Sau khi phát hiện những vụ phá rừng nghiêm trọng tại Tiểu khu 251, xã Đạ K'Nàng, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can được huyện Đam Rông tiến hành nhằm kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật...
Sau khi phát hiện những vụ phá rừng nghiêm trọng tại Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can được huyện Đam Rông tiến hành nhằm kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Và đó cũng là "hồi chuông" cảnh báo các đối tượng liên quan đến phá rừng ở Đam Rông.
|
Vụ phá rừng nghiêm trọng tại lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng là đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã kiểm tra thực tế hiện trường. |
Cùng với việc khởi tố vụ án, việc điều tra làm rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong công tác quản lý để xảy ra những vụ việc trên cũng được thực hiện cấp bách, chặt chẽ và nghiêm ngặt nhằm siết chặt quản lý bộ máy nói chung và chấn chỉnh trách nhiệm, năng lực trong thực thi nhiệm vụ nói riêng.
Vụ phá hoại gần 2,5 ha rừng tại lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng vào tháng 9 vừa qua được xác định là đặc biệt nghiêm trọng quy mô lớn, có sử dụng máy móc thiết bị hiện đại. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra thực tế hiện trường và chỉ đạo: Bất kể đối tượng là ai, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nào nhưng đã cố tình trong việc xâm lấn, san ủi trái phép đều phải xử lý nghiêm. Xem xét trách nhiệm của các đơn vị trong việc theo dõi, quản lý, địa bàn để xảy ra vụ vi phạm nêu trên. Đồng thời kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo đúng trách nhiệm của từng cá nhân để xảy ra vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo Công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiếp tục điều tra, hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức trồng lại rừng trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị phá trái phép. Xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng, đặc biệt là đơn vị chủ rừng, cán bộ tiểu khu thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu các vụ vi phạm.
Theo đó, vào cuối tháng 9/2019, UBND huyện Đam Rông đã yêu cầu lần thứ nhất các đơn vị liên quan tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và nhận hình thức kỷ luật trước Huyện ủy, UBND huyện về những vi phạm nêu trên. Kết quả, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Phi Liêng kiểm điểm phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo Ban và tập thể Trạm Quản lý Bảo vệ rừng (QLBVR) Đạ K’Nàng. Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Tiểu khu trưởng Tiểu khu 251. Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với hạt trưởng và cụm trưởng cụm kiểm lâm Phi Liêng. UBND xã Đạ K’Nàng thực hiện phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với tập thể UBND xã cũng như cá nhân ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch UBND xã và Ban Lâm nghiệp xã.
Đối với tập thể UBND huyện kiểm điểm trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ QLBVR. Tập trung chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để có những điều chỉnh trong công tác này.
Riêng Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hởi nhận hình thức phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực kinh tế của huyện Trần Đức Tâm nhận hình thức phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Với kết quả kiểm điểm trên, xét thấy một số đơn vị chưa có hình thức xử lý trách nhiệm tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của vụ vi phạm, vì vậy, UBND huyện Đam Rông tiếp tục yêu cầu việc kiểm điểm lần thứ 2 nhằm phân tích, đánh giá tinh thần, thái độ, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức liên quan của các đơn vị, từ đó có hình thức xử lý kỷ luật đúng người, đúng tội.
Cuối tháng 10/2019, việc tổ chức kiểm điểm của các đơn vị được tiến hành xong. Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hởi và Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Tâm ngoài việc giữ nguyên hình thức kỷ luật như trên. Hai lãnh đạo huyện này khẳng định việc: sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai thực hiện tốt công tác này, không để xảy ra các vụ vi phạm tương tự.
Riêng tại Ban QLRPH Phi Liêng, cá nhân ông Lê Văn Tân - Trưởng ban và ông Nguyễn Trường Giang - Phó ban nghiêm túc rút kinh nghiệm. Kỷ luật bằng các hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Trọng Công - Trạm trưởng Trạm QLBVR Đạ K’Nàng, cảnh cáo đối với ông Long Đinh Ha Kim - Tiểu khu trưởng Tiểu khu 251. Đảng ủy và UBND xã Đạ K’ Nàng cũng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.
Căn cứ vào kết quả kiểm điểm của các đơn vị trên, UBND huyện Đam Rông tiếp tục họp hội đồng kỷ luật của huyện và xem xét để tham mưu UBND huyện hình thức kỷ luật phù hợp nhằm đảm bảo tính răn đe, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp.
Theo đó, đầu tháng 12/2019, UBND huyện Đam Rông đã tiến hành phê bình nghiêm khắc đối với tập thể Ban QLRPH Phi Liêng và cá nhân các ông Lê Văn Tân, Nguyễn Trường Giang vì chưa chỉ đạo sâu sát các bộ phận chuyên môn, các cá nhân có trách nhiệm trong việc tuần tra, bảo vệ rừng, không kịp thời phát hiện để ngăn chặn vụ phá rừng tại Tiểu khu 251 ngay từ lúc mới phát sinh. Ngoài ra, tình trạng san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn để xảy ra nhiều trên địa bàn do đơn vị quản lý. Giữ nguyên hình thức kỷ luật đối với Trạm trưởng Trạm QLBVR Đạ K’Nàng và Tiểu khu trưởng Tiểu khu 251. Ngoài ra, huyện Đam Rông cũng đã có quyết định điều chuyển ông Lê Văn Tân sang vị trí công tác khác; đồng thời, chỉ đạo Ban QLRPH Phi Liêng chuyển đổi một số vị trí việc làm của viên chức trong đơn vị để tăng cường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Riêng đối với UBND xã Đạ K’Nàng, UBND huyện nghiêm khắc phê bình tập thể Ban Lâm nghiệp xã. Ngoài việc giữ nguyên hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quân, ông Hoàng Đông Thư - Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Ban Lâm nghiệp xã cũng chịu hình thức kỷ luật này.
Ngoài ra, hội đồng kỷ luật của huyện cũng xem xét trách nhiệm và phê bình nghiêm khắc đối với các cán bộ phụ trách mảng lâm nghiệp thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện vì chưa kịp thời nắm bắt và tham mưu cấp trên ngăn chặn vụ phá rừng quy mô, mức thiệt hại lớn tại Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng. Ngoài ra, UBND huyện Đam Rông cũng đã tiến hành rà soát và tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/11/2019. Theo đó, đã có 12 cán bộ chịu hình thức kỷ luật do để xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm, san ủi đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 73B, 74 xã Đạ Long; vụ phá rừng trái phép tại Tiểu khu 181, xã Liêng Srônh; vụ ken cây, phá rừng tại các Tiểu khu 211, 215, 216 xã Phi Liêng.
Vụ phá rừng nghiêm trọng tại Tiểu khu 251 đã rung lên “hồi chuông” mạnh cảnh báo cơ quan chức năng về sự táo bạo, tinh vi của các đối tượng phá rừng, những nguy cơ san ủi trái phép và lấn chiếm đất lâm nghiệp. Nhưng quan trọng hơn đây là “hồi chuông” cảnh báo sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nói chung trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách lâm nghiệp. Kiểm điểm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật là việc phải làm và mang tính răn đe. Song nó cũng diễn ra khi sự việc đã rồi: rừng đã chảy máu và đất lâm nghiệp đã bị tác động. Và tất cả những phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm hay khiển trách, cảnh cáo… chỉ có giá trị khi được thực hiện bằng hành động, bằng sự đổi mới trong tinh thần trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, bằng việc tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời và kiên quyết xử lý bất kể đối tượng là ai, tổ chức, cá nhân nào trong việc cố tình xâm lấn, tác động đến rừng và đất lâm nghiệp.
NGỌC NGÀ - HOÀNG YÊN