(LĐ online) - Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tiến hành lấy mẫu môi trường (đất, nước, không khí) ngẫu nhiên tại 3 hố chôn lợn của 3 huyện, thành phố là Đức Trọng, Di Linh...
(LĐ online) - Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tiến hành lấy mẫu môi trường (đất, nước, không khí) ngẫu nhiên tại 3 hố chôn lợn của 3 huyện, thành phố là Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc để phân tích, đánh giá độ an toàn của các hố chôn nhằm theo dõi không để chất ô nhiễm phát tán vào môi trường không khí, nguồn nước mặt và môi trường đất.
|
Việc chôn lấp, tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi được các địa phương thực hiện đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường |
Qua quá trình kiểm tra thực địa và kết quả phân tích mẫu cho thấy: Các hố chôn đều đáp ứng được các quy định theo hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi.
Các hố chôn đảm bảo về khoảng cách. Khu vực chôn lấp có nhiều cây cối để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các hố chôn cách xa khu vực đô thị, công trình văn hóa, khu du lịch, chùa, bệnh viện, trạm y tế, công trình khai thác nước ngầm, nước mặt, công trình đường giao thông.
Các hố chôn đều có lót bạt, không có hiện tượng sụt, lún và rò rỉ nước bẩn ra ngoài gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và không làm thay đổi thành phần hữu cơ của môi trường đất. Các hố chôn không gây mùi hôi thối khó chịu, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sống tại khu vực chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi.
Tính đến ngày 13/2/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.076 hộ/ 445 thôn/ 94 xã, phường, thị trấn/ 10 huyện, thành phố là: Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Đà Lạt làm 66.476 con lợn mắc bệnh; số lợn đã tiêu hủy là 66.120 con, trọng lượng 4.384.310 kg.
THANH SA