Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, thời gian qua, huyện Đam Rông còn triển khai nhiều giải pháp để ổn định tình hình dân di cư tự do...
Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, thời gian qua, huyện Đam Rông còn triển khai nhiều giải pháp để ổn định tình hình dân di cư tự do. Và, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vấn đề quản lý, ngăn dòng dân di cư tự do càng được địa phương này đẩy mạnh.
|
Tuyên truyền công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ là việc làm thường xuyên trong vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông (ảnh chụp trước ngày 16/3) |
Quản lý chặt dân cư
Đam Rông hiện có trên 74% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), bao gồm người dân tộc gốc Tây Nguyên và đông bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Dân di cư tự do sống thành từng nhóm rải rác trong rừng sâu, tập trung nhiều nhất trong các tiểu khu trên địa bàn xã Liêng S’rônh. Theo tài liệu của UBND huyện Đam Rông, trong 10 năm trở lại đây, huyện Đam Rông đã có trên 1.300 hộ dân với trên 7.000 nhân khẩu đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang... di cư tự do vào. Người dân sống thành từng nhóm rải rác trong rừng sâu để tránh sự quản lý của pháp luật, tập trung nhiều nhất tại các tiểu khu 178, 179, 180 xã Liêng S’rônh, xã Rô Men, Phi Liêng và Đạ K’Nàng... Bởi vậy, việc tuyên truyền các vấn đề nói chung và phòng, chống dịch bệnh nói riêng ở khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Đam Rông cho biết: Trong các biện pháp được triển khai đồng bộ, huyện đặc biệt chú trọng công tác giám sát những trường hợp về địa bàn huyện từ những vùng có dịch, người cư trú ở các địa bàn giáp ranh với địa phương có dịch trước khi về cư trú ở huyện.
Theo số liệu thống kê, hiện Đam Rông đang theo dõi, giám sát 242 trường hợp là người dân từ các địa bàn khác đến hoặc người dân địa phương di chuyển về từ các địa bàn khác trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn. Hiện, cơ quan chức năng huyện Đam Rông đã tăng cường nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ dân cư trên địa bàn. Đặc biệt là sự biến động dân cư trong các vùng dân di cư tự do sinh sống.
Ngay khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, thực hiện các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ huyện đến xã, đồng thời huy động các nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 10 ban chỉ đạo. Ngoài ra, Đam Rông cũng đã thành lập các tổ phản ứng nhanh tại các thôn, thường xuyên cập nhật theo dõi, giám sát những trường hợp về địa bàn xã từ những vùng có dịch COVID-19. Số lượng người cần theo dõi, giám sát này có ở cả 8/8 xã, bởi vậy huyện Đam Rông đã yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát để nắm chắc mọi tình huống có thể xảy ra.
Đẩy mạnh tuyên truyền, siết chặt kiểm tra
Tuyên truyền hiện đang là giải pháp địa phương này đẩy mạnh trong phòng dịch; nhất là trong các cộng đồng dân cư sinh sống hay làm nương rẫy ở khu vực rừng sâu, không tiếp cận được với các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Liêng Hót Ha Hai, các công văn về việc triển khai công tác phòng, chống dịch liên tục được huyện ban hành và triển khai thực hiện ở xã, thôn. Theo đó, các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến cáo cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài hệ thống truyền thanh phát liên tục 3 lần/ngày, cán bộ y tế huyện, xã, thôn đã đến trực tiếp các thôn, buôn phát 10.000 tờ rơi, 12 đĩa CD cho các khu dân cư và cung cấp áp phích cho 8/8 xã để tuyên truyền cho Nhân dân về phòng, chống dịch. Để tăng hiệu quả tuyên truyền, huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương linh hoạt trong thực hiện bằng nhiều hình thức với nội dung ngắn gọn, để bà con dễ hiểu, dễ ghi nhớ. Nêu gương để lan tỏa những việc làm tốt trong công tác phòng, chống dịch; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Song song với đó, đội ngũ làm công tác tuyên truyền cũng cần động viên tư tưởng Nhân dân để bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc và làm những việc sai, trái với quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch của huyện Đam Rông cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các địa phương về triển khai các nội dung phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả cho thấy, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo và bình ổn giá. Cán bộ, công chức, viên chức đa phần làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan,… mới lên làm việc tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, chất lượng triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 của từng xã khác nhau. Đơn cử như, Ban chỉ đạo xã Rô Men đã tổ chức truyền thông tại hộ gia đình, tập huấn cho ban nhân dân các thôn, kịp thời khoanh vùng, giám sát người đi từ vùng có dịch về địa phương cư trú. Bên cạnh đó, vẫn còn một số xã chưa xây dựng kế hoạch về đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona như Đạ Rsal, Đạ M’Rông, Phi Liêng, hoặc có xây dựng nhưng chưa đầy đủ các cấp độ phòng, chống dịch như xã Đạ K’Nàng.
Quan trọng hơn hết, hiện không ít người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 và tầm quan trọng của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Điều này đặt ra nhiều nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị của Đam Rông trong đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phương án phòng, chống dịch COVID-19.
HOÀNG MY