Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Khang Thiên cho biết, tính đến thời điểm ngày 29/1/2020 (ngày 5 Tết), trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 3 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 3 vụ so cùng kỳ Tết năm 2019;...
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Khang Thiên cho biết, tính đến thời điểm ngày 29/1/2020 (ngày 5 Tết), trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 3 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 3 vụ so cùng kỳ Tết năm 2019; đồng thời, không xảy ra vụ cháy rừng nào. Ðây là thông tin vui, nhưng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV & PTR) còn nhiều thách thức đối với cả hệ thống chính trị.
|
Tuần tra dịp Tết Canh Tý của lực lượng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt. Ảnh: Minh Ðạo |
Năm 2019, cả ba tiêu chí không đạt
Ba vụ vi phạm nêu trên gồm: Vận chuyển lâm sản trái pháp luật 3,320 m
3 gỗ tròn thông ba lá (nhóm IV), tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông; Phá rừng trái pháp luật thiệt hại 200 m
2 và 7 cây thông ba lá đường kính gốc 25-34 cm, tại lô b2, Khoảnh 8, Tiểu khu 166, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, lâm phần do Ban Quản lý rừng (BQLR) Lâm Viên quản lý và Khai thác rừng trái phép, thiệt hại 4 cây thông ba lá, tổng khối lượng 3,539 m
3, tại Khoảnh 2, Tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, lâm phần do BQLR phòng hộ Đại Ninh quản lý.
Về cháy rừng, một số địa bàn chỉ xảy ra những điểm cháy cây bụi, thảm cỏ dưới tán rừng, không ảnh hưởng đến cháy rừng. Được biết, mùa khô 2018-2019, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, với diện tích 21,553 ha; trong đó, cháy rừng có 2 vụ với diện tích 0,996 ha, mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng khoảng 40-50%. Nếu tính cả cháy rừng, cháy thảm cỏ cây bụi, so cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy năm 2019 tăng. Tuy số vụ cháy rừng giảm 60%, diện tích thiệt hại do cháy rừng cũng giảm, nhưng ngoài khai thác lâm sản và xâm lấn đất rừng trái phép, cháy rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. So sánh năm 2018, năm 2019, tỉnh Lâm Đồng có số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp chỉ giảm 18% (bằng 165 vụ); diện tích thiệt hại do phá rừng chỉ giảm 8% (bằng 5,02 ha); đặc biệt lâm sản thiệt hại tăng thêm 4% (145,484 m
3). Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 49 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp có tính chất phức tạp, nổi cộm; tăng 14 vụ so với năm 2018. Tổng số vụ vi phạm các quy định trong năm 2019 là 735 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng 57,38 ha, lâm sản thiệt hại hơn 3,8 m
3. Trong số này, hành vi khai thác rừng trái pháp luật là 153 vụ, với gần 700 m3 và phá rừng trái pháp luật 255 vụ, diện tích thiệt hại gần 57,4 ha; cùng đó thiệt hại về trữ lượng, khối lượng hơn 2,8 m
3 gỗ. So chỉ tiêu UBND tỉnh giao tại Thông báo 24/TB-UBND ngày 28/1/2019, năm 2019, cả 3 tiêu chí (số vụ, mức độ thiệt hại và tỷ lệ vụ vi phạm vắng chủ) đều không đạt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên. Riêng về chủ quan, chỉ khi cả hệ thống chính trị trên toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả, cụ thể và thực chất nội dung Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thì công tác QL, BV & PTR sẽ chuyển biến thực sự. Đây là văn bản chỉ đạo rường cột, cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ và các cấp, các ngành Trung ương. Trách nhiệm cao và đồng bộ trong triển khai, nghiêm minh và quyết liệt trong xử lý vi phạm luôn là thước đo đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương và các chủ rừng.
Chủ rừng phải thực chất chủ động
Một trong những yếu tố tác động lớn đến công tác QL, BV & PTR là vai trò của các chủ rừng. Dẫn số liệu năm 2019 làm ví dụ. Trong số 49 vụ vi phạm có tính chất phức tạp và nổi cộm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một số vụ điển hình về vi phạm gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng thuộc trách nhiệm chính của chủ rừng. Đó là, vụ phá rừng bằng hình thức khoan cây, đổ hóa chất tại Tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, lâm phần do BQLR Nguyên liệu giấy Lâm Hà quản lý. Vụ phá rừng bằng hình thức ken cây, đổ hóa chất tại Tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, lâm phần do BQLR phòng hộ Đam B’ri quản lý và vụ phá rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, lâm phần do BQLR phòng hộ Phi Liêng quản lý. Trong 3 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp dịp Tết Nguyên đán 2020 có 2 vụ xảy ra tại lâm phần của BQLR quản lý, 1 vụ xảy ra trên địa bàn xã. Trong khi lực lượng kiểm lâm còn thiếu định biên theo quy định của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các chủ rừng và chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Phải thẳng thắn nói rằng, QL, BV & PTR trước hết, quan trọng hàng đầu, phải thuộc các chủ rừng được giao khoán và được thụ hưởng các chính sách quy định của Nhà nước. Cũng như nhiều địa phương, địa bàn Lâm Đồng thời gian qua không ít vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp do yếu tố nhận thức về pháp luật và trách nhiệm của chủ rừng; đồng thời, có cả hành vi cố tình vi phạm của các chủ dự án.
Một nội dung quan trọng nữa là sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng khi xảy ra vi phạm, trong đó cần xác định đối tượng. Mặc dù UBND tỉnh chỉ đạo phải giảm mạnh số vụ vi phạm vắng chủ, nhưng năm 2019, trong tổng số 735 vụ có đến 48% vụ (bằng 351 vụ) chưa xác định đối tượng vi phạm. Chỉ khi xác định kịp thời và chính xác đối tượng vi phạm thì vừa thể hiện được tính thượng tôn nghiêm minh của pháp luật, vừa tuyên truyền, giáo dục và răn đe có hiệu quả. Làm việc với Hạt trưởng Kiểm lâm Đà Lạt - ông Võ Thanh Sơn, được biết, năm 2019, địa bàn thành phố là điển hình về phát hiện đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp có tỷ lệ vắng chủ thấp nhất tỉnh, chỉ 22%. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả 2 vụ vi phạm đều xác định kịp thời và cụ thể đối tượng vi phạm (Nguyễn Văn Dũng, Phường 7 với vụ lấn chiếm 500 m
2 đất lâm nghiệp; Nguyễn Thị Thanh Quan thuê người hạ 7 cây thông ba lá trên diện tích 200 m
2 tại xã Xuân Trường). Tuy diện tích rừng và đất rừng do Hạt quản lý tới 26.000 ha; có 5 đơn vị chủ rừng Nhà nước, 93 nhà đầu tư, trong lúc lực lượng kiểm lâm thiếu, kết quả QLBVR của thành phố là đáng trân trọng.
MINH ÐẠO