(LĐ online) - Tầm quan trọng của sông Mê Công đối với môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội là điều không thể phủ nhận...
[links()]
(LĐ online) - Tầm quan trọng của sông Mê Công đối với môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội là điều không thể phủ nhận. Xác định tầm quan trọng này, Ủy hội sông Mê Công quốc tế xã xây dựng nhiều chương trình chiến lược lâu dài và toàn diện để phát triển giao thông thủy và bảo vệ môi trường lưu vực sông Mê Công.
Vì lợi ích chung
Sông Mê Công là nguồn tài nguyên vô cùng giá trị và có tiềm năng về giao thông thủy lớn. Từ nhiều thế kỷ trước, vận tải thủy trên hệ thống sông Mê Công là hình thức vận tải chính giữa cộng đồng dân cư tại các nước ven sông. Với lợi thế là giá thành rẻ, có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, ngày nay giao thông thủy trên sông Mê Công vẫn được đặc biệt coi trọng. Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, giao thông thủy trên hệ thống sông Mê Công cũng nhanh chóng phát triển với sự tăng nhanh về số lượng phương tiện tàu thuyền, các bến cảng và công trình hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch.... Khi các hoạt động giao thông thuỷ phục vụ các ngành kinh tế trở nên nhộn nhịp cũng là lúc những yếu tố bất cập ảnh hưởng đến an toàn giao thông và môi trường như độ kém an toàn của các phương tiện nhất là khi chuyên chở các hàng hóa độc hai, hệ thống tín hiệu, biển báo không đồng bộ, chất thải từ các phương tiện xuống sông, sự cố tràn dầu... tăng cao.
Nhận thức được tầm quan trọng cũng như thách thức của giao thông thủy đến sự phát triển bền vững trên lưu vực, Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) đã xây dựng Chương trình Giao thông thủy (NAP), dựa trên Chiến lược giao thông thủy của MRC được Ủy ban Liên hợp MRC thông qua vào tháng 8/2003 và hỗ trợ việc thực hiện Điều 9 Hiệp định Mê Công 1995 về “Tự do giao thông thủy”. Mục tiêu của chương trình nhằm “Tăng cường tự do giao thông thuỷ và phát triển thương mại vì lợi ích chung của các nước thành viên Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, hỗ trợ phối hợp và hợp tác trong việc phát triển vận tải an toàn và có hiệu quả, bền vững về môi trường đường thuỷ”.
Với sự tài trợ kinh phí từ Vương quốc Bỉ và Chính phủ Úc, Chương trình NAP đã đạt được một số kết quả chính như sau: Các báo cáo khảo sát về điều kiện giao thông thủy cho tất cả các tuyến (Houei Sai - Luangprabang - Pakse; Kampong Cham - Phnom Pênh - Biên giới Việt Nam và Campuchia - ra đến biển).; báo cáo về tình hình giao thông thuỷ trên các dòng nhánh trong vùng hạ lưu vực để góp phần triển khai thực hiện thủ tục thông báo, tham vấn trước và thoả thuận; hướng dẫn thiết kế Âu thuyền, xem xét toàn diện các vấn đề giao thông thuỷ trên vùng thượng lưu Mê Công với các kịch bản phát triển thuỷ điện khi xây dựng và vận hành các âu thuyền; triển khai nghiên cứu về khung pháp lý giao thông thuỷ đoạn dưới Luang prabang giữa Lào - Thái; hệ thống phao tiêu biển báo đã được bổ sung và lắp đặt tại các tuyến Houei Sai - Luangprabang - Viên Chăn; Kampong Cham - Phnom Penh; Phnom Penh - Siêm Riệp; Phnom Penh - Biên giới Việt Nam và Campuchia; Bassac - Vàm Nao.
Tại Việt Nam, NAP đã hỗ trợ kỹ thuật cho việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định giao thông thuỷ Việt Nam - Campuchia; lắp đặt bổ sung 30 phao tiêu báo hiệu đường thủy trên kênh Vàm Nao lên sát biên giới Việt Nam - Campuchia; khảo sát điều kiện giao thông thủy và xây dựng Hải đồ điện tử (ENC) từ biên giới Việt Nam-Campuchia ra đến cửa biển; đưa vào sử dụng hai trạm triều ký Định An (cửa sông Hậu) và Cửa Tiểu (cửa sông Tiền) cung cấp các thông tin cập nhật về mực nước (15 phút/lần).
Cùng hợp tác quản lý môi trường
Các vấn đề về môi trường của lưu vực sông Mê Công luôn là mối quan tâm của các chương trình và dự án của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Lần đầu tiên vấn đề môi trường được đề cập trong quy hoạch lưu vực năm 1972 và cho tới những năm 80 thì đã mở rộng hơn cả về quy mô địa bàn và nội dung thực hiện, bao gồm giám sát chất lượng nước, xói lở và bồi lắng, các bệnh lây lan theo đường nước, quản lý đất ngập nước, nghiên cứu đất chua phèn... Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công 1995 đã đề cập cụ thể hơn về quản lý môi trường và bảo vệ sự phát triển bền vững của lưu vực sông. Theo hướng tiếp cận chương trình, Uỷ hội đã tiến hành một quá trình tư vấn với các quốc gia vào cuối năm 1999 và đã đưa đến một chiến lược lâu dài, toàn diện cho Chương trình môi trường.
Một số kết quả chính đã đạt được của Chương trình, gồm: Số liệu chất lượng nước thu thập thường xuyên tại 40 trạm từ năm 1985 trên lưu vực, và các đợt khảo sát về các độc tố đã cung cấp cho các quốc gia về tình hình chất lượng nước trên toàn lưu vực. Số liệu về sinh thái đã được thu thập định kỳ tại một số điểm để đánh giá sức khoẻ sinh thái của sông Mê Công. Các số liệu này là cơ sở cho việc lập Báo cáo hiện trạng môi trường, xuất bản các phiếu đánh giá về chất lượng nước và sức khỏe sinh thái.
Trong thời gian qua, Chương trình đã được sự quan tâm và hỗ trợ của các nhà tài trợ như: Đan Mạch, Hà Lan, Thuỵ Điển, Úc, Pháp, Phần Lan và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.
Với sự phát triển nhanh trên lưu hiện nay, trong các thập kỷ tới, hệ thống sông Mê Công sẽ phải đối mặt với các thách thức về môi trường. Việc phát triển các công trình thuỷ điện, mở rộng diện tích tưới và chuyển nước ra ngoài lưu vực cùng với những tác động của biến đổi khí hậu sẽ tạo áp lực lên môi trường và có thể đe dọa đến đa dạng sinh học của các hệ thuỷ sinh của lưu vực.
Thêm vào đó, nhu cầu đánh giá sự bền vững của các hoạt động phát triển trong lưu vực trong bối cảnh xuyên biên giới là rất lớn. Vì vậy, Chương trình môi trường trong thời gian tới sẽ phải hỗ trợ công tác giám sát môi trường, cung cấp thông tin, kiến thức và các công cụ đánh giá, thực hiện tốt mục tiêu “Quản lý và phát triển lưu vực tại vùng hạ lưu vực sông Mê Công được định hướng bởi các kiến thức về môi trường và xã hội được cập nhật và các cơ chế hợp tác quản lý môi trường hiệu quả”.
P.V (tổng hợp)