(LĐ online) - Sáng 12/12, tại kỳ họp cuối năm HĐND huyện Đạ Huoai khóa X, ông Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đạ Huoai đặt ra vấn đề: San gạt mặt bằng, khai thác đất xảy ra tràn lan trên địa bàn đang trở thành một "vấn nạn"...
(LĐ online) - Sáng 12/12, tại kỳ họp cuối năm HĐND huyện Đạ Huoai khóa X, ông Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đạ Huoai đặt ra vấn đề: San gạt mặt bằng, khai thác đất xảy ra tràn lan trên địa bàn đang trở thành một “vấn nạn”. Vấn đề này đã kéo dài, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý còn thể hiện sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.
|
Các phương tiện liên tục hoạt động tại điểm khai thác đất rộng hàng ngàn mét vuông ngay dưới chân đèo Bảo Lộc (thị trấn Đạ M’ri) |
Ngang nhiên khai thác
Ghi nhận thực tế, tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đạ Huoai đều có tình trạng san gạt, múc đất trái phép. Hàng chục quả đồi, vườn cây đang ngày đêm bị đào xới. Máy múc, máy ủi liên tục san gạt bạt đồi, xẻ núi. Từng đoàn xe ben nối đuôi nhau chở đất khiến bụi bay mùi mịt khắp khu dân cư, đường xá gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Thị trấn Mađaguôi, xã Hà Lâm, xã Mađaguôi, xã Đạ P’Loa và thị trấn Đạ M’ri là những địa phương để xảy ra tình trạng san gạt, khai thác đất hết sức nghiêm trọng. Tại thị trấn Mađaguôi và xã Hà Lâm, có hơn 10 điểm khai thác đất trái phép nằm trên trục Quốc lộ 20. Tại những điểm khai thác này, xe ben chở đất ra vào liên tục khiến bụi bay mù mịt. Hầu hết các xe chở đất đều không được trùm bạt khiến đất rơi vãi khi lưu thông trên đường. Không những vậy, tại những điểm múc đất ở xã Hà Lâm còn xuất hiện tình trạng khai thác đá chẻ không phép.
Trong khi đó, hầu hết các điểm khai thác đất ở xã Đạ P’Loa nằm ngay tuyến đường 721 nối dài (từ ngã 3 Bà Sa đi Bình Thuận), có ít nhất 6 điểm khai thác đất liên tục hoạt động. Cứ thế, những quả đồi trồng điều lớn bị bạt ngang, trong đó, có nhiều quả đồi đã mất hẳn.
Còn tại thị trấn Đạ M’ri, tình trạng khai thác đất xảy ra ngay tại một quả đồi lớn dưới chân đèo Bảo Lộc. Tại đây, 2 máy múc và khoảng 10 xe ben liên tục hoạt động đào múc, vận chuyển đất. Điểm khai thác đất này đã ăn sâu vào núi, với phạm vi khai thác rộng lớn đến hàng ngàn mét vuông.
San gạt, khai thác đất là sai phạm
Trước những bất cập đã và đang xảy ra đối với hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, ngày 4/5/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản về việc khẩn trương thực hiện việc dừng ngay các hoạt động “san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh”.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng và các địa phương khẩn trương thực hiện việc dừng ngay các hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng và khai thác đất trên địa bàn. Văn bản quy định kể cả các trường hợp hồ sơ đã được phê duyệt, cấp phép, cải tạo mặt bằng nhưng chưa được thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang cũng buộc ngừng hoạt động. Như vậy, theo Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng thì mọi hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng và khai thác đất đều trái phép. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có quy định, thủ tục giải quyết hồ sơ san gạt, cải tạo mặt bằng cụ thể dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Một số hình ảnh được Báo Lâm Đồng Online ghi nhận về hoạt động san gạt mặt bằng, khai thác đất trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Đạ Huoai:
|
Một ngọn đồi cạnh Quốc lộ 20 (đoạn qua thị trấn Mađaguôi) đang bị “xẻ thịt” |
|
Điểm khai thác đất nằm cạnh Quốc lộ 20 (đoạn qua xã Hà Lâm) hoạt động trong một thời gian dài nhưng cơ quan chức năng không xử lý |
|
Xe chở đất thường xuyên ra vào điểm san gạt đất trên Quốc lộ 20 |
|
Một quả đồi bị khai thác đất tràn lan tại xã Đạ P’Loa |
|
Nhiều điểm khai thác đất kiêm luôn khai thác đá chẻ |
HẢI ĐƯỜNG