Dù đã hoạt động hết công suất thu gom của các loại xe chuyên dụng nhưng về cơ bản, hiện nay hoạt động thu gom, xử lý rác thải ở huyện vùng sâu Đam Rông chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của người dân, còn bãi rác tạm lộ thiên là một trong những mối lo ngại ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Dù đã hoạt động hết công suất thu gom của các loại xe chuyên dụng nhưng về cơ bản, hiện nay hoạt động thu gom, xử lý rác thải ở huyện vùng sâu Đam Rông chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của người dân, còn bãi rác tạm lộ thiên là một trong những mối lo ngại ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
|
Bãi rác lộ thiên gây ảnh hưởng đối với môi trường. Ảnh: H.Thắm |
Chưa thể đáp ứng nhu cầu người dân
Ông Nguyễn Hải Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng (QL&KTCTCC) huyện Đam Rông cho biết, hiện nay về cơ bản đơn vị đã triển khai thu gom rác thải trên địa bàn 8/8 xã. Số hợp đồng ký kết trong năm 2019 là 1.008 hộ. Việc thu gom được thực hiện liên tục từ thứ hai đến thứ sáu và chủ nhật hằng tuần. Tuy nhiên, đối với từng khu vực thì lịch thu gom khác nhau tùy vào lượng rác thải phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện mỗi ngày chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, cơ quan, trường học... trên địa bàn được thu gom khoảng 8,5 tấn. Công tác thu gom còn chậm, tốn nhiều thời gian mà chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của người dân trên địa bàn toàn huyện.
Cụ thể, Trung tâm QL&KTCTCC huyện Đam Rông được trang bị 2 xe ép rác chuyên dụng với công suất 8,5 tấn và hiện đang khai thác tối đa nên việc thu gom, vận chuyển còn hạn chế. Do đặc thù của địa phương có dân cư phân bố rải rác trong khi điều kiện xe thu gom còn thiếu nên Trung tâm chưa thể thực hiện gom rác thải rắn sinh hoạt trên nhiều khu vực. Một số tuyến đường tại các xã được đề xuất thu gom nhưng chưa thể triển khai. Hằng năm lượng kinh phí phân bổ cho bảo vệ môi trường còn ít nên chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hải Thái, hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm như một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ý thức bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen đi vào đời sống.
Hằng năm, Trung tâm cùng với các phòng, ban, UBND các xã tìm phương án, quỹ đất để quy hoạch bãi xử lý rác tại các địa phương nhằm giảm lượng rác thải vận chuyển về bãi rác Thôn 1, xã Rô Men. Đối với các hộ dân ở xa, nơi chưa có xe thu gom thì vận động thực hiện phân loại đốt, chôn lấp rác đúng quy định, tuyên truyền người dân không đổ rác, bỏ chất thải rắn bừa bãi ra đường, ao hồ, sông, suối... Vận động các hộ gia đình tự phân loại đơn giản tại nhà (cụ thể với chất thải rắn là thực phẩm thì tiến hành chôn lấp tại nhà hoặc làm thức ăn chăn nuôi, các chất thải có thể tái chế thì tách riêng để bán cho các cơ sở tái chế).
Nguy cơ ô nhiễm từ bãi rác lộ thiên
“Chẳng có nơi nào mà gom hết rác từ các xã về đổ tại khu trung tâm như ở đây” - đó là thực tế tồn tại nhiều năm ở Đam Rông. Hiện nay, toàn bộ lượng rác thải thu gom trên địa bàn huyện được đưa về xử lý tại bãi rác duy nhất ở Thôn 1, xã Rô Men. Đây là bãi rác tạm, quy trình xử lý bằng phương pháp đốt chưa hợp vệ sinh, nhất là chưa có hệ thống xử lý nước rỉ thải và khí thải theo quy định.
Theo cán bộ của Trung tâm QL&KTCTCC, hiện chưa có cơ sở khoa học để xác định mức độ ô nhiễm từ bãi rác nhưng bằng mắt thường quan sát với tình trạng như hiện nay, vấn đề này là không thể tránh khỏi. Rác thải sau khi thu gom tập trung được rắc vôi, đốt tại chỗ. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được trong điều kiện thời tiết nắng ráo, còn mùa mưa thì không. Đó là chưa kể quá trình đốt tạo ra khói nguy hại, nước rỉ thải từ bãi rác ngấm vào trong đất.
Ông Nguyễn Lân - Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết, bãi rác nằm trên địa bàn luôn bộc lộ những bất cập, đặc biệt là cách xử lý chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến môi trường: “Quy trình xử lý như hiện nay cũng ảnh hưởng đến đời sống của một số hộ dân sinh sống ở gần đó, đặc biệt là nước rỉ thải vào mùa mưa theo dòng chảy xuống khu vực phía dưới; trời nắng thì bốc mùi, quá trình đốt sinh ra khói độc hại. Dù là giải pháp tạm thời nhưng đã kéo dài nhiều năm, để lại những hệ lụy cho môi trường”.
Theo ông Nguyễn Hải Thái, việc tìm quỹ đất thích hợp để quy hoạch bãi rác nhằm giảm lượng rác thải đổ về trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chủ trương quy hoạch bãi rác cho khu vực trung tâm Bằng Lăng đã có từ lâu tại vị trí khuất tầm nhìn, không ảnh hưởng đến nguồn nước, xa khu dân cư, thuận tiện đường giao thông và đảm bảo được các tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời có thể chứa được một lượng rác tương đối lớn. Hiện trạng khu đất là đất lâm nghiệp có tre le, gỗ tạp, cây bụi xen lẫn một số cây thông 3 lá, không có khả năng phát triển thành rừng và hiện các hộ dân đang lấn chiếm canh tác trồng cây hằng năm. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay vẫn chưa thể tìm được đơn vị nào đứng ra lập phương án đầu tư quy hoạch bãi rác.
“Việc đầu tư xây dựng các bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý chất thải rắn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế, điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã có kiến nghị về lâu dài phải xây dựng nhà máy xử lý rác thải cũng như trang bị thêm phương tiện kỹ thuật trong quản lý, phân loại và xử lý rác thải rắn; hỗ trợ thêm máy móc, trang thiết bị như xe máy múc, thùng rác để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn huyện”, ông Thái cho biết thêm.
HỒNG THẮM