(LĐ online) - Kiểm tra nồng độ cồn 400 lượt người điều khiển phương tiên giao thông trên Quốc lộ 20, nhưng lực lượng chức năng chỉ phát hiện 4 trường hợp vi phạm.
(LĐ online) - Kiểm tra nồng độ cồn 400 lượt người điều khiển phương tiên giao thông trên Quốc lộ 20, nhưng lực lượng chức năng chỉ phát hiện 4 trường hợp vi phạm.
|
Cảnh sát Giao thông Công an TP Bảo Lộc kiểm ra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên Quốc lộ 20 (đoạn qua TP Bảo Lộc) |
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 cấm triệt để người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP Bảo Lộc đã triển khai 3 đợt ra quân xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Thống kê cho thấy, số trường hợp vi phạm nông độ cồn khi tham gia giao thông qua địa bàn TP Bảo Lộc đã có chiều hướng giảm đáng kể.
Tối 21/1/2020, Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP Bảo Lộc tiếp tục triển khai ra quân xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên Quốc lộ 20 (đoạn quan phường Lộc Sơn). Ghi nhận cho thấy, trong suốt 3 tiếng từ 19 giờ đến 22 giờ, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã kiểm tra nồng độ cồn đối với hơn 400 lượt người điều khiển các loại phương tiện giao thông như xe khách, xe tải, xe con, xe taxi và xe máy nhưng chỉ có 4 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn. Tất cả 4 người vị phạm lần này đều có nồng độ cồn từ dưới 0,25 – 0,4 miligam/lít khí thở.
Đại đa số người dân đều rất đồng tình, ủng hộ với quy định xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Anh Vũ Văn Tuân, ngụ phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc), chia sẻ: “Nghị định số 100 sẽ giúp giảm nguy cơ tai nạn từ những người sử dụng đồ uống có cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trước đây, tôi vẫn nhiều lần điều khiển xe máy tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia và thậm chí đã có lần té ngã do đã uống rượu. Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ và biết mình có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Bây giờ khi tham gia giao thông, tôi tuyệt đối không uống rượu, bia, vì chế tài xử phạt rất cao nên phải chấp hành”.
Việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cần thiết bởi thực tế cho thấy, những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trong thời gian qua đa phần đều liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Theo thống kê, trong năm 2019, toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Bảo Lộc nói riêng có hơn 80% vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương biện có nồng độ cồn. Những ngày giáp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngoài những câu chuyện về mua sắm tết, những quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là nội dung được nhiều người dân Bảo Lộc đặc biệt quan tâm. Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ tại Phường 1, TP Bảo Lộc), cho biết: “Tôi rất tán thành việc tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bởi đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ lái xe điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia. Với mức xử phạt hành chính tăng và tăng thời gian tước giấy phép lái xe đối với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Như thế mới đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm, từ đó sẽ giảm TNGT trên địa bàn, lập lại trật tự an toàn giao thông. Từ khi Nghị định số 100 có hiệu lực đến nay, tôi luôn có ý thức khi uống rượu, bia thì không lái xe. Tôi cũng thường xuyên khuyên bạn bè, người thân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về nồng độ cồn”.
|
Đại đa số người dân ủng hộ và chấp hành tốt các quy định xử phạt người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông |
Theo Thượng tá Đoàn Văn Sử - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP Bảo Lộc, từ khi Nghị định 100 của Chính có hiệu lực, đơn vị đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ triển khai 3 đợt kiểm tra nồng độ cồn. Các đợt kiểm tra nồng độ cồn đều được tiến hành bất chợt, không ấn định thời gian, địa điểm cụ thể. “Sau 3 đợt kiểm tra, đơn vị đã lập biên bản xử lý 25 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, với mức phạt từ 2,5 – 40 triệu đồng/trường hợp. Trong các đợt kiểm tra, ngoài việc lập biên bản xử lý đối với người vi phạm nồng độ cồn, đơn vị còn tiến hành tuyên truyền, giải thích để người dân nắm rõ ý nghĩa và chấp hành tốt các quy định của Nghị định 100”.
Cũng theo Thượng tá Đoàn Văn Sử, những chuyển biến của người dân về tác hại của rượu thông qua việc tuân thủ, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đang có chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà lực lượng cảnh sát giao thông buông lỏng việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. “Đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối cho người dân vui xuân, đón tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đơn vị. Do đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Vì vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu buông lỏng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” – Thượng tá Đoàn Văn Sử khẳng định.
KHÁNH PHÚC