Nắng hạn kéo dài cùng với dịch COVID-19 hoành hành, rừng luôn trong tình trạng tiềm ẩn bị cháy và bị phá...
Nắng hạn kéo dài cùng với dịch COVID-19 hoành hành, rừng luôn trong tình trạng tiềm ẩn bị cháy và bị phá. Nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng triển khai rất tích cực nên huyện Di Linh giảm sâu về số vụ vi phạm với 70% trong 3 tháng đầu năm 2020.
|
Xác định tọa độ |
Đường khó lòng người không khó
Hơn 8 giờ sáng, sau khi thống nhất kế hoạch giữa lãnh đạo UBND huyện Di Linh, Hạt Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận (Công ty Bảo Thuận), chúng tôi lên đường. Trưởng đoàn, Phó Hạt Nguyễn Văn Thơi; Phó đoàn, Phó Giám đốc Công ty Bảo Thuận Lê Minh Thành. Hai chiếc ô tô u-oát rẽ phải theo hướng núi Brăn Yàng tiến sâu vào rừng. Ở độ cao đứng thứ nhì Nam Tây Nguyên, hơn 1.850 mét, Brăn Yàng lừng lững choàng bóng yên bình xuống những ngôi nhà của cộng đồng người K’Ho. Thượng nguồn hồ KaLa cạn kiệt, những nhánh suối từ rừng xanh đổ về ngày nào dào dạt sóng giờ chỉ còn những vệt nước lấp xấp, trẻ con loi ngoi tìm cá. Lòng hồ nứt nẻ, cây khô trơ giữa nắng nỏ cả 4 mét.
Chiếc xe 2 cầu “già cả”, đường rừng “hành” nhiều, các bộ phận rơ lỏng kêu lạch cạch. Cửa bên phải bung chốt, kiểm lâm Phạm Thái Sơn nhường chỗ cho tôi để giữ. Xe luồn giữa 2 vách núi cao 4-5 mét, đất ba-zan nhuộm đỏ. “Phía sau anh ngồi đầy đủ các thứ xoong nồi, bát đũa, võng bạt... Luôn sẵn sàng, có lệnh là đi ngay đấy”, anh Thơi chia sẻ với tôi. Xe chao đảo, chồm lên, hất ngược để trườn qua vô số đá lớn. Rồi sục xuống đoạn lầy, mọi người lấy gỗ kê bánh “hà hơi tiếp sức” cho lão già u-oát... Kiểm lâm Võ Ngọc Dũng hết ghì lại xoay nhanh vô lăng dìu xe qua suối, lên xuống dốc ngoằn ngoèo bên ta luy âm hun hút. Chúng tôi bám chặt thành xe và quan sát các hướng rừng.
Tiếp tục vạch lá lội bộ. Chạm suối Da Riam, nước trong veo, rì rào qua đá, bào vẹt mấy thân cây lớn khô mắc kẹt. Rừng lá rộng, rất nhiều cổ thụ. Những cây ưa sáng, vươn cao 30 m, đường kính 70 cm đến gần 1 m như Dẻ đỏ, Chò sót, Bạch tùng,... Mọi người ngửa mặt hút hồn với thảm thực vật tự nhiên thì anh Thơi nói vang lên: “Có vắt nhiều đấy...!”. Lũ vắt đói đã lổm ngổm bám chặt khắp cánh tay và chân chúng tôi. Với kiểm lâm Rơ ông K’Brít thì đây là lúc phát huy tri thức dân gian, thể hiện khả năng sinh tồn. Anh tranh thủ hái rau rừng: ngọn dền, lá bép, lá mạ xưa,...
Chúng tôi dừng lâu ở Khoảnh 4, Tiểu khu 697 để định vị bằng thiết bị GPS và bản đồ. Qua rừng lá rộng và hỗn giao, khu vực này trạng thái rừng lá kim. Bạt ngàn thông 3 lá tái sinh, độ tuổi 60-70 năm, nhiều gốc có đường kính 80-90 cm. Rừng sau thời gian mấy chục năm khai thác nay phủ xanh thế này mới biết thành quả của bảo vệ. Không có sóng điện thoại, nhưng lợn rừng thì có. Chúng vừa đến, đất ủi lên còn tươi màu. Gió reo ngọn cây, tiếng chim muông líu lo... Tín hiệu của những cánh rừng bình yên. Chúng tôi xuyên thẳng hướng Đông Nam, dừng lại nơi giáp ranh: Khoảnh 7, Tiểu khu 698 và Khoảnh 8, Tiểu khu 697. Chỗ này người đi rừng gọi là dốc khuỷu tay, vì lối đi men theo đường đồng mức, cua tròn nhiều tầng bậc. Núi Ông lừng lững hùng vĩ. Dông núi là ranh giới, bên này lâm phần Công ty Bảo Thuận, bên kia lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, địa bàn xã Gia Bắc, Sơn Điền...
