Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, hay còn gọi là ô nhiễm trắng đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, hay còn gọi là ô nhiễm trắng đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.
|
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Đà Lạt tham gia chạy bộ hưởng ứng phong trào “Toàn dân hạn chế rác thải nhựa”. Ảnh: Nguyệt Thu |
Theo thống kê, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất và có đến 13 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Và, nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Bình quân mỗi ngày Lâm Đồng có khoảng 900 tấn rác thải sinh hoạt. Riêng thành phố Đà Lạt mỗi ngày có khoảng 170 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa chiếm đến 7 - 8%. Công tác thu gom, xử lý rác thải hiện vẫn đang là vấn đề nóng, đau đầu cho các nhà quản lý bởi thực tế còn rất nhiều bất cập, khó khăn mà truyền thông báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Trước thực trạng và khó khăn đó, MTTQ các cấp từ Trung ương đến địa phương đã ra sức kêu gọi, vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thay đổi nhận thức và hành động, phát huy trách nhiệm cùng chung tay “hạn chế rác thải nhựa” để bảo vệ môi trường.
Tại Lâm Đồng, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phát động phong trào thi đua và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình… cùng nhau hưởng ứng tham gia, hướng đến xây dựng cộng đồng “nói không với rác thải nhựa”.
Cụ thể, ngay sau khi phát động vào tháng 12 năm 2019, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã bắt đầu nhận thức đúng đắn hơn về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon. Thực tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tuyên truyền tích cực và xây dựng nhiều mô hình hay như “Phụ nữ chung tay hạn chế rác thải nhựa” thông qua hoạt động đi chợ, mua sắm mang theo làn, hộp đựng thức ăn. Mỗi người phụ nữ, mỗi ngày nếu làm như vậy sẽ hạn chế ít nhất được từ 4 - 5 túi nilon thải ra môi trường. Tại các cơ quan như các hệ thống ngân hàng nơi công sở thực hiện uống nước bằng ly sứ, mỗi người sử dụng riêng một ly và không dùng đồ nhựa. Tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, khi tiếp khách, hội nghị đã không sử dụng nước uống đóng chai mà dùng ly thủy tinh để rót nước cho khách uống. Tại chuỗi cà phê, nhà hàng của Windmills Đà Lạt, đã sử dụng hoàn toàn bằng ly uống nước không dùng ống hút, hoặc sử dụng ống hút bằng bột gạo, bằng giấy… nhằm hạn chế rác thải nhựa. Doanh nghiệp trẻ này còn nâng cao trách nhiệm với cộng đồng trong bảo vệ môi trường bằng cách xây dựng dự án “thu gom rác thải hữu cơ” từ các nhà hàng về khu đất dưới đèo Prenn để xử lý chất thải thành phân hữu cơ tái chế sử dụng trồng rau sạch, nuôi gà sạch phục vụ cho chuỗi các nhà hàng của Windmills và mang đến giá trị đích thực là cung cấp cho khách hàng những sản phẩm thực phẩm, món ăn ngon, sạch theo chu trình khép kín.
Với lực lượng đoàn viên thanh niên, hưởng ứng Ngày hội “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa” của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn đã phát động và kêu gọi thanh niên ra sức hành động mạnh mẽ. Theo đó, lực lượng đoàn viên thanh niên trong tỉnh cũng đã chung tay nhặt rác tại các nơi công cộng, các khu điểm du lịch, dưới tán rừng thông… và nhận được sự đồng tình cao của cộng đồng. Ngoài ra, thanh niên Lâm Đồng cũng đã phát huy sáng kiến, sáng tạo để tham gia vừa hoạt động sản xuất kinh doanh vừa hạn chế rác thải nhựa. Lâm Đồng cũng đã khuyến khích việc thành lập các mô hình khởi nghiệp chống rác thải nhựa, và có giải pháp giảm ô nhiễm môi trường. Thực hiện xóa những “điểm đen” rác thải thành “điểm sáng - xanh - sạch đẹp” với nhiều hoa, cây xanh được trồng mới, nhiều thùng rác hợp vệ sinh...
Với thành phố Đà Lạt - một thành phố du lịch nổi tiếng và thu hút rất đông lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm, nên chính quyền thành phố đã rất coi trọng công tác này. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình nhấn mạnh: Ngay sau khi tỉnh phát động phong trào toàn dân chung tay “hạn chế rác thải nhựa” thì TP Đà Lạt cũng đã có kế hoạch phát động chi tiết, kêu gọi toàn dân tham gia nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường. Vận động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần, thực hiện thu gom, phân loại chất thải, tập kết rác đúng nơi quy định, không vứt rác, xả rác thải nhựa ra môi trường. Tích cực tuyên truyền để mọi tập thể, cá nhân ưu tiên mua dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, thành phố Đà Lạt cũng kêu gọi mọi người dân và du khách chung tay, góp sức xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường của thành phố hoa, vì môi trường sống “xanh - sạch - đẹp” hãy là những người tiêu dùng thông minh. Lựa chọn các loại thực phẩm ít tác động đến môi trường, sử dụng thực phẩm hữu cơ không hóa chất, tích cực khuyến khích người dân dùng sản phẩm của địa phương; trồng thêm nhiều hoa, cây xanh, xây dựng khuôn viên nhà, vườn hoa khu dân cư để góp thêm màu xanh, làm cho môi trường của thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”.
NGUYỆT THU