Nỗi lo suy giảm chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng

06:12, 06/12/2019

Đây là hồ cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân Đà Lạt và một phần của huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự phát triển "nóng" của ngành nông nghiệp và các khu dân cư không đi cùng với việc bảo vệ môi trường đã gây tác động, làm suy giảm chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng…  

Đây là hồ cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân Đà Lạt và một phần của huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự phát triển “nóng” của ngành nông nghiệp và các khu dân cư không đi cùng với việc bảo vệ môi trường đã gây tác động, làm suy giảm chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng…  
 
Việc san ủi cải tạo đất ở thượng nguồn Đan Kia - Suối Vàng và phá rừng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: T.Trang
Việc san ủi cải tạo đất ở thượng nguồn Đan Kia - Suối Vàng và phá rừng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: T.Trang
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương, hồ Đan Kia - Suối Vàng là công trình đa mục tiêu nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), ngoài việc cung cấp nước cho thủy điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn là hồ chứa phục vụ cho mục đích sinh hoạt chính cho người dân TP Đà Lạt và trên 53.000 hộ dân của thị trấn Lạc Dương. Những năm gần đây, với sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cà phê sang rau, hoa nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng tăng, trong khi một bộ phận người dân có ý thức chưa cao trong trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, và các loại rác thải từ phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt trong quá trình sản xuất của người dân thị trấn Lạc Dương, các Phường 7, 8 (TP Đà Lạt) phát sinh ra môi trường, theo các dòng chảy đổ vào lòng hồ, gây suy giảm chất lượng nguồn nước hồ. 
 
Cũng theo lãnh đạo huyện Lạc Dương: Để đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân, thời gian qua chính quyền các cấp của huyện thường xuyên vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường; không vứt bỏ phế phẩm nông nghiệp xuống suối, hồ cũng như bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. Về phía cơ quan chức năng của huyện, đã đặt gần 200 thùng nhựa “đặc chủng” để thu gom bao bì thuốc BVTV mỗi năm hai lần. Chưa kể sắp tới huyện còn đầu tư dự án hồ lắng để thu gom rác thải, tuy nhiên chỉ giải quyết vấn đề rác thải, còn chất lượng nguồn nước thì vẫn bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi.
 
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Lâm Đồng, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi) trong lưu vực, đặc biệt là trong phạm vi hành lang bảo vệ lòng hồ là nguồn tác động chính gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Đan Kia - Suối Vàng. 
 
Việc san ủi cải tạo đất ở thượng nguồn Đan Kia - Suối Vàng và phá rừng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: T.Trang
Việc san ủi cải tạo đất ở thượng nguồn Đan Kia - Suối Vàng và phá rừng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: T.Trang
 
Cụ thể, hiện sản xuất nông nghiệp xung quanh lưu vực hồ với diện tích khoảng 1.700 ha đã gây ô nhiễm từ phân bón hữu cơ, vô cơ, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không được thu gom đúng quy định đã phát sinh ra môi trường. Các hoạt động chăn nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa) trong lưu vực (rộng hơn 12.968 ha quanh hồ) và chất thải động vật cuốn trôi xuống hồ cũng là nguồn ô nhiễm hữu cơ, làm suy giảm chất lượng nguồn nước hồ. 
 
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tự phát quanh hồ và nước thải sinh hoạt của người dân chưa qua xử lý một phần từ TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đổ về lưu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng. Hoạt động san gạt đất trái phép, việc xà xẻo, lấn chiếm đất lòng hồ, phá rừng, phù sa bồi đắp qua các mùa mưa lũ từ việc xói mòn, rửa trôi đất làm thông số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) hầu như đều vượt 1,03 đến 3,5 lần mức cho phép.
 
Sau khảo sát thực tế, UBND huyện Lạc Dương có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở TNMT xin chủ trương xây dựng hồ chứa nước mới nhằm thay thế nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng. Hồ chứa nước mới nằm ở khu vực thượng nguồn hồ Đan Kia - Suối Vàng, thuộc Tiểu khu 102B (thị trấn Lạc Dương), dự kiến về diện tích khoảng 195 ha, trong đó diện tích lòng hồ 84 ha, nếu được xây dựng sẽ bảo đảm chất lượng nguồn nước tinh khiết để phục vụ cho Nhân dân.   

Cũng theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm hiện nay, các thông số kim loại, thuốc BVTV, vi sinh vật vẫn trong giới hạn cho phép, đáp ứng nhu cầu sản xuất nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, với xu hướng gia tăng nồng độ các thông số ô nhiễm hữu cơ như hiện nay sẽ là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. 

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Sở TNMT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) Lâm Đồng; UBND TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương; Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty CP Cấp thoát nước Sài Gòn - Đan Kia triển khai ngay các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng. 
 
Trong đó, UBND tỉnh giao TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của thành phố Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương đến người dân, du khách cũng như các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xung quanh lưu vực hồ không xả chất thải, rác thải, nước thải xuống suối, hồ. Không san gạt, cải tạo mặt bằng trong hành lang bảo vệ nguồn nước; không khai thác khoáng sản trái phép. Vận động người dân tố giác các hành vi hủy hoại gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường. Đồng thời, triển khai ngay các biện pháp bảo vệ, phòng chống ô nhiễm nguồn nước; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước. 
 
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng hồ cũng như các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, môi trường. Lắp đặt các biển báo cấm quanh hồ, lưu vực hồ và các nhánh suối chảy về hồ để bảo vệ nguồn nước… 
 
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng, thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng cách, an toàn. Khuyến khích các mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện môi trường, nhằm giảm thiểu chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ra môi trường. Xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác; thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, mở rộng thảm thực vật nhằm chống xói mòn, rửa trôi đất.
 
Giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các địa phương; các sở, ngành liên quan định kỳ quan trắc chất lượng môi trường nước hồ; thường xuyên theo dõi, nắm thông tin, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp xử lý chất lượng nguồn nước khi có diễn biến bất thường.
 
Về phía Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở TNMT, UBND huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân đang triển khai các hoạt động du lịch thuộc lưu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng. 
 
Riêng Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng và Sài Gòn - Đan Kia, trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước mặt hồ phải nghiêm túc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, môi trường cũng như các qui định khác. Xây dựng kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, đồng thời xây dựng phương án dự phòng khai thác nguồn nước khác để cung cấp nước trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng.
 
THỤY TRANG