Những ngày đầu tháng 4, trong vai người đi mua đất xây dựng homestay, mở quán cà phê kinh doanh dịch vụ du lịch, chúng tôi cùng đồng nghiệp được giới "cò đất" ở phố núi đưa vào mê lộ của phân khúc nền đất tầm trung, giá rẻ, nhưng đầy rủi ro tại TP Đà Lạt.
Những ngày đầu tháng 4, trong vai người đi mua đất xây dựng homestay, mở quán cà phê kinh doanh dịch vụ du lịch, chúng tôi cùng đồng nghiệp được giới “cò đất” ở phố núi đưa vào mê lộ của phân khúc nền đất tầm trung, giá rẻ, nhưng đầy rủi ro tại TP Đà Lạt.
|
Công trình đường bê tông tại hẻm Cam Ly nhằm chuẩn bị phân lô, bán nền đất nông nghiệp bị cưỡng chế. |
Vị trí đầu tiên được người môi giới tên T. cho tiếp cận là những nền đất tại khu vực thung lũng An Sơn (phía sau khu Dinh III Bảo Đại, Phường 4, TP Đà Lạt). Mặc dù khu đất nằm sâu dưới thung lũng, độ dốc lớn, có đường nội bộ bằng bê tông, giá từ 1,7 đến 3,2 tỷ đồng/lô tùy vào diện tích, kèm với tư vấn “khuyến mãi” của T. là đất có view đẹp, sổ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đồng sở hữu, có thể “lo” bao xây dựng. Tuy nhiên, qua kiểm tra được lãnh đạo UBND Phường 4 (TP Đà Lạt) cho biết, khu vực trên thuộc đất quy hoạch nông nghiệp, nghiêm cấm phân lô bán nền và không được phép xây dựng công trình nhà ở, kể cả công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tương tự, tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám (Phường 10, TP Đà Lạt), người môi giới giới thiệu đất view rừng thông, đường bê tông rộng khoảng 3 m, đất ở mật độ thấp, chi phí xây dựng hợp lý… Nhưng sau khi đến UBND Phường 10 xác minh, chúng tôi được biết khu đất trên nằm trong diện quy hoạch đất nông nghiệp, không thể xây dựng.
Một khu đất khác nằm ở hẻm đường Cam Ly (Phường 5, TP Đà Lạt), được phân thành 50 lô đất nền. Khu đất có đường bê tông chạy giữa nối với đường dân sinh; có giá chào mời hơn nửa tỷ đồng cho một nền đất, được người môi giới T.H. cho biết: “Khoảnh đất này phù hợp xây nhà ở định cư lâu dài. Lô này rộng 90 m
2, giá 580 triệu đồng… bán nhanh gọn”. T.H. chốt giá với chúng tôi tại vườn. Vậy nhưng, sau khi tìm hiểu, khu vực trên hoàn toàn là đất sản xuất nông nghiệp, cấm xây dựng công trình dưới mọi hình thức. Một cán bộ Phường 5 (TP Đà Lạt), cho biết: Nằm cách đó không xa, cũng tại trục đường hẻm này, trước đó UBND phường đã cưỡng chế con đường bê tông dài 140 m, rộng 4 m mà các đối tượng xây dựng để phục vụ cho việc phân chia khu đất nông nghiệp thành nhiều lô đất nền bán trục lợi.
Trong khi đó, tại các trục đường Nguyên Tử Lực, Cách Mạng Tháng 8 (Phường 8, TP Đà Lạt), một số mảnh vườn trồng rau, hoa nay được chủ vườn xây kè đá (loại đá chẻ) ngăn thành từng khoảnh chiều ngang 5 m, dài khoảng 25 m, có đường nội bộ bằng bê tông đủ để ô tô tải loại nhỏ, hoặc xe du lịch ra vào. “Xung quanh đây người ta xây kín gần hết rồi, không mua nhanh sẽ có người đến mua mất. Nếu thích thì có thể cọc giữ chỗ trước, giá từ 1,2 đến 1,7 tỷ đồng/lô tùy diện tích” - anh M.Q.C (Phường 8, TP Đà Lạt), nói.