|
Vượt dốc tuần tra |
Kẻ vô người ra hỏi tra ghi chép
Đó là phương châm làm việc của lực lượng chuyên trách và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) tại các trạm, các chốt của Công ty Bảo Thuận. Đơn vị điển hình làm tốt về BVR nhiều năm nay. Tổng diện tích của Công ty quản lý bảo vệ 19.090 ha, trong đó rừng trồng 582 ha và 18.508 ha là rừng tự nhiên (829 ha rừng phòng hộ, còn lại rừng sản xuất). Lâm phần chủ yếu thuộc xã Bảo Thuận và 43 ha thuộc xã Đinh Lạc. Rừng giáp ranh có đến hơn 50 km, gồm xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (lâm phần 2 Công ty Lâm nghiệp Di Linh và Tam Hiệp). Diện tích rộng, địa hình rất phức tạp, Công ty Bảo Thuận thành lập 3 đội BVR, mỗi đội chia các chốt gồm 4-5 người Công ty và các chốt của hộ nhận khoán, mỗi chốt 6 người. Tất cả các trạm, chốt hoạt động 24/24 giờ.
Trạm KaLa do anh Nguyễn Hữu Sa 40 tuổi làm đội trưởng. Kiểm lâm địa bàn K’Mess và mấy người vừa đi rừng về. Đội bảo vệ 6,5 ha rừng thuộc nhiều khoảnh của các tiểu khu: 697, 698, 699, 706, 707, 720, 721... Xa nhất khoảng 20 km, giáp đội Dốc Vắt. Phó Giám đốc Lê Minh Thành cho biết, để cùng “chia lửa” gian khổ thiếu thốn, 15 ngày là xoay tua luân chuyển giữa các thành viên và đội phó. Đội KaLa đóng ở cửa rừng, khá thuận lợi, nhà xây, điện mặt trời, tivi... Đội Dốc Vắt ở Tiểu khu 743, giữa rừng sâu, giáp tỉnh Bình Thuận, mùa mưa đi xe máy phải quấn xích; mùa nắng, giếng cạn, anh em chở từng can về và dùng tiết kiệm tối đa. Chúng tôi vừa đến đội KaLa mấy phút thì cậu Mô Lôm Jiõn từ đội Dốc Vắt ra tăng cường. Trai trẻ thế mà xuyên rừng gần 4 tiếng đồng hồ mới thấu!
Tôi tranh thủ đến cửa rừng, nơi có bảng xây to với dòng chữ “Phòng cháy chữa cháy bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân”. Bên cần barie là chòi nhỏ, 4 cột đỡ tấm tôn, 4 mặt trống để quan sát. 4 thiếu niên của các hộ nhận khoán thôn B’Sụt là K’Brối, K’Brep, K’Sun và K’Minh trực. Bên chiếc gùi treo cột là tờ giấy khổ lớn do Công ty Bảo Thuận treo nghiêm ngắn. Đó là Thông báo “nghiêm cấm người và các loại xe không phận sự vào rừng”, bao gồm người đi bắt cá, du lịch, tham quan, xe các loại... Những người BVR vô ra đều được hỏi và ghi sổ nhật ký kỹ càng, làm cơ sở để truy xét vụ việc liên quan lúc cần thiết. Chúng tôi đến chốt trực khác nằm chân núi Jăng Don. Chốt được cất nếp nhà ván nhỏ, có ván ngủ và bếp nấu, nhưng lâm phần giáp đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Tại chốt có 5 hộ nhận khoán là K’Brìn, K’Roh, K’Bit, K’Brdau, K’Bip và K’Minh là thành viên thuộc tổ phòng cháy chữa cháy rừng. K’Minh còn là dân quân tự vệ xã, cùng 4 người khác hợp đồng với Hạt Kiểm lâm, anh ở lại đêm với các hộ nhận khoán để hỗ trợ. Nhóm trưởng K’Brìn nói: “Có cháy nhỏ thì tự chữa, nếu cần thì báo cho Công ty ngay. Giáp ranh đã cắm mốc hết rồi. Thường xuyên cùng đội của Công ty tuần tra nên lâu rồi họ không lấn lên nữa”.
