Mang tiếng là một làng du lịch một thời rộn ràng khách đến nhưng giờ chỉ còn trong ký ức của dân làng.
Mang tiếng là một làng du lịch một thời rộn ràng khách đến nhưng giờ chỉ còn trong ký ức của dân làng.
|
Làng Gà giờ vắng bóng khách du lịch, không còn như xưa. Ảnh: Tứ Đức |
Tôi nghe tiếng về Làng Gà (thôn Đarahoa - Hiệp An - Đức Trọng) đã lâu và lịch sử của chú gà trống này cũng được dân Làng Gà kể rõ ràng với bức tượng gà trống chín cựa, cao hơn 10 mét, nặng 8 tấn được xây dựng vào năm 1978.
Khoảng những năm 2000, khi mà công nghệ chưa mấy phát triển thì du lịch cộng đồng ở Làng Gà đã trở thành một điều lý thú với du khách. Nhưng không hiểu sao làm ăn du lịch càng ngày càng tệ, du khách bây giờ đến đây chỉ đếm trên đầu ngón tay chỉ để chụp ảnh với chú gà.
Trưởng thôn Đarahoa, ông Ha Thiêng nhà ở ngay trước mặt chú gà trống: Có gì đâu mà du lịch, được một con gà; 2 hàng quán bán thổ cẩm. Trong đó một quán tận dụng luôn mặt bằng bán thổ cẩm làm nơi sửa chữa xe máy cho thôn này.
Theo vị trưởng thôn đã công tác đến 9 năm trên cương vị này thì thỉnh thoảng có một vài xe máy chạy vào rồi họ chụp vài tấm ảnh rồi chạy ra. Lâu lâu lắm mới có khách đoàn, mà khách cũng chỉ dừng chân để chụp ảnh thôi. Còn về dịch vụ du lịch chả còn cái gì cả, ngay cả khách đến khát nước muốn tìm một cái quán cho tử tế mà ngồi cũng không có chứ đừng nói gì đến ẩm thực, tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nhưng giờ mới thế, trước đây Làng Gà đâu có tệ như vậy. Suốt một dãy này là hàng bán thổ cẩm, khách vào cũng khá, chị em chúng tôi sống được bằng nghề này. Nhưng giờ thì bỏ cả rồi, không biết nguyên nhân tại sao?” - chị K’Đông (sinh năm 1978) nói.
Đến bây giờ cả thôn, cả làng du lịch này chỉ còn địa điểm dệt và buôn bán thổ cẩm của chị là vẫn hoạt động khá ổn định. Vì hai lý do: thứ nhất chị ở ngay sát chú gà trống biểu tượng của làng và thứ hai là chị có tay nghề và yêu quý công việc dệt thổ cẩm mà bao đời nay cha ông cố công truyền lại.
- “Sống ở làng du lịch, lại có tay nghề thế chị có sống được bằng nghề làm du lịch không” - tôi hỏi.
- “Thu nhập nghề này thì có tính được đâu, ai đặt thì dệt thôi. Bán cho khách thì khi có khi không vậy đó. Mà chỉ khách nước ngoài họ mới mua đôi ba tấm, khách trong nước thì ít lắm. Còn hơn sào đất thì trồng mía, đến mùa làm nước mía bán ngay tại đây luôn. Nói chung là cũng đủ sống” - chị K’Đông trả lời.
Đó là câu chuyện của một người phụ nữ yêu nghề truyền thống và muốn lưu giữ lại một chút gì đó của cha ông. Còn chuyện làm du lịch của chị K’Min thì cả thôn, cả Làng Gà này ai cũng biết. Năm 2000, chị vay mượn chừng 100 triệu dựng nhà sàn, làm nơi trưng bày cồng chiêng, thổ cẩm, rượu cần, chiêng ché cho cả làng. Ai cũng cầu mong cho cơ sở của chị làm ăn phát triển vì dám bỏ tiền túi để dựng nhà sàn cho khách du lịch tham quan.
Nhưng sau 8 năm hoạt động thì chị đành ngậm ngùi vì khách du lịch mỗi ngày một thưa vắng. Vay mượn thì phải trả, phải có lãi họ mới cho vay thế là đành lòng chị K’ Min phải tháo dỡ ngôi nhà sàn biết bao công mới xây dựng được, biến nó thành một quán tạp hóa để kiếm từng đồng qua ngày và thanh toán tiền nợ khi làm ngôi nhà này.
Sống ở một làng được xem là làng du lịch mà thu nhập của bà con dân làng lại đến từ nguồn thu làm nông nghiệp với diện tích 28 ha đất sản xuất nông nghiệp/228 hộ dân.
Đến nay thu nhập bình quân của người dân thôn Đarahoa là 25 triệu đồng/người. Cả thôn còn 8 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo; còn nguồn thu từ du lịch thì theo Trưởng thôn Đarahoa được hai quán thổ cẩm, nhưng bán được chăng hay chớ…
Làng Gà bây giờ thật là hoang phế, đường vào đầy rẫy ổ trâu, ổ voi, hễ có mưa khiến ai cũng phải ngao ngán.
Ngay cái bảng hiệu Làng Gà treo lơ lửng giáp Quốc lộ 20 cũng bạc thếch màu vì mưa nắng, bên cạnh là một đống rác bốc mùi.
Trước sự hoang phế của một làng du lịch, đã biết bao nhiêu năm nay rồi nhưng đến bây giờ thì theo UBND xã mới có một chút chuyển biến. Ông Thái Bình Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết, hiện đã có một cuộc khảo sát để xây dựng lại tuyến du lịch và UBND xã cũng đang xây dựng dự kiến đề án khôi phục Làng Gà và làm hồ sơ trình lên các cấp, ban, ngành để công nhận chú gà ở Làng Gà là tượng gà lớn nhất Việt Nam.
Câu chuyện làm du lịch, Làng Gà giờ đối với người dân chỉ là câu chuyện được kể lại mang tên: Hồi đó. Nghĩa là hồi đó khách đến như thế này như thế nọ, chiều chiều dân làng cùng du khách tìm hiểu về phong tục, hồn cốt bản làng… giờ chỉ còn “vang bóng” một thời, với biết bao nhiêu thổn thức, ngổn ngang nêu không được đầu tư khôi phục sẽ chìm dần vào quên lãng.
TỨ ĐỨC