Trở lại UBND Phường 8 và được lãnh đạo phường cho biết, khu vực trên nằm trong số 14 trường hợp phân lô nền đất nông nghiệp đồng sở hữu sổ mà địa phương đã đưa vào danh sách theo dõi, kiểm tra thường xuyên. UBND Phường 8 cũng đã cắm bảng thông báo đất nông nghiệp không thể xây dựng để cảnh báo cho người dân. Các trường hợp mua bán, sang tay bằng giấy tay, nếu tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp đều bị cưỡng chế, tháo dỡ.
|
UBND Phường 5 cắm bảng cảnh báo khu vực quy hoạch đất sân bay. |
Theo khảo sát, tình trạng phân lô rao bán nền đất nông nghiệp tại TP Đà Lạt phần lớn xuất hiện ở những tuyến đường cách xa trung tâm từ 5-10 km, như: Trần Văn Côi, Cam Ly, Nguyên Tử Lực, Hoàng Hoa Thám, Trần Quang Diệu… Nếu không có sự quản lý chặt thì chỉ thời gian ngắn là xuất hiện những căn nhà tạm, thậm chí nhà xây kiên cố.
Điều đáng nói, đất nông nghiệp sau khi cải tạo, làm đường nội bộ đấu nối vào đường dân sinh sẽ có giá sang nhượng cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, người mua nhận về phần rủi ro rất cao, bởi ngay cả trường hợp đã có nhà trên đất, dù hết thời hạn xử phạt hành chính, cơ quan quản lý nhà nước vẫn sẽ buộc khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình không có giấy phép xây dựng, công trình tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp.
UBND TP Đà Lạt khuyến cáo người dân trước khi giao dịch đất ngoài việc liên hệ trực tiếp tại cơ quan chức năng, hoặc có thể truy cập ứng dụng trực tuyến “Thông tin quy hoạch Đà Lạt”. Tại đây, người dùng có thể dễ dàng tra cứu quy hoạch sử dụng đất từng khu vực trên địa bàn, từng thửa đất, số tờ bản đồ; Quy hoạch phân khu chi tiết; Quy định kiến trúc xây dựng; thông tin giá đất trên địa bàn.
|
Theo thống kê của UBND Phường 5 (TP Đà Lạt), trên địa bàn hiện có 6 khu vực (10 vị trí) người dân tự phân lô nền đất, xây dựng lối đi nội bộ khi chưa được phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, cá biệt có những trường hợp phân chia tới 80 lô đất nền trên diện tích hàng nghìn mét vuông. Chủ tịch UBND Phường 5 (TP Đà Lạt) Nguyễn Như Việt, cho biết: Những thông tin về quy hoạch, quản lý sử dụng đất người dân có thể trực tiếp đến UBND phường để tìm hiểu hoàn toàn miễn phí.
Cũng theo Chủ tịch UBND Phường 5, phần lớn những người mua nền đất nông nghiệp có thu nhập thấp, mua bán không thông qua phường nên kéo theo nhiều rủi ro. “Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, UBND phường đã tổ chức cắm 15 biển cảnh báo tại những khu vực “nóng” để người dân nắm thông tin. Trong đó, UBND phường đã giải tỏa nhiều khu vực phân lô, làm đường bê tông nội bộ trên đất nông nghiệp…” - Chủ tịch UBND Phường 5, cho biết.
Bên cạnh giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tại chỗ, theo Chủ tịch UBND Phường 11 (TP Đà Lạt), Lê Văn Tây, việc thường xuyên kiểm tra các thửa đất có dấu hiệu phân lô đồng sở hữu sổ sẽ góp phần ngăn chặn từ xa tình trạng xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp. Và cũng từ giữa năm 2019 đến nay, UBND Phường 11 đã lập danh sách, theo dõi 108 trường hợp đồng sở hữu sổ đất nông nghiệp trên địa bàn.
Liên quan vụ việc, năm 2019, UBND TP Đà Lạt đã ban hành tới 3 quyết định chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các phường, xã trên địa bàn đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước để phát hiện sớm, xử lý nghiêm việc phân lô bán nền đất nông nghiệp trái luật.
Cụ thể, UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra địa bàn, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi để người dân, các tổ chức, cá nhân được biết về việc san ủi, cải tạo mặt bằng, mua bán, chuyển nhượng đất phân lô bán nền trái pháp luật là không đảm bảo các qui định của Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Đồng thời, kiểm tra, quản lý chặt việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân; theo dõi các vị trí có nguy cơ phân lô bán nền. Giám sát chặt chẽ hoạt động san ủi đất, cải tạo mặt bằng lấn chiếm đất trái phép (đặc biệt là các khu vực xung quanh hoặc khu vực đất lâm nghiệp, khu vực chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…). Kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý, giải tỏa, ngăn chặn các hoạt động tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng mới phát sinh, các trường hợp phân lô bán nền trái pháp luật.
THỤY TRANG