Chưa hết tháng 2, nhưng tình hình nắng hạn năm 2020 đã kéo dài hơn 2 tháng và đang diễn biến hết sức phức tạp...
Chưa hết tháng 2, nhưng tình hình nắng hạn năm 2020 đã kéo dài hơn 2 tháng và đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo nhận định của ngành chức năng và các địa phương, với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhiều địa phương phía Nam của tỉnh như Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và Di Linh có nguy cơ bị hạn hán đe dọa trong thời gian tới.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S kiểm tra công tác phòng, chống hạn hán tại huyện Cát Tiên. |
Diễn biến phức tạp
Hiện tại, nhiệt độ nắng nóng trung bình trong ngày đo được tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đã lên tới từ 33 - 360C. Các công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống sông suối tự nhiên đang ngày một cạn kiệt nguồn nước. Tình trạng cây trồng “khát nước” tưới đã xảy ra tại nhiều địa phương. Cùng với đó, người dân tại nhiều địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nếu không có mưa.
Ghi nhận thực tế tại huyện Đạ Huoai vào thời điểm cuối tháng 2/2020 cho thấy, mực nước trên các sông Đạ Huoai, Đạ Quay và hệ thống sông, suối tự nhiên trên địa bàn huyện ngày càng cạn dần và đang giảm mạnh do nắng hạn đến sớm, kéo dài. Trong khi mực nước trên hệ thống sông, suối đang dần cạn kiệt và nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì việc người dân thiếu nguồn nước chống hạn cho cây trồng là khó tránh khỏi. Cùng với đó, nhiều khu vực trên địa bàn huyện Đạ Huoai, người dân cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt. Hiện tại, huyện Đạ Huoai đang có 10 công trình giếng khoan, giếng khơi và công trình nước tự chảy đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trong mùa khô, tập trung tại các xã Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri. Đến hiện tại, toàn huyện Đạ Huoai đang có hơn 600 hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt, nếu nắng hạn kéo dài trong vòng 1 tháng tới.
Còn tại huyện Đạ Tẻh, nhiều khu vực không có hồ thủy lợi, sông, suối đang xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng với diện tích hơn 1.150 ha, như: Cánh đồng lúa xã Đạ Lây khoảng 400 ha, xã Đạ Pal có khoảng 600 ha chè, cà phê và xã Mỹ Đức có hơn 150 ha chè, cà phê và cây ăn quả đang thiếu nước tưới. Người dân tại các khu vực như thôn Con Ó (xã Mỹ Đức), Tôn K’Long (xã Đạ Pal) và Đạ Nha (Quốc Oai) cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Tương tự, tại huyện Cát Tiên nhiều khu vực sản xuất tại các xã Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Phước Cát 2… nhiều loại cây trồng như cà phê, sầu riêng, tiêu… cũng đang trong tình trạng khát nước. Đặc biệt, huyện Cát Tiên đang có hơn 350 hộ dân, tại các địa phương như: Đồng Nai Thượng, Nam Ninh, thị trấn Cát Tiên, Đức Phổ và xã Quảng Ngãi có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới.
Chủ động chống hạn
Trước tình hình nắng hạn đang diễn biến phức tạp, khó lường, vừa qua Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng các sở, ngành của tỉnh đã làm việc và thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống hạn tại 3 huyện phía Nam. Với những nội dung báo cáo tại các buổi làm việc và thông qua việc kiểm tra thực tế của Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho thấy các địa phương đã và đang triển khai có hiệu quả công tác chống hạn. Cụ thể, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng theo dõi sát diễn biến của thời tiết; đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, trạm bơm làm tốt công tác điều tiết nước đảm bảo phục vụ cho người dân sản xuất; huy động các lực lượng tiến hành nạo vét kênh mương thủy lợi đảm bảo cho việc phòng, chống hạn trong mùa khô; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và chủ động phương châm “4 tại chỗ” và “4 sẵn sàng” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và (chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng) trong công tác phòng, chống cháy rừng.
Theo ông Trịnh Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, trong mùa khô năm nay, địa phương có hơn 6.780 ha cây trồng các loại đang cần nước tưới. “Cùng với việc thực hiện tốt các biện pháp điều tiết nước tại các hồ, đập thủy lợi, địa phương đang vận động người dân chủ động nạo vét ao hồ nhỏ, hệ thống giếng đào đảm bảo nguồn nước tưới và sinh hoạt; vận động, khuyến khích người dân đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước… Đặc biệt, địa phương đã chuẩn bị nguồn kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng để chủ động các biện pháp chống hạn như nạo vét kênh mương, hồ thủ lợi, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt, tiếp nước lưu động… đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân” - ông Trịnh Xuân Thủy cho biết.
Cùng với 3 huyện phía Nam, do thời tiết nắng hạn kéo dài, tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc có hàng chục ngàn ha cà phê đang trong tình trạng “khát nước”. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, người dân các địa phương đã chủ động tận dụng nguồn nước sông, suối và ao hồ trên địa bàn bơm tưới chống hạn cho cà phê. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, gần như 100% diện tích cà phê của các địa phương đã được tưới đủ nước đợt 1. Tuy nhiên, do nắng hạn ngày càng khắc nghiệt khiến nhiều diện tích cà phê của người dân đang “khát nước” trở lại. Hiện, người dân các địa phương đã và đang tiến hành tưới nước chống hạn đợt 2 cho cà phê. Tuy nhiên, ngoại trừ hệ thống sông suối và hồ đập tự nhiên, thì hệ thống hồ tự đào của người dân tại các huyện Bảo Lâm và Di Linh đang dần cạn kiệt. Trong đó, nhiều khu vực đã ở mực nước “chết” gây nhiều khó khăn cho công tác chống hạn.
Tại các buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của mùa khô năm 2020, các địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp, phần việc cụ thể nhằm hạn chế tối đa tình trạng người dân thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; tăng cường công tác kiểm tra việc điều tiết xả nước tại các công trình thủy lợi; kiểm tra, nạo vét hệ thống kênh mương; chú trọng duy tu, bảo dưỡng các trang thiết bị, máy móc chống hạn đảm bảo hoạt động hiệu quả… Đặc biệt, các địa phương phải chủ động tốt nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng đối phó với tình hình hạn hán có thể xảy ra trong thời gian tới nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân”.
KHÁNH PHÚC