Sau 1 năm vận động "Chống rác thải nhựa" bước đầu đã có những kết quả tích cực trong tỉnh, tuy nhiên vẫn cần có những bước đi với các giải pháp cụ thể hơn để phát huy được hiệu quả phong trào này.
Sau 1 năm vận động “Chống rác thải nhựa” bước đầu đã có những kết quả tích cực trong tỉnh, tuy nhiên vẫn cần có những bước đi với các giải pháp cụ thể hơn để phát huy được hiệu quả phong trào này.
|
Các thành viên của Báo Lâm Đồng tại lễ ra quân “Chống rác thải nhựa” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại thành phố Đà Lạt trong năm 2019. |
Đẩy mạnh truyền thông
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đơn vị này làm rất tốt trong thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” của tỉnh thời gian qua chính là phối hợp với các ngành, các cấp các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông, vận động.
Cụ thể, trong năm 2019, Sở đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và giảm thiểu sử dụng, phát thải các sản phẩm nhựa, ni lông trên địa bàn của 2 huyện Lạc Dương, Đức Trọng; phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh tổ chức nhiều buổi nói chuyện với học sinh các cấp tại 10 trường học trên địa bàn Đà Lạt về bảo vệ môi trường, vận động học sinh giảm sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày.
Tại Đà Lạt, thành phố đã tổ chức chương trình đổi chất thải lấy quà tặng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó, nhiều xã, thị trấn trong tỉnh cũng tổ chức các hội thảo, tập huấn chương trình “Chống rác thải nhựa, phân loại, xử lý rác thải ” áp dụng tại khu dân cư, trong sinh hoạt và tại hộ gia đình; tổ chức cho người dân trên địa bàn ký cam kết thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hầu hết các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh đã yêu cầu các phòng ban, đơn vị trực thuộc không sử dụng bao bì nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, không sử dụng nước đóng chai nhựa, ống hút nhựa, ly nhựa trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp. Nhiều đơn vị đã đưa nội dung thực hiện giảm rác thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động gắn với các phong trào thi đua.
Riêng trong ngành Y tế, hầu hết các đơn vị đã thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng nguồn, số lượng phát sinh chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị mình, đồng thời tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa - phòng, chủ đơn vị cung cấp dịch vụ.
Cần những giải pháp cụ thể hơn
Một trong những điểm khó trong triển khai rộng rãi phong trào chống rác thải nhựa trong người dân, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, chính là việc tỉnh chưa thực hiện việc phân loại tại nguồn trong thu gom rác thải sinh hoạt hiện nay. Hầu hết người dân thường bỏ chung rác thải nhựa với rác thải sinh hoạt vào một chỗ, lượng rác thải này sau đó được thu gom và vận chuyển về tập kết, xử lý tại bãi rác; rác thải nhựa do đó hiện vẫn chưa được tách ra để tái sử dụng, gây lãng phí. Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa có nguồn kinh phí triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn cũng như chưa có tài liệu hướng dẫn tuyên truyền từ cấp trên nên các địa phương trong tỉnh gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cùng đó, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh vẫn chưa nhận thức được mối nguy hại của chất thải từ các sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng một lần; chưa tích cực tham gia phong trào chống rác thải nhựa, vẫn còn sử dụng các loại chai nhựa, ly nhựa, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các buổi họp, hội nghị, giao ban cũng như các hoạt động thường ngày trong cơ quan, đơn vị.
Ở cấp độ vĩ mô, hiện trong nước vẫn chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá bao bì, túi xách thân thiện với môi trường lưu thông trên thị trường nên khó khăn trong việc vận động, khuyến khích người dân sử dụng; giá bao bì, túi xách dễ phân hủy lại đắt hơn nhiều so với túi ni lông khó phân hủy nên việc khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng chưa hiệu quả.
Để phong trào “Chống rác thải nhựa” phát huy hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường trong dịp này đã đề nghị tỉnh nên sớm có nguồn kinh phí hỗ trợ để các địa phương trong tỉnh thực hiện các mô hình phân loại rác tại nguồn cũng như các hoạt động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, trong đó có việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa, túi nhựa; khuyến khích, vận động cộng đồng dân cư sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hình thành thói quen sử dụng hằng ngày. Với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không sử dụng vật dụng bằng nhựa một lần.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm nay vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh công tác truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức về phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trong cộng đồng dân cư; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị địa phương trong tỉnh vận động, khuyến khích giới nữ sử dụng các hình thức như xách giỏ đi chợ, mang theo hộp, cà mèn để đựng thức ăn chế biến sẵn..., tiến đến thực hiện việc nhân rộng mô hình phụ nữ nói không với túi nilon trong toàn tỉnh.
GIA KHÁNH