Do tình hình hạn hán diễn biến phức tạp và kéo dài nhiều tháng nay đã khiến nhiều dòng suối, khe suối, ao hồ tích nước trên địa bàn xã Tam Bố, huyện Di Linh bị cạn kiệt...
Do tình hình hạn hán diễn biến phức tạp và kéo dài nhiều tháng nay đã khiến nhiều dòng suối, khe suối, ao hồ tích nước trên địa bàn xã Tam Bố, huyện Di Linh bị cạn kiệt. Nắng nóng kéo dài đã gây khó khăn cho người dân trong việc chống hạn cho cây trồng cũng như lấy nước sinh hoạt hàng ngày.
|
Có 40 ha lúa vụ 2 thuộc cánh đồng Cây Me không có nước sản xuất. |
Tam Bố là một trong số địa phương ở huyện Di Linh có điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt, ở khu vực này đất đá chiếm diện tích khá lớn, lượng mưa ít và thường đến muộn hơn so với các xã trong huyện. Mặt khác, do chưa chủ động nguồn nước như xây dựng công trình thủy lợi lớn để tích nước..., nên vào mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.
Ông Nhữ Văn Học - Chủ tịch UBND xã Tam Bố, cho biết: Hiện Tam Bố có hơn 3.938 ha đất xã sản xuất nông nghiệp, với cây trồng chủ lực là cà phê 3.069 ha, lúa nước 200 ha, diện tích cây rau màu 81 ha và cây hồ tiêu 98 ha. Ngoài ra, địa phương còn trồng khoảng 160 ha sầu riêng, bơ và mắc ca... “Trước tình hình nắng hạn diễn biến phức tạp, thời gian qua, UBND xã đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đi kiểm tra tất cả các khu vực hồ chứa ở các lòng kênh, suối, vận động bà con nông dân phân luồng để tưới tiết kiệm nguồn nước. Tuy nhiên, qua đi kiểm tra thực tế tại khu vực đầu nguồn suối Đạ Le, Đạ Lik, Cầu Cháy và khu vực Ca Tường, nguồn nước cũng đã cạn và dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Nhữ Văn Học cho hay.
Ông Nguyễn Duy Trinh - Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hiệp Thành 1, chia sẻ: Tình hình chống hạn trên địa bàn xã diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, các nguồn nước từ sông suối đã bị cạn kiệt, hàng trăm máy bơm nước của bà con vẫn còn đắp chiếu tại các dòng suối Dạ Le, Cầu Xanh... đang chờ nước. Một số diện tích cà phê của bà con trong thôn nay đã bị cháy khô. Bà con rất mong các cấp chính quyền huyện Di Linh sớm điều tiết nguồn nước từ Công trình thủy lợi Ka La cho bà con có nguồn nước chống hạn.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tam Bố không chỉ khó khăn về nguồn nước tưới cho cây trồng, mà nhiều tháng nay bà con còn đối mặt với thực trạng thiếu nước sinh hoạt. Do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và nhiễm thạch tín cao, nên nhiều năm nay đa số người ở xã Tam Bố chủ yếu sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy. Mặc dù công trình này đã được nhiều lần cải tạo, nâng cấp, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân địa phương, đặc biệt vào mùa khô hạn.
Theo thống kê của Tổ quản lý điều tiết nước sinh hoạt xã Tam Bố, trên địa bàn xã có nhiều hộ khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, trong đó nhiều nhất là bà con dân tộc thiểu số ở Thôn 4 và Thôn 5 với khoảng 700 hộ bị thiếu nước cục bộ.
Theo phản ánh của người dân, bên cạnh hệ thống công trình nước sinh hoạt tự chảy bị xuống cấp dẫn đến thiếu nước cục bộ thì việc điều tiết, phân chia, cung cấp nguồn nước cho người dân còn bất hợp lý. “Trước đây, gia đình tôi sử dụng nước giếng, từ khi nước giếng bị ô nhiễm tôi chuyển sang sử dụng nước tự chảy. Hơn 3 tháng nay ở khu vực Thôn 4, Thôn 5 và một phần thôn Hiệp Thành 2 thường xuyên bị thiếu nước. Nguyên nhân do đường ống bị xuống cấp, việc phân bổ nguồn nước cho các thôn chưa hợp lý, một số hộ dân còn dùng nước tưới cây cà chua, trong khi đó nhiều hộ dân không có nước dùng. Muốn có nước dùng gia đình tôi cũng như nhiều bà con nơi đây phải dùng máy cày đi xin nước”, chị Lê Thị Nga ở Xóm 2, thôn Hiệp Thành 2 phản ánh.
Tương tự, ông K’Điệp người có uy tín xã Tam Bố, cho biết: “Thực trạng thiếu nước sinh hoạt ở xã Tam Bố đã kéo dài vài tháng nay, cao điểm nhất là vào mùa khô ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân chính là do hệ thống đường ống bị tắc nghẽn và tại đập đầu mối đã bị xuống cấp. Vì vậy, Trung tâm Quản lý công trình nước sạch cần sớm khắc phục, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân”.
Theo nhận định của ông Phạm Tấn Châu - Cán bộ phụ trách Nông - Lâm - Nghiệp xã Tam Bố: Đến nay, xã Tam Bố đã tưới xong đợt 1 được 80% diện tích và tưới đợt 2 được 30%. Trong vòng hơn 1 tháng tới, nếu trên địa bàn xã Tam Bố trời không có mưa thì Tam Bố sẽ có trên 50% diện tích cây trồng không có nguồn nước tưới và nếu điều tiết nước từ hồ thủy lợi Ka La thì chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% diện tích. Hiện địa phương đã tiến hành khảo sát khu vực xây dựng hồ chứa nước lớn, tích nước chống hạn cho cây trong những năm tiếp theo; đồng thời kiến nghị các cấp sớm triển khai dự án mà huyện đã có chủ trương đầu tư về chương trình nâng cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã.
NDONG BRỪM