Chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từng bước được coi trọng

06:04, 17/04/2020

Quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước";...

Quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là Phong trào) năm 2019 của Lâm Đồng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; tác động mạnh mẽ đến đời sống VH-XH. Qua đó, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN của địa phương, củng cố và tăng cường hệ thống chính trị cơ sở. 
 
Phong trào đi vào cuộc sống, được đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và Nhân dân tích cực hưởng ứng, trở thành hoạt động xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng. 
 
Gia đình văn hóa là nền tảng xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: Q.Uyển
Gia đình văn hóa là nền tảng xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: Q.Uyển
 
Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
 
Thời gian qua, công tác đăng ký, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” được tiến hành đúng quy trình, thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Từ đó, khơi dậy phong trào trong mỗi người dân, được đông đảo quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng. 
 
Qua thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái... 
 
Năm 2019, toàn tỉnh có 294.193/309.563 hộ gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 95%. Cuối năm bình xét có 281.921 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. 
 
Trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tích cực tham gia vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa. Thông qua cuộc vận động, kịp thời hướng dẫn các khu dân cư lồng ghép đưa các nội dung phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện chính sách dân số và bảo vệ môi trường; thực hiện nghĩa vụ thuế... gắn với các nội dung cuộc vận động và quy ước, hương ước trong cộng đồng, trở thành các tiêu chí thi đua, bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” hàng năm. Kết quả đã góp phần trong tuyên truyền, huy động Nhân dân đóng góp công sức, tham gia giám sát thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị tại các xã, phường, thị trấn.
 
Định kỳ, MTTQ các cấp tổ chức tốt việc sơ, tổng kết, biểu dương, rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình và hướng dẫn các khu dân cư tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động. Kết quả cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đánh giá là một trong những phong trào thi đua sâu rộng có hiệu quả thiết thực và có tác động quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng khu dân cư. Đồng thời, đời sống vật chất, tinh thần ở từng gia đình, cộng đồng dân cư được nâng lên rõ rệt theo từng năm. Khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy; diện mạo đời sống KT-XH ở các cộng đồng dân cư thêm đổi mới. 
 
Có thể khẳng định hiệu quả của cuộc vận động mang lại góp phần rất quan trọng làm cho Phong trào lan tỏa thấm sâu trong đời sống xã hội. 
 
Năm 2019, toàn tỉnh có 1.501/1.541 thôn, tổ dân phố (sau sắp xếp, sáp nhập và đổi tên hiện còn 1.376 thôn, tổ dân phố) được công nhận, công nhận lại danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 97,4%. Để có kết quả đó là do cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người dân và cộng đồng khu dân cư hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa của phong trào. 

Đẩy mạnh các phong  trào

Trước hết, phong trào xây dựng “Thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa”, luôn được Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện bằng việc hướng dẫn các khu dân cư tổ chức đăng ký từ đầu năm, bình xét công nhận vào cuối năm. Thông qua phong trào, tinh thần tương thân tương ái, ý thức tự quản cộng đồng được phát huy; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao duy trì và phát triển. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội mang lại hiệu quả. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; các tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. 
 
Được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nên phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh” gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2019, Lâm Đồng có 142/142 xã, phường, thị trấn đăng ký; trong đó 131/142 xã, phường, thị trấn được công nhận và công nhận lại, đạt tỷ lệ 92,35% với 105/111 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 26/31 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 
 
Cũng trong năm 2019, phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” được các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo triển khai. Phần lớn đội ngũ CBCCVC, người lao động đều có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, được đào tạo cơ bản, tác phong lao động và làm việc văn minh, khoa học, luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Do đó, phong trào được duy trì, phát triển và đi vào cuộc sống, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Năm 2019, toàn tỉnh có 1.487/1.557 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 95,5%; trong đó UBND tỉnh công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” 5 năm (2015-2019) cho 670 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể đạt chuẩn văn hóa để khích lệ phong trào phát triển mạnh và bền vững. 
 
Tuy đạt một số kết quả quan trọng, đáng khích lệ nhưng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2019 vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là: Một số địa phương chưa chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cũng như việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Việc triển khai xây dựng và công nhận các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn lúng túng, vướng mắc, do chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhất là trong áp dụng các quy định mới vào bình xét các danh hiệu văn hóa. Công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa chưa được thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn quan tâm phối hợp...
 
LAN HỒ