Hợp tác cùng phát triển

07:12, 29/12/2019

(LĐ online) - Nhiều chương trình, dự án đã được Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp thực hiện đã đem lại nhiều kết quả tích cực. 

 

[links()]
(LĐ online) - Nhiều chương trình, dự án đã được Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp thực hiện đã đem lại nhiều kết quả tích cực. 
 
Ủy ban sông Mê Kông ước tính, giá trị thủy sản trên sông ước tính khoảng 11 tỷ USD, chia chung cho 4 nước bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Ủy ban sông Mê Kông ước tính, giá trị thủy sản trên sông ước tính khoảng 11 tỷ USD, chia chung cho 4 nước bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ảnh: doanhnhansaigon.vn
 
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước 
 
Hơn hai thập kỷ kể từ khi được thành lập vào năm 1995, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã gặp phải một số thách thức trong vai trò của một tổ chức lưu vực sông quốc tế. Với nhịp độ phát triển tài nguyên nước nhanh chóng trong lưu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới phát triển thủy điện trên dòng chính và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thực hiện mọi nỗ lực để vừa “đáp ứng được nhu cầu mà vẫn giữ sự cân bằng” trong lưu vực Mê Công.
 
Ủy hội đã thực hiện Chương trình Sử dụng nước (WUP) qua đó đã xây dựng các mô hình lưu vực, các thủ tục và các hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện Hiệp đinh Mê Công 1995. Việc thực hiện các thủ tục và các hướng dẫn kỹ thuật như là các công cụ hướng tới việc áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước (QLTHTNN) vẫn còn đang trong giai đoạn đầu, và là một ưu tiên đối với Ủy hội. Vì thế, từ năm 2009, một dự án mới là Dự án QLTHTNN Mê Công (M-IWRMP) đã được thành lập nhằm kế thừa kết quả của Chương trình WUP và giúp giải quyết những thách thức trong QLTHTNN ở hạ lưu vực Mê Công trong một khuôn khổ toàn diện hơn.
 
Dự án M-IWRMP trực tiếp hỗ trợ cho các định hướng chiến lược của Ủy hội, hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các phương pháp quản lý tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước và các ngành liên quan tại các quốc gia nhằm hỗ trợ việc phát triển bền vững và công bằng trên quy mô toàn lưu vực. Dự án cũng hỗ trợ và cung cấp dữ liệu cho chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước của Uỷ hội. 
 
Thời gian vừa qua, Dự án đã tạo điều kiện về mặt kỹ thuật cho việc thực hiện các Thủ tục pháp lý của Ủy hội, đặc biệt là việc lần đầu tiên thực hiện quá trình tham vấn đối với một số đề xuất xây dựng công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ việc thực hiện hợp tác thực hiện quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên; trong đó, có 2 dự án giữa Việt Nam và Campuchia về QLTHTNN xuyên biên giới tại lưu vực sông Se San và Đồng bằng châu thổ Mê Công.
 
Tại Việt Nam, với mục tiêu nhằm tăng cường thực hiện QLTHTNN ở hạ lưu vực sông Mê Công phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững, Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công” cũng được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng thể chế trong QLTHTNN thông qua việc thành lập Tổ chức lưu vực sông ở Tây Nguyên; và Tăng cường mạng lưới giám sát tài nguyên nước vùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào.
 
Dòng chảy sông Mê Kông. Ảnh: baomoi.com
Dòng chảy sông Mê Kông. Ảnh: baomoi.com
 
Thích ứng biến đổi khí hậu 
 
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại hiện đang phải đối mặt, và lưu vực sông Mê Công là một trong những khu vực trên thế giới bị tác động mạnh mẽ nhất bởi BĐKH. Tại các quốc gia lưu vực Mê Công, những thay đổi về đa dạng sinh học do BĐKH gây ra sẽ tác động đến sinh kế của người dân, từ đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực, và BĐKH cũng gây ra những tác động xuyên biên giới đòi hỏi các quốc gia trong khu vực có những hành động cùng nhau giải quyết. Việt Nam (đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long) được đánh giá là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do BĐKH.
 
Nhằm đáp ứng yêu cầu của các quốc gia thành viên trong thích ứng với BĐKH, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã xây dựng và thực hiện Chương trình Sáng kiến thích ứng BĐKH (CCAI) từ năm 2009. Chương trình có mục tiêu là trợ giúp các quốc gia trong kế hoạch và thực hiện thích ứng BĐKH được định hướng bởi các kế hoạch và chiến lược đã được điều chỉnh tại các cấp độ khác nhau và khu vực được ưu tiên trong toàn Lưu vực sông Mê Công. Chương trình CCAI được ghi nhận là một chương trình trọng điểm của Ủy hội và nhận được kinh phí từ nhiều nhà tài trợ khác nhau: Úc, Đan Mạch, Đức, Lúc-xem-bua, Thụy Điển, Phần Lan, Cộng đồng châu Âu.
 
Chương trình tập trung vào việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thích ứng BĐKH để hỗ trợ các quốc gia thành viên Uỷ hội nói chung và Việt Nam nói riêng, bao gồm các kết quả chính như sau: Xây dựng các phương pháp và công cụ cho đánh giá và lập kế hoạch thích ứng và dữ liệu về BĐKH; thực hiện thí điểm các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu tại một địa điểm, dự án ở mỗi quốc gia thành viên; tăng cường năng lực trong quản lý và thích ứng BĐKH; xây dựng kế hoạch và chiến lược để thích ứng BĐKH, bao gồm việc thực hiện khung chính sách thúc đẩy và hướng dẫn Thích ứng BĐKH; xây dựng hệ thống hợp tác và học tập trong khu vực, bao gồm việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ làm việc và các cam kết với các đối tác chính thực hiện Chương trình.
 
Tại Việt Nam, trong khuôn khổ Chương trình, một dự án hỗ trợ xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Kiên Giang đã được thực hiện bởi Ủy ban sông Mê Công Việt Nam với sự phối hợp của các cơ quan có liên quan. Dự án được sự đánh giá cao của các cơ quan, tỉnh Kiên Giang và các địa phương, đưa ra một nền tảng quan trọng và cần thiết trong việc xây dựng kế hoạch hành động của tỉnh Kiên Giang theo yêu cầu đặt ra của Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với BĐKH. Các kết quả của dự án, đặc biệt về các kịch bản biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng được đề xuất đã xác định các định hướng cho Kiên Giang trong xây dựng kế hoạch hành động của tỉnh.
 
Quy hoạch Phát triển Lưu vực (BDP)
 
Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Công ký kết năm 1995 giữa bốn quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế khẳng định tâp trung ưu tiên cho “các chương trình, dự án phát triển chung và có quy mô lưu vực thông qua lập quy hoạch phát triển lưu vực để giúp xác định, phân loại, và lập thứ hạng ưu tiên cho các chương trình, dự án nhằm tìm kiếm tài trợ và thực hiện ở cấp lưu vực”. Chương trình Quy hoạch Phát triển Lưu vực được thực hiện từ năm 2001 để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này của Hiệp định.
 
Cho đến nay, Chương trình BDP đã được thực hiện qua 2 giai đoạn. Gia đoạn 1 tập trung vào các nội dung: Thiết lập quy trình lập quy hoạch phát triển lưu vực có sự tham gia của các bên liên quan; nâng cấp cơ sở kiến thức và công cụ phân tích trong quy hoạch phát triển tài nguyên nước; lập danh mục dự án ưu tiên để tìm kiếm cơ hội tài trợ thực hiện; phân tích tiểu vùng BDP (10 tiểu vùng) bao gồm hiện trạng và kế hoạch sử dụng và phát triển tài nguyên nước đã được thực hiện trong đó của Việt Nam là tiểu vùng 7V (Tây Nguyên) và 10V (Đồng bằng sông Cửu Long). Giai đoạn 2 bao gồm: Các kịch bản phát triển lưu vực được xây dựng và đánh giá dựa trên các thông tin về hiện trạng cũng như kế hoạch sử dụng nước trong tương lai của các quốc gia; báo cáo tiểu vùng của giai đoạn 1 được cập nhật bổ sung phân tích tiềm năng lợi thế của các tiểu vùng cũng như những khó khăn thách thức trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước, và cập nhật kế hoạch sử dụng và phát triển tài nguyên nước đến 2020.
 
Bản đồ 11 công trình thủy điện dòng chính trên sông Mê Kông. Ảnh: internet
Bản đồ 11 công trình thủy điện dòng chính trên sông Mê Kông. Ảnh: internet
 
Quản lý thông tin và kiến thức
 
Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) khẳng định tính cấp bách trong tăng cường hoạt động của hệ thống thông tin và số liệu hiệu quả, tin cậy và có thể truy cập được nhằm giúp Ủy hội và các quốc gia thành viên thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Công.
 
Chương trình Quản lý Thông tin và Kiến thức (IKMP) được thành lập với mục tiêu là xây dựng nền tảng vững chắc cho các sản phẩm, hệ thống và dịch vụ về thông tin, số liệu và kiến thức về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công. Là chương trình xuyên suốt của MRC, IKMP kế thừa các thành tựu trong điều tra, thu thập, quản lý số liệu cơ bản về lưu vực sông Mê Công. Bằng việc ký kết thủ tục trao đổi và chia sẻ thông tin và số liệu, thủ tục theo dõi sử dụng nước và các thủ tục và hướng dẫn kỹ thuật khác, các yêu cầu về giám sát, thu thập, xử lý, quản lý, trao đổi và chia sẻ thông tin số liệu càng trở lên cấp bách hơn.
 
Các hoạt động chính của IKMP tập trung vào: Nâng cấp và duy trì mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn với 17 trạm trên dòng chính ở hạ lưu, 2 trạm ở thượng lưu (Trung Quốc) và 32 trạm trên dòng nhánh (truyền số liệu tức thời) kể cả quan trắc lưu lượng và bùn cát; xây dựng bộ công cụ MRC có các tiện ích phân tích, đánh giá tác động, mô hình toán và khung hỗ trợ ra quyết đinh chứa cơ sở kiến thức quan trọng về hạ lưu vực sông Mê Công; xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật, kiểm định chất lượng và truy cập thông qua thư mục chủ tích hợp trên web; cung cấp dịch vụ mô hình để đánh giá các kịch bản phát triển tài nguyên nước lưu vực, kịch bản biến đổi khí hậu, thực hiện thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính, dự báo lũ; tăng cường năng lực cán bộ cho các chương trình, dự án MRC và quốc gia.
 
Đến nay IKMP đã có các sản phẩm và dịch vụ số liệu hỗ trợ lập quy hoạch, phân tích, đánh giá tác động, ra quyết định và thực thi vai trò của MRC. Các sản phẩm chính bao gồm hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn kể cả thu nhận số liệu thời gian thực, cơ sở dữ liệu, mô hình toán, mạng lưới trao đổi và chia sẻ thông tin, số liệu và kiến thức trong đó có Cổng thông tin MRC.
 
Với Việt Nam, IKMP đã có các hỗ trợ quan trọng như: Các cơ quan thành viên của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tiếp nhận, sử dụng sản phẩm, công nghệ, thông tin, các cơ sở dữ liệu, bản đồ, công cụ và thiết bị; nhận số liệu từ mạng quan trắc cho các mục đich quy hoạch, dự báo KTTV, vận hành công trình; đào tạo cán bộ thông qua nhiều hình thức; thực hiện các nghiên cứu điểm.
 
PV