(LĐ online) - Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tình trạng thiếu nước tưới đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng.
(LĐ online) - Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tình trạng thiếu nước tưới đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng.
|
Lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng đã cạn trơ đáy, nứt nẻ |
Tại huyện Lạc Dương, từ cuối tháng 11/2019 đến nay, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm cho hàng ngàn nông dân trong huyện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nước để phục vụ cho sản xuất cà phê, rau, hoa. Cho dù nông dân tại đây đang tất tả đi tìm nguồn nước tưới cho cây trồng, nhưng nhiều diện tích cây trồng vẫn thiếu nước trầm trọng do ao, hồ, đập trên địa bàn đang dần cạn trơ đáy.
Có mặt tại hồ Đan Kia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục máy bơm của nông dân luôn túc trực, hoạt động hết công suất để bơm từng giọt nước tưới cho hoa màu.
Hồ Đan Kia - Suối Vàng là công trình đa mục tiêu nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương. Ngoài việc cung cấp nước cho thủy điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đây còn là hồ chứa cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân TP Đà Lạt và trên 53.000 hộ dân của thị trấn Lạc Dương.
Dòng chảy sông, suối trong tỉnh sẽ thiếu hụt nghiêm trọng
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng, do mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, một vài huyện lượng mưa đạt thấp chỉ khoảng 60 - 65% so với nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. Hiện tượng ENSO được dự báo sẽ nghiêng về pha nóng vào những tháng đầu năm 2020.
Mùa mưa năm 2020 sẽ đến muộn hơn so với quy luật (tầm tháng 5/2020). Lượng dòng chảy trên các sông suối vùng phía Bắc, Đông Bắc tỉnh (Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông) đạt thấp, thiếu hụt từ 20 - 25%. Đặc biệt là ở vùng phía Nam, Tây Nam của tỉnh, lưu lượng dòng chảy rất thấp, thiếu hụt 45%, riêng trên sông La Ngà thấp hơn từ 96 - 98%.
|
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hồ đã cạn trơ đáy. Dự kiến trong vài ngày tới, phía thượng hồ sẽ không còn đủ nước để phục vụ bơm tưới. Trong khi đó, hàng trăm ha rau màu, hoa hồng của người dân lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ hồ, khiến cho người nông dân tại đây ăn ngủ không yên.
Đứng bên vườn hoa hồng rộng 1 ha đang “khát” vì nắng hạn, anh Nguyễn Hữu Thắng (tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương) xót ruột bảo: Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa hồ sẽ không còn nước. Đây lại là nguồn nước duy nhất cho vườn hoa hồng của nhà tôi, nếu trời cứ nắng không có nguồn nước bổ sung vào hồ, gia đình buộc phải đi xin nguồn nước hoặc mua nước để cứu vườn.
Chính vì vậy, vợ chồng anh Thắng bất chấp trời trưa nóng vẫn phơi mình tìm nước. Theo anh Thắng, gia đình anh đã trồng hoa hồng tại khu vực hồ Đan Kia gần 4 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên anh chứng kiến cảnh hồ bị cạn trơ đáy nhanh đến vậy. Mặc dù, đây chưa phải là thời điểm cao điểm nhất của đợt khô hạn.
|
Mặc dù nằm ngay bên cạnh hổ thủy lợi Đan Kia, nhưng hàng trăm ha hoa màu của nông dân Lạc Dương đang “khát” |
Cách hồ Đan Kia không xa, hồ thủy lợi số 7 tại thị trấn Lạc Dương còn thê thảm hơn khi đã cạn trơ đáy hơn 1 tuần nay. Nhiều nơi quanh hồ đã không còn giọt nước nào, đất đai đã nứt nẻ, lượng nước chỉ còn tập trung giữa lòng hồ. Trong khi đó, rất nhiều máy bơm đang nằm giữa hồ “há vòi” chờ nước.
Đang khiêng chiếc máy bơm đặt ở hồ lên xe để đưa về nhà, vợ chồng anh Trần Đức Hùng (thị trấn Lạc Dương) cho hay: Do hồ không còn nước nên anh buộc phải đưa máy bơm về nhà cất. Trong khi gần 7 sào trồng hoa hồng đang trong giai đoạn sung sức cho bông nhất, cần nguồn nước tưới nước thường xuyên thì hồ thủy lợi khô cạn. Anh Hùng đang tính tìm giải pháp cầu cứu với các vườn bên cạnh, chia sẻ nguồn nước ngầm nhằm giúp vườn hoa hồng vượt qua cơn khát.
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho hay: Thời gian qua, huyện Lạc Dương đã thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, tỉnh để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, quan tâm đầu tư một số công trình thủy lợi tập trung; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ hộ, nhóm hộ xây dựng ao hồ, đập ở nhiều quy mô khác nhau, nhằm phục vụ nhu cầu tưới tiêu, nhất là đối với diện tích rau, hoa, các diện tích sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống hạn, UBND huyện đã thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Hàng năm, từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí, UBND huyện đã tập trung sửa chữa, nâng cấp, nạo vét công trình thủy lợi hồ số 7 tại thị trấn Lạc Dương và khu vực hạ lưu; tập trung huy động nguồn vốn trong Nhân dân để thực hiện Đề án Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ với hàng trăm ao, hồ đã được triển khai đào.
|
Năm nay, hạn hán diễn ra khốc liệt đã khiến mực nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Lạc Dương giảm rất nhanh |
Tuy nhiên, do đợt hạn hán năm nay xảy ra gay gắt hơn mọi năm nên việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của bà con đang gặp nhiều khó khăn.
Toàn huyện Lạc Dương hiện có 3 công trình thuỷ lợi lớn cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho tổng diện tích 125 ha. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, hiện mực nước tại các hồ thủy lợi này đang xuống rất thấp, thậm chí lòng hồ đã trơ đáy. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước tưới từ các khe suối và nguồn nước ngầm.
THANH SA