Nhằm tuyên truyền, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, từ năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, UBND TP Đà Lạt thành lập mô hình "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" tại Trạm Y tế Phường 6, số 106 đường Thi Sách, TP Đà Lạt.
Nhằm tuyên truyền, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, từ năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), UBND TP Đà Lạt thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” tại Trạm Y tế Phường 6, số 106 đường Thi Sách, TP Đà Lạt.
|
Ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng”. Ảnh: Thy Vũ |
Theo bà Phan Thị Huyền - Phó Chánh Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” không chỉ là nơi tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người có nguy cơ bị bạo lực khỏi đối tượng gây bạo lực. Ngoài ra, thực hiện chăm sóc y tế ban đầu, sơ cứu trong trường hợp nạn nhân bị thương tích nhẹ, trong trường hợp nặng hỗ trợ nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất…
Song song đó, mô hình còn thực hiện công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho người dân trên địa bàn với các hình thức phù hợp; khuyến khích sự lên án của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. “Đây là mô hình thí điểm của tỉnh, nhằm thu hút sự tham gia và nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong việc ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đảm bảo hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng và xây dựng có hiệu quả đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở” - bà Huyền cho biết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, một trong số đó là bất bình đẳng giới, khó khăn về kinh tế, chênh nhau về trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nghiện rượu, cờ bạc, ghen tuông…
Và khi đa số nạn nhân bị bạo hành thường cam chịu, không dám mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực, sợ hàng xóm dị nghị, sợ mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng”… nên tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn…
Là Trưởng ban Ban Quản lý mô hình, theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND Phường 6, ngoài được tham gia các cuộc hội nghị, tập huấn và các hoạt động của mô hình, Ban quản lý còn phối hợp với UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; vì sự tiến bộ của phụ nữ; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; xây dựng gia đình văn hóa tích cực tuyên truyền đến người dân về nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình, để từ đó, mọi người có suy nghĩ và hành động đúng đắn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bình đẳng, ấm no, hạnh phúc.
Từ khi mô hình được thành lập đến nay, người dân đã được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với chính quyền địa phương phổ biến các kiến thức về giới, bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình… Từ đó, nâng cao kiến thức cho bản thân. Chị Nguyễn Mai Anh, một người dân trên địa bàn Phường 6, TP Đà Lạt cho biết: “Trước đây, tôi không hiểu bình đẳng giới là như thế nào. Sau khi được mọi người tuyên truyền, giải thích tôi đã hiểu bình đẳng giới là vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ công việc với nhau. Với lại, vợ chồng phải cùng nhau chia sẻ mọi việc trong gia đình, kể cả nuôi dạy con cái”.
Có thể nói, mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” không chỉ là nơi tiếp nhận nạn nhân khi bị bạo lực, mà quan trọng là góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng và bảo vệ nạn nhân khi bị bạo lực gia đình. Với những hoạt động thiết thực, mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” trở thành địa chỉ tin cậy đối với các nạn nhân bị bạo lực, đồng thời là cầu nối giúp mọi người hiểu được những kiến thức cần thiết để bảo vệ sự an toàn của bản thân khi bị đe dọa. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. “Không chỉ nạn nhân trên địa bàn UBND phường 6 mà bất cứ ai gặp các vấn đề về bạo lực gia đình, cư trú trên địa bàn UBND TP.Đà Lạt và các vùng phụ cận đều có thể tìm đến với nhà tạm lánh cộng đồng hoặc liên hệ trực tiếp qua đường dây nóng của Ban quản lý: 02633.822.458”- ông Nguyễn Văn Thắng nói thêm.
Nâng cao năng lực nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2019
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2019” cho gần 100 đại biểu là đại diện ban điều hành các tổ dân phố trên địa bàn UBND Phường 6, TP Đà Lạt.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên là chuyên viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trình bày một số vấn đề về phòng, chống bạo lực gia đình và kỹ năng tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Cụ thể, đó là kỹ năng nhận diện, phát hiện, làm việc với người gây bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình và công tác phối hợp liên ngành giải quyết vụ việc bạo lực gia đình; hướng dẫn thực hiện thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực về gia đình; kỹ năng giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình ngay từ cộng đồng… Đặc biệt. thông qua một vài ví dụ cụ thể, những số liệu thống kê về số vụ bạo lực gia đình, báo cáo viên đã phân tích, chỉ rõ một số kỹ năng để nhận diện phân biệt được hành vi bạo lực gia đình, các dấu hiệu của người bị bạo lực gia đình, từ đó đề cập một số biện pháp xử lý như: góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; xử lý vi phạm hành chính...
N.MINH
|
THY VŨ