Trẻ em là người đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ môi trường xã hội. Do đó, trẻ em là đối tượng cần được gia đình và toàn xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục để có kỹ năng phòng, chống xâm hại.
[links()]
Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục, trách nhiệm toàn xã hội
Trẻ em là người đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ môi trường xã hội. Do đó, trẻ em là đối tượng cần được gia đình và toàn xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục để có kỹ năng phòng, chống xâm hại.
|
Xã hội cần có trách nhiệm phòng, chống nạn xâm hại tình dục trẻ em |
Thực tế cho thấy công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế cần phải áp dụng nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em.
Việc để xảy ra 158 vụ việc (qua cơ quan công an điều tra, xét xử) đáng tiếc xâm hại tình dục trẻ em trong gần 5 năm qua (2015 - 2019) là do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, việc trang bị các kiến thức kỹ năng cần thiết giúp trẻ tự phòng vệ, chống lại các hành vi xâm hại còn hạn chế. Công tác phối hợp hoạt động giữa nhà trường - gia đình và xã hội về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ còn thiếu chặt chẽ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin còn nhiều bất cập, các loại văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy phát tán trên mạng xã hội đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, làm lệch chuẩn đạo đức, hành vi của một số cá nhân.
Về phía chính quyền địa phương chưa dành nguồn lực, quỹ đất đáng kể quan tâm đầu tư tạo sân chơi bổ ích lành mạnh cho trẻ như hồ bơi, sân banh, các khu vui chơi giải trí chuyên biệt cho trẻ em để thu hút các em đến sinh hoạt lành mạnh, an toàn. Hệ thống bảo vệ trẻ em chưa được vận hành một cách chuyên nghiệp nên việc phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại dưới nhiều hình thức chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vẫn còn để xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại đau lòng.
Nguyên nhân sâu xa và có tác động mạnh nhất đó chính là “Gia đình”. Nhiều gia đình chưa thực sự nhận thức đầy đủ về nguy cơ xâm hại trẻ em, nhất là các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục nên việc phòng chống xâm hại trẻ chưa được cha mẹ, ông bà, người thân quan tâm đúng mức. Trong khi đối tượng lạm dụng tình dục trẻ em lại thường là những người có mối quan hệ thân thiết với trẻ. Trẻ thường bị dụ dỗ bằng tiền bạc, vật chất, những thứ trẻ yêu thích hoặc thiếu thốn…
Kẽ hở trong thực thi pháp luật đó là hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô với trẻ em; chưa quy định mức hình phạt cụ thể đối với các tội thuộc nhóm tội phạm xâm hại trẻ em nên chưa đủ sức răn đe kẻ phạm tội.
Giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn là hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn, trường học an toàn cho trẻ. Bộ Giáo dục, ngành Giáo dục các địa phương cần đưa chương trình xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” trong xã hội, nhằm tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình… chăm lo tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em có quyền được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; dành nguồn lực thỏa đáng cho việc đầu tư thiết chế văn hóa, thông tin và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất để trẻ em trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội, liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành nên đòi hỏi trách nhiệm cao từ phía các cơ quan quản lý nhà nước để việc thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hiển - ĐBQH Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Công tác xử lý tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em là loại tội phạm rất nhạy cảm, cần quy định cụ thể trong luật để công tác xét xử được nghiêm minh, đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Hoàn thiện thể chế pháp luật, như luật hiện nay thì chưa xử lý được vì chưa được đưa vào luật một cách cụ thể. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em trong các tài liệu tham khảo, trong chương trình giảng dạy các bộ môn liên quan đến nội dung giáo dục về sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục pháp luật…; cung cấp nhiều hơn các tình huống về phòng, chống xâm hại trẻ em gần gũi với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi, đối tượng; cung cấp băng hình, tranh ảnh phục vụ môn học cần sát với nội dung của chủ đề bài học; tổ chức tập huấn về kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các đơn vị trường học để luật pháp đi vào cuộc sống và có hiệu quả cao nhất là bảo vệ con người, bảo vệ trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh: Nhiều vụ việc từ cơ sở, địa phương đã gửi đơn kiến nghị, tố cáo các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều đơn và đơn vị gửi phối hợp giải quyết đầu tiên là Công an tỉnh và Công an các địa phương. Tuy nhiên, tới thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản trả lời về các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều vụ việc, người nhà có trình báo, nhưng vì lý do này, lý do kia, công tác phối hợp giải quyết trên thực tế chưa thật sự hiệu quả. Giải pháp để khắc phục việc này chính là cần phải tăng cường phối hợp giải quyết kịp thời, đúng quy định để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đi vào thực chất hơn. Tránh tình trạng, chỉ đến khi sự việc đã được phát hiện thì các cơ quan, ban ngành mới vào cuộc, phối hợp xử lý, gây tổn thương nghiêm trọng đến các em.
Luật gia Bùi Thanh Long - Thành viên Tổ tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH Lâm Đồng: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâu nay chưa được quan tâm thường xuyên, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cần được thu thập thêm ý kiến góp ý để hoàn thiện hệ thống pháp luật sát với thực tiễn. Thực hiện quyền công ước trẻ em, Luật Trẻ em cần có hệ thống hóa lại gọn nhẹ để các em dễ tiếp cận và hiểu về pháp luật. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng quy định những chế tài, chính sách ưu tiên nhiều hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đối với trẻ em có liên quan trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, xử lý vi phạm hành chính, đề nghị phải được hệ thống hóa những nguyên tắc bảo vệ trẻ em đưa vào văn bản pháp luật hiện hành trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Khắc Bốn - Phó Trưởng Ban Văn hóa xã hội - HĐND tỉnh Lâm Đồng: Lâm Đồng thực hiện khá tốt việc phòng chống xâm hại trẻ em, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác này. Tuy nhiên, tại Lâm Đồng, qua phản ánh báo chí cho thấy đã có những vụ việc gây chấn động tâm lý, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và trật tự an toàn xã hội. Đề nghị cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật về kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Vai trò của công an rất quan trọng, ngành Tòa án cần lựa chọn đưa ra xét xử công khai các vụ việc hiếp dâm trẻ em trong cộng đồng để tạo tính răn đe cao. Đề nghị cần tăng mức hình phạt lên đối với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.
Ông Hoàng Bình - Chuyên gia Tổ tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH Lâm Đồng: Cần nêu rõ thực trạng về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, theo cha mẹ đi làm ăn, ở trọ, cha mẹ ly hôn, trẻ em bỏ học, trẻ em trong nhà trường và ngoài nhà trường. Tình trạng cha bạo hành con, mẹ bắt con đi bán vé số, đi lao động sớm… Tình hình tai nạn thương tích của trẻ em như tai nạn giao thông, đuối nước, bạo lực học đường… để có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó có giải pháp phòng ngừa hợp lý, hiệu quả hơn. Biện pháp giáo dục kỹ năng, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ ngay trong nhà trường và cả ngoài cộng đồng là điều cần được quan tâm.
|
NGUYỆT THU