Kiến nghị của cử tri Lâm Đồng được Trung ương giải quyết

06:04, 29/04/2020

Rất nhiều kiến nghị của cử tri Lâm Đồng được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiến nghị, chất vấn tại kỳ họp thứ 8 vừa qua...

Rất nhiều kiến nghị của cử tri Lâm Đồng được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiến nghị, chất vấn tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Ngay sau kết thúc kỳ họp, các kiến nghị đã được bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết, đáp ứng mong đợi của cử tri, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
 
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH và các ĐBQH Lâm Đồng luôn kịp thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri Lâm Đồng để kiến nghị Quốc hội, bộ, ngành Trung ương giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng cho Nhân dân.
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH và các ĐBQH Lâm Đồng luôn kịp thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri Lâm Đồng để kiến nghị Quốc hội, bộ, ngành Trung ương giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng cho Nhân dân.
 
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các chất vấn của ĐBQH tập trung vào các vấn đề nóng, có nhiều ảnh hưởng tới quyền lợi, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Qua đó, các nội dung tập trung vào sự chồng chéo, vướng mắc trong hệ thống pháp luật ngành xây dựng; các tồn tại, bất cập trong lập và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị; các điểm nghẽn trong quản lý và phát triển đô thị (ngập úng, ách tắc giao thông); đầu tư xây dựng công trình và tình trạng vi phạm trật tự xây dựng; các chính sách nhà ở an sinh; quản lý và phát triển thị trường bất động sản… và Lâm Đồng cũng không nằm ngoài những bất cập đó.
 
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đã phản ánh tiếng nói của cử tri tại diễn đàn Quốc hội đó là: “Cử tri phản ánh tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng xảy ra nhiều trong phạm vi cả nước những năm qua gây bức xúc dư luận. Cử tri cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành tổng kiểm tra rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với các đối tượng vi phạm”.
 
Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 59 ngày 6/1/2020 trả lời cử tri và ĐBQH Lâm Đồng có nội liên quan như sau: Ngày 27/11/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 139 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động lập, phê duyệt dự án, khảo sát, thiết kế, dự toán, thi công, giám sát thi công. Đồng thời, Chính phủ cũng đã quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Bộ Xây dựng, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng. Qua đó, nhiều sai phạm đã được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm minh. 
 
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố từ năm 2011 - 2018, số vụ vi phạm đã giảm trung bình 11,8%/năm, tương đương 1.100 vụ/năm. 
 
Về cơ bản, các vi phạm đã được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, làm rõ và xử lý kỷ luật của tập thể, cá nhân sai phạm, thu hồi về ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, đặc biệt góp phần chấn chỉnh tình hình quản lý trật tự xây dựng đô thị trong cả nước. 
 
Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp, còn nhiều vi phạm như xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch. Chưa nghiệm thu hoàn thành công trình đã đưa công trình vào sử dụng, gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận xã hội. Nguyên nhân chính trong những vi phạm về xây dựng là do công tác quản lý nhà nước còn một số hạn chế, công tác quy hoạch chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời. Một số cơ quan quản lý xây dựng và thanh tra xây dựng chưa làm hết trách nhiệm, một số sai phạm chưa được sớm xử lý và xử lý chưa kiên quyết, một số chủ đầu tư xây dựng công trình đã không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng. Điều này, hiện nay tại Lâm Đồng, nhất là thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, những sai phạm mà báo chí đã phản ánh hiện đã và đang tiếp tục được cơ quan chức năng giải quyết, xử lý nghiêm minh.
 
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ như: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu về quản lý công trình xây dựng. Khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cán bộ, công chức được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm....”.
 
Cũng liên quan đến nội dung xử lý vi phạm trật tự xây dựng, qua phản ánh bức xúc của cử tri và Nhân dân Lâm Đồng, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cũng đã đặt câu hỏi chất vấn gửi đến cơ quan chức năng, cụ thể: “Cử tri đề nghị rà soát, xem xét và sớm có sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 139 ngày 27/11/2017 của Chính phủ, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cả nước, cụ thể như việc cắt điện, cắt nước tại các công trình sai phạm; quy định cơ quan ra quyết định xử phạt là cơ quan thực hiện cưỡng chế là khó thực hiện...”. Về nội dung này, Bộ Xây dựng cũng đã trả lời kiến nghị của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng như sau: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39 ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.Thực hiện kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 22/3/2019, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 551 gửi Bộ Tư pháp, trong đó kiến nghị, bổ sung biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính trong Luật xử lý vi phạm hành chính: “Đình chỉ thi công xây dựng, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, cấm phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng đối với tổ chức, cá nhân đã bị người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm”.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã trả lời xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri Lâm Đồng và sẽ tiếp tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện văn bản, quy phạm pháp luật của ngành xây dựng. Bộ cũng mong muốn sẽ được tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của cử tri, Nhân dân và ĐBQH trong thời gian tới.
 
NGUYỆT THU