Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng như diện tích và khối lượng lâm sản bị thiệt hại liên tục giảm qua các năm, tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng là những kết quả nổi bật từ nỗ lực giữ rừng của huyện Bảo Lâm.
Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng như diện tích và khối lượng lâm sản bị thiệt hại liên tục giảm qua các năm, tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng là những kết quả nổi bật từ nỗ lực giữ rừng của huyện Bảo Lâm.
|
Tuần tra quản lý, bảo vệ rừng ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm). |
Vi phạm liên tục giảm
Xã Lộc Tân là một trong những đơn vị có diện tích đất lâm nghiệp lớn trên địa bàn huyện Bảo Lâm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua. Trên địa bàn xã có 8 đơn vị chủ rừng, quản lý 6.800 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, ngoài đơn vị chủ rừng Nhà nước là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri ký hợp đồng giao khoán bảo vệ, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 280 hộ dân với kinh phí 800 triệu đồng/năm, còn có Công ty TNHH Tân Liên Thành thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng rất tốt, đơn vị đã thực hiện trồng rừng và sản xuất chế biến gỗ, hàng năm đóng góp cho ngân sách huyện trên 700 triệu đồng...
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, qua 5 năm, UBND xã đã 37 lần phối hợp kiểm tra, truy quét. Qua kiểm tra đã xử lý và đề xuất huyện xử lý nhiều vụ vi phạm; kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo công tác quản lý và bảo vệ rừng, công tác tuần tra, kiểm tra của các đơn vị chủ rừng. Nhờ đó, tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm. So với năm 2015, số vụ của năm 2019 giảm 33 vụ, tương đương giảm 94%; lâm sản thiệt hại giảm 214 m3, tương đương giảm 99%. Trong 5 năm, UBND xã Lộc Tân đã chủ động phối hợp với đơn vị chủ rừng, các ngành chức năng xây dựng phương án và tổ chức giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng.
Toàn huyện Bảo Lâm có trên 81.000 ha rừng, chiếm 55,88% tổng diện tích tự nhiên. Trong 5 năm (2015 - 2019), công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện được thực hiện khá tốt nên số vụ vi phạm, diện tích và lâm sản thiệt hại đều giảm qua từng năