Nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới

05:02, 24/02/2020

Thực hiện tiêu chí 19.2 về "An ninh trật tự, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, thời gian qua,...

Thực hiện tiêu chí 19.2 về “An ninh trật tự, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, thời gian qua, Công an tỉnh đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm và đã góp phần đảm bảo, giữ vững, ổn định an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 
 
Công an tỉnh tham gia công tác từ thiện, dân vận tại xã Lộc Bắc, Bảo Lâm.
Công an tỉnh tham gia công tác từ thiện, dân vận tại xã Lộc Bắc, Bảo Lâm.
 
Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm, trọng điểm, có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng nông thôn; Chính vì vậy, Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 - 2020, trong đó việc bảo đảm an ninh trật tự, chính trị là một trong những mục tiêu quan trọng của lực lượng công an. Suốt 10 năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tập trung tham mưu UBND tỉnh, chỉ đạo công an các địa phương thực hiện các chỉ tiêu về “Giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở”, tham mưu củng cố hệ thống chính trị, đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các địa bàn dân cư để tạo điều kiện tốt nhất cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã nỗ lực làm tốt công tác nghiệp vụ, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tăng cường quản lý hành chính, tuần tra, kiểm soát, phòng chống cháy nổ… 
 
Phát huy vai trò của công an nhân dân, phải thật sự là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng công an luôn gắn việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quan tâm, chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức cho cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội ở cơ sở về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình này. Ngành công an chủ động ban hành nhiều kế hoạch để cụ thể hóa quá trình thực hiện các chỉ thị của cấp trên nhằm tích cực chung tay góp phần xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả nhất. 
 
Bám sát mục tiêu xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, ngành đặc biệt tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới gắn với tuyên truyền phòng chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ... nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của Nhân dân đối với các âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các thế lực thù địch; đồng thời, tích cực tham gia cùng lực lượng công an trong công tác phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương. Công an các cấp cũng kịp thời tham mưu, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm trong xã hội, không để xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để các phần tử xấu lợi dụng để phá hoại khối đoàn kết dân tộc, gây rối an ninh trật tự trên địa bàn, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện các nội dung của tiêu chí 19.2, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 
 
Theo thống kê của ngành công an, toàn tỉnh hiện có khoảng 85 loại mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự, trong đó phần lớn tập trung ở địa bàn nông thôn. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm tội phạm ở địa bàn thôn, xóm như mô hình “Tổ liên hộ tự quản về an ninh trật tự”, “Liền canh, liền cư”, mô hình “Dân cử, dân nuôi”… Qua thực hiện, những mô hình này thời gian qua đã góp phần cùng với lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Sự ra đời của các mô hình cùng với sự nhiệt tình tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua các mô hình cho thấy quá trình thực hiện đã củng cố được lòng tin của quần chúng nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng chức năng. 
 
Lực lượng công an xã trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được củng cố, kiện toàn về tổ chức, bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng. Toàn tỉnh đã lựa chọn và bố trí lực lượng công an chính quy có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức đảm nhiệm các chức danh trưởng, phó trưởng công an xã góp phần đẩy lùi các loại tội phạm, giữ gìn thôn xóm bình yên. 
 
Cùng với việc triển khai công tác nghiệp vụ để đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần hoàn thành tiêu chí số 19.2, những năm qua, lực lượng công an trong toàn tỉnh còn tích cực chung tay cùng Nhân dân xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, các chiến sỹ công an công tác ở các cấp trong tỉnh đều tích cực tham gia ủng hộ các quỹ xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các xã, thôn, đồng bào khó khăn. Các đơn vị trong toàn ngành cũng tổ chức huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp ngày công, tham gia phối hợp cùng chính quyền, Nhân dân các địa phương trong tỉnh hoàn thiện các công trình hạ tầng nông thôn; vệ sinh môi trường...
 
Bằng nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực, theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã có 116/116 xã đã hoàn thành tiêu chí số 19.2 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 2 huyện là Đức Trọng và Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 
 
NGUYÊN THI