Giữ rừng nơi cửa ngõ Vườn Quốc gia

05:04, 03/04/2020

Xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương là địa bàn vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. Tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã trên 17.600 ha, độ che phủ rừng 90%...

Xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương là địa bàn vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. Tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã trên 17.600 ha, độ che phủ rừng 90%. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng (BVR) của địa phương này luôn là mối quan tâm đặc biệt của tỉnh, huyện và Đưng K’Nớ. 
 
Tiểu khu 26 và 27 vùng lõi Vườn Quốc gia thuộc xã Đưng K’Nớ từng bị người dân Đam Rông lấn chiếm nay đã dứt điểm giải tỏa (ảnh chụp tháng 1 năm 2016)
Tiểu khu 26 và 27 vùng lõi Vườn Quốc gia thuộc xã Đưng K’Nớ từng bị người dân Đam Rông lấn chiếm nay đã dứt điểm giải tỏa (ảnh chụp tháng 1 năm 2016)
 
Mỗi lần trở lại xã Đưng K’Nớ, trong tôi vẫn chưa hết ám ảnh bởi những chứng kiến rừng bị tàn phá 5-6 năm trước. Cháy rừng diện rộng, gỗ bị cắt cưa ngổn ngang; hết người dân huyện Đam Rông đến người dân huyện Lâm Hà đến xâm lấn Vườn Quốc gia… Bây giờ, dong xe máy vào xã, cảm giác thực sự bình yên hơn nhiều. Hai bên đường Trường Sơn Đông, ngoài những trạm của các đơn vị chủ rừng còn có những lán che tạm của nhiều người dân canh phòng cháy rừng mùa khô. 
 
Vì vậy, khi gặp Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ Thân Văn Hữu, tôi vào đề ngay: “Chào Chủ tịch, năm nay mùa khô kéo dài, xã mình đã xảy ra vụ cháy thiệt hại rừng nào chưa đấy?”. Ông Hữu khẳng định ngay: “Báo cáo anh, không chỉ mùa khô năm nay mà cả mùa khô năm ngoái chúng tôi cũng không để xảy ra vụ cháy rừng nào nhà báo ạ”. Tìm hiểu kỹ thực tế, tôi được biết, năm nay, xã được Hạt Kiểm lâm Lạc Dương bố trí hẳn một kiểm lâm địa bàn. Xã đã kiện toàn Ban Lâm nghiệp, trong đó ngoài ông Thân Văn Hữu đảm nhận Trưởng ban, Trưởng Công an xã là công an chính quy làm Phó Ban phụ trách và Trưởng Trạm quản lý BVR cũng là Phó ban. Công tác quản lý BVR ở Đưng K’Nớ được điều hành và triển khai kiểm tra, tuần tra với sự phối hợp giữa chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn, công an, Ban quản lý rừng hiệu quả hơn. Đích thân Chủ tịch Thân Văn Hữu hàng tuần đến tận các tiểu khu nắm bắt tình hình và chỉ đạo. Năm 2019, UBND xã phối hợp với Trạm Quản lý BVR Đưng K'Nớ tổ chức kiểm tra 11 lượt; tiến hành giải tỏa nóng 4 lần tại hai vị trí thuộc Tiểu khu 41 và 63 với tổng diện tích là 9.200 m2. Các đối tượng trên địa bàn đều được cơ quan chức năng nắm chắc để quản lý. 
 
Dân số của xã Đưng K’Nớ có 532 hộ, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90%; tổng nhân khẩu 2.900 người. Toàn xã có diện tích giao khoán BVR hơn 13.404 ha, cho 472 hộ, bình quân mỗi hộ khoảng 28,3 ha. Hộ nào để mất rừng do không làm tròn nhiệm vụ như cam kết hợp đồng, xã kiên quyết đề nghị cắt hợp đồng (năm 2019 cắt hợp đồng 2 hộ). Công tác phòng cháy chữa cháy rừng triển khai đến các tổ, đặc biệt là tuần tra, kiểm tra duy trì và nghiêm túc. Mặc dù nguy cơ cháy rất cao nhưng xã xây dựng kế hoạch kỹ để triển khai. Khi tôi có mặt tại xã, công an xã, kiểm lâm địa bàn, cán bộ địa chính và chủ rừng đang đi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và BVR. Cùng với việc giao khoán quản lý BVR, nhiều giải pháp nâng cao sinh kế khác để không gây áp lực lên rừng cũng đã được triển khai thực hiện đồng bộ. Đó là, chính quyền xã làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân triển khai các mô hình phát triển kinh tế nông hộ như nuôi trồng nấm hương, phát triển chuối Laba, chăm sóc cây cà phê. Nhà nông tạo sản phẩm, doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm... Xã đang tính tới các đơn vị làm du lịch trên địa bàn để bao tiêu các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mĩ nghệ của người dân. Hiện Đưng K’Nớ còn 60 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,3% và 118 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 22,2%. Thu nhập bình quân đầu người 27 triệu đồng/ năm; năm 2020 mục tiêu là 30 triệu đồng/năm.
 
Khó khăn của Đưng K’Nớ là nằm trên lâm phần cả vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia, trong lúc tình trạng khá nhiều người dân huyện Lâm Hà và Đam Rông di cư tự do đến xâm chiếm rừng. Xã yêu cầu người dân viết cam kết không tác động vào rừng; tích cực tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu có diện tích người dân đang sản xuất nông nghiệp thì yêu cầu phải giữ nguyên trạng của rừng cũ, tuyệt đối không được xâm lấn mở rộng diện tích và dứt khoát không cho họ ở lại. Khi phát hiện, xã đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà thanh lý hợp đồng nhận khoán quản lý BVR. Những biện pháp này vừa tuyên truyền giáo dục, vừa răn đe tiềm ẩn vi phạm khác. Vấn đề còn là sự phối hợp chặt giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, chủ rừng và các xã lân cận, đặc biệt là thông tin trong giao ban. Năm 2019, ở Đưng K’Nớ chỉ xảy ra 2 vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp, đó là cất giữ 1,322 m3 gỗ trái phép. Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý thu tang vật và phương tiện vi phạm của đối tượng. Cả năm 2019 và quý I năm 2020, địa bàn Đưng K’Nớ chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. 
 
Mặc dù Đưng K’Nớ đối diện không ít khó khăn như địa bàn quản lý và phối hợp rất xa, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm mỏng, trạm quản lý rừng từ 2 gom về 1, nhưng đồng bộ các bên kiên quyết làm bằng được, đó là khẳng định của Chủ tịch Thân Văn Hữu. Ông cũng mong muốn tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ban, ngành của huyện với xã, nhất là lúc cần có sự chi viện kịp thời và xử lý các trường hợp vi phạm. 
 
MINH ĐẠO