Theo phản ánh của người dân, một ngày vào trung tuần tháng 2, tôi cùng đồng nghiệp làm cuộc dạo quanh các tuyến đường ven TP Đà Lạt và tận mắt chứng kiến cảnh chất thải sinh hoạt "lấn rừng"…
Theo phản ánh của người dân, một ngày vào trung tuần tháng 2, tôi cùng đồng nghiệp làm cuộc dạo quanh các tuyến đường ven TP Đà Lạt và tận mắt chứng kiến cảnh chất thải sinh hoạt “lấn rừng”… Đúng là “trăm nghe không bằng mắt thấy”, nằm ngay cửa ngõ vào TP hoa Đà Lạt - đoạn qua đèo Mimosa (QL20, thuộc địa bàn Phường 10, TP Đà Lạt), chỉ một đoạn đường ngắn chưa đầy 2 km (từ khu vực mộ nữ sỹ Tương Phố đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt) nhưng có tới 4 điểm tập kết chất thải sinh hoạt trái phép chất đầy ở bìa rừng. Theo người dân địa phương, lợi dụng đêm tối, đường vắng, các đối tượng đã vận chuyển các loại rác thải xây dựng, rác sinh hoạt đổ trộm vào rừng thông nên khó phát hiện.
Không chỉ ở cửa ngõ thành phố, tại khoảnh rừng thông nằm cạnh đường Ngô Gia Tự (Phường 12, TP Đà Lạt) cũng có tới 2 điểm tập kết chất thải trái phép. Khi thấy chúng tôi vừa rút máy ảnh, một người dân địa phương cảnh giác, yêu cầu chúng tôi không được chụp hình vì đây là khu vực quân sự, vậy mà hàng ngày, nhiều người vô ý thức vẫn mang các loại chất thải đến đổ trộm ở khu vực này thì không ai phát hiện.
Trong khi đó, từ hướng đường vòng Lâm Viên rẽ vào khu tái định canh của 17 hộ, đoạn qua rừng thông thuộc Tiểu khu 144B (địa bàn Phường 8, TP Đà Lạt), gần như biến thành bãi tập kết các loại chất thải. Tại đây tập kết đủ loại rác thải, từ các loại phế phẩm nông nghiệp, củ giống, các loại nông sản hư hỏng bốc mùi hôi thối; rác thải sinh hoạt bọc trong những bao nilon, đồ gia dụng gia đình hư hỏng, cho đến chất thải từ công trường xây dựng, như xà bần, thạch cao, nệm mút, gương kính… Theo quan sát hiện trường, tại một số vị trí giữa rừng thông đã bị đốt để những đống rác không cao thêm. Thậm chí, rác thải còn bị đổ vội vàng ngay trên mặt đường. Một đoạn đường ngắn khoảng 1 km nhưng có tới hơn 10 điểm tập kết rác. Nguy hại hơn, ngay phía dưới khu vực này là hồ Chiến Thắng, cung cấp nước cho một khu vực rộng lớn.
Anh N. H (làm nghề hướng dẫn viên du lịch tại Đà Lạt), cho biết: Đây là một trong những cung đường được du khách, nhất là khách quốc tế ưa thích bởi khung cảnh hoang sơ. Con đường uốn lượn theo cung bậc của núi đồi và ẩn dưới những cánh rừng thông ngút tầm mắt. Chỉ tiếc là thời gian gần đây bị đổ rác thải nhiều khiến du khách cảm thấy tiếc.
Liên quan vụ việc, ông Phạm Đình Long, Chủ tịch UBND Phường 8, TP Đà Lạt, cho biết: Khu vực tập kết chất thải trái phép trên nằm trong 16 ha rừng đã được giao cho Trường Đại học Yersin Đà Lạt quản lý để thực hiện dự án giáo dục, nhưng do dự án chưa triển khai, công tác quản lý, bảo vệ không nghiêm đã xảy ra tình trạng trên. Cũng theo ông Long, dù chế tài xử lý rõ ràng nhưng các trường hợp đổ trộm chất thải, nhất là khu vực trong rừng, ít người qua lại thường rất khó bắt quả tang. “Riêng khu vực Tiểu khu 144B đã giao cho Đại học Yersin Đà Lạt thực hiện dự án, sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị tiến hành thu gom chất thải đến điểm tập kết theo quy định, đồng thời phải bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực rừng đã được giao” - Chủ tịch UBND Phường 8, TP Đà Lạt nói.
Cùng chung tình trạng, tại khu rừng thông phía sau đồi Dinh III Bảo Đại (hẻm Ngô Thì Sỹ, nằm sau Dinh 3, Phường 3, TP Đà Lạt), một số người còn thu gom, sử dụng chất thải xây dựng để lấn rừng trái phép. Tại những “mặt bằng” mới, chỉ một thời gian sau là thông sẽ chết đứng, có người đã tiến hành dựng hàng rào dây thép gai, hay thậm chí dựng nhà trên khu vực lấn chiếm.
|
Các điểm tập kết chất thải trái phép tại rừng thông thuộc Tiểu khu 144B (địa bàn Phường 8, TP Đà Lạt). |
Theo một cán bộ quản lý đô thị Đà Lạt, tốc độ phát triển đô thị đã kéo theo mật độ xây dựng ngày càng tăng, phần lớn người dân sau khi đập bỏ công trình cũ đều giao thẳng cho nhà thầu “tự lo” và không quan tâm đến việc chất thải sẽ về đâu. Trước kia người dân không ngần ngại đổ chất thải tại những bãi đất trống, nhưng hệ thống giám sát trong thành phố ngày càng phát triển khiến tình trạng này giảm bớt đáng kể. Tuy nhiên, với lượng lớn chất thải rắn được đổ san lấp mặt bằng tại công trình khác, số còn lại vẫn được chở thẳng vào rừng đổ trộm để khỏi mất chi phí xử lý.
Không ai dám chắc những túi rác không xác định được chủ nhân bên trong chứa những chất thải nguy hại như thế nào nếu không được xử lý đúng quy trình. Tình trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm nay và thường xuất hiện ở những khu rừng vắng người qua lại như đường mòn từ Nghĩa trang Du Sinh đi khu dân cư Quảng Thừa (Phường 4, TP Đà Lạt), dọc đèo Mimosa, những rừng thông vùng ven của Đà Lạt…
Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Lạt chỉ có một đơn vị thu gom chất thải (chủ yếu là rác thải sinh hoạt), đối chất thải xây dựng người dân phải ký hợp đồng riêng với Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt để được xử lý, nhưng không nhiều người làm điều đó.
Theo lãnh đạo TP Đà Lạt, việc bắt quả tang để xử lý là rất khó khăn do người ta lựa thời điểm vắng vẻ đổ “trộm”. Nhưng phường, xã nào không quản lý, phát hiện được việc người dân đổ trộm rác thải thì thành phố sẽ tiến hành lập biên bản, xử lý và địa bàn đó sẽ thanh toán chi phí. Trước mắt thành phố sẽ tiến hành kiểm tra và tiến hành thu gom những vị trí đang là điểm nóng trong việc đổ trộm rác.
Tuy nhiên, theo người dân, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi đổ chất thải vào rừng thông, đồng thời phải gắn trách nhiệm cho chủ rừng và chính quyền phường, xã thì mới hy vọng trả lại môi trường trong lành cho rừng thông Đà Lạt.
THỤY TRANG