Nếu như khó khăn ở ngoài này là chống lấn đất lâm nghiệp thì những chốt trong rừng sâu luôn tiềm ẩn lâm tặc phá rừng.
Chúng tôi ghé thăm chốt Tiểu khu 697, nhóm hộ 5 người đang trực: K’Ba, K’Tý, K’Brối, K’This và K’Ni. Dĩ nhiên thiếu nhiều bề. Lán gác tạm tấm bạt, bếp ghép mấy hòn đá, giường là võng treo sát nhau. Đêm, khí rừng xuống lạnh thấu xương, họ nhóm lửa sưởi ấm và xua đuổi muông thú rồi âm thầm đi tuần rừng. Rừng không thuộc diện hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường nên giá khoán chỉ 400.000 đồng/ha/năm. Nhưng trách nhiệm rất nặng nề, để mất rừng là bị cắt hợp đồng nhận khoán. Về huyện, tôi chia sẻ thông tin này với lãnh đạo UBND huyện Di Linh, Chủ tịch Trần Đình Sỹ nói ngay với Phó Chủ tịch Trần Nhật Thi xem xét có thể hỗ trợ bà con làm lán. Tôi thật sự vui! Cũng như các chốt khác, sau 8 ngày đêm là có ca trực khác thay thế. Nhóm trưởng K’Ba đưa tôi cuốn sổ ghi nhật ký của các ca trực với nội dung rất rõ ràng: người bàn giao, người nhận, chấm công từng người mỗi ngày, nhận xét của bên giao, bên nhận và lời đánh giá ưu khuyết điểm của Đội quản lý BVR KaLa, để uốn nắn kịp thời, cập nhật diễn biến rừng chính xác. Như vậy rừng mới bình yên được mỗi ngày.
|
Đội chốt cửa rừng |
Quyết liệt và đồng bộ là thành công
Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Nhật Thi cho biết: Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, lãnh đạo huyện, nhất là Chủ tịch Trần Đình Sỹ chỉ đạo đến mỗi đơn vị và địa phương liên quan tích cực nhiệm vụ BVR. Khi khu vực giáp huyện Đức Trọng có rục rịch manh động, ngành chức năng kịp thời ngăn đuổi ngay. Di Linh có 2.307 hộ (đồng bào dân tộc thiểu số là 2.096 hộ) và 8 tập thể nhận khoán BVR, tổng diện tích hơn 74.250 ha, chiếm khoảng 90% diện tích rừng trên toàn huyện. Trung bình mỗi hộ nhận 20 ha; tổng kinh phí chi trả các hộ 21,2 tỷ đồng/năm.
Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đều giảm năm sau so với năm trước cả 3 tiêu chí: số vụ vi phạm, diện tích bị lấn chiếm và số lượng lâm sản bị thiệt hại.
Riêng số vụ vi phạm giảm bình quân từ 20-30%; đầu nhiệm kỳ 194 vụ, cuối nhiệm kỳ còn hơn 50 vụ, giảm 50%; mấy tháng đầu năm 2020 giảm 70% so cùng kỳ năm 2019. “Di Linh cố gắng làm sao giữ rừng hiện có, cố gắng xử lý những tồn tại”, ông Trần Nhật Thi nói.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Di Linh Nguyễn Đình Thắng cho biết, 3 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo UBND huyện tổ chức kiểm tra rừng tại khu vực Ka Tường, vùng giáp ranh tại các tiểu khu từ 725 đến 729... Lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng kiểm tra, phát hiện lập biên bản và xử lý 3 vụ vi phạm, giảm 7 vụ so cùng kỳ năm 2019. Chung tay giữ rừng là cả hệ thống chính trị và toàn dân. Kịp thời, đồng bộ, quyết liệt và thực chất trong tất cả các hoạt động liên quan là những yếu tố làm nên những cánh rừng xanh. Mục sở thị những núi Bà, núi Ông, núi Brăn Yàng, núi Jăng Don... ngút ngàn màu xanh, tôi thầm cảm ơn và trân quý những công lao đang hiện hữu nơi những cánh rừng Di Linh...
Tháng 4 năm 2020
Phóng sự: MINH ĐẠO