Qua tổng hợp từ UBND các xã, thị trấn thì trên địa bàn huyện Đơn Dương chưa phát hiện trường hợp hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
Qua tổng hợp từ UBND các xã, thị trấn thì trên địa bàn huyện Đơn Dương chưa phát hiện trường hợp hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
|
Đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã quan tâm đầu tư canh tác ổn định trên phần đất của mình |
Theo báo cáo của UBND huyện Đơn Dương, hiện tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là 5.413 hộ. Tổng diện tích đất thuộc về các gia đình, cá nhân người đồng bào dân tộc thiểu số là trên 7.370 ha, trong đó, đất ở có trên 224 ha và đất nông nghiệp hơn 7.145 ha. Toàn huyện có 8 xã và 2 thị trấn, 100% xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung đông nhất tại xã Tu Tra, với 1.367 hộ, sử dụng 53,3 ha đất ở và 2.676 ha đất canh tác; tiếp theo là xã P’ró, với 925 hộ, sử dụng 33,9 ha đất ở và 1.540 ha đất canh tác; xã Đạ Ròn có 908 hộ, sử dụng 20,8 ha đất ở và gần 282 ha đất canh tác… Tuy số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đông, phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện, lại sử dụng một diện tích lớn đất nông nghiệp, nhưng thời gian qua, địa phương chưa phát hiện trường hợp người đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất, sang nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật. Đây quả là thành công không nhỏ của chính quyền các cấp huyện Đơn Dương. “Việc cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 1 năm 2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định về điều kiện chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận tặng cho, cho thuê, thuê quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Lâm Đồng. Tại Đơn Dương, qua tổng hợp từ UBND các xã, thị trấn thì trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật” - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, Dương Đức Đại khẳng định.
Dân số toàn huyện Đơn Dương có 104.616 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31%. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 61.135 ha, gồm: đất nông nghiệp 57.801 ha (đất sản xuất nông nghiệp là 20.325 ha, đất lâm nghiệp 37.471 ha, đất nuôi trồng thủy sản 4,1 ha), đất phi nông nghiệp là 3.043 ha (đất ở là 764,29 ha, đất chuyên dùng 1.575 ha) và đất chưa sử dụng là 289,94 ha. Tổng diện tích đất thuộc về các gia đình, cá nhân người đồng bào dân tộc thiểu số là trên 7.370 ha, trong đó, đất ở có 224,17 ha và đất nông nghiệp 7.145,87 ha. |
Theo Chủ tịch UBND huyện Dương Đức Đại, để có được kết quả trên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đúng theo chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhất là tuyên truyền các chính sách về đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã đầu tư canh tác ổn định trên phần đất của mình, tình trạng cho thuê, chuyển nhượng đất trái phép không còn diễn ra.
Có thể nói, công cuộc “giữ” đất cho người đồng bào dân tộc thiểu số thời gian gần đây có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Với sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Công tác quản lý đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đúng theo quy định, đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu được chính sách của Nhà nước về đất đai và giữ đất để canh tác nhằm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, diễn biến “nóng” của thị trường bất động sản những năm gần đây ít nhiều cũng tác động đến tình hình quản lý đất đai của huyện Đơn Dương, tình trạng mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất diễn biết hết sức phức tạp.
Trước thực trạng đó, Đơn Dương cần sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; xác định việc ngăn chặn người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp. “Giữ đất là giữ lại tư liệu sản xuất, giữ lại kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, phải kiên quyết không để xảy ra trường hợp hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê đất, sang nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật” - Chủ tịch UBND huyện Dương Đức Đại nhấn mạnh.
TỨ KIÊN