của Quỹ ở địa phương cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Kiến nghị xem xét sửa đổi Bộ Luật Hình sự theo hướng tăng mức hình phạt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em nhất là các tội có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như xâm hại tình dục trẻ nhỏ tuổi, trẻ bị khuyết tật, tâm thần, hiếp dâm nhiều lần làm nạn nhân có thai, tâm thần, tự tử... Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng quy trình trưng cầu giám định riêng đối với các vụ án xâm hại trẻ em.
NGUYỆT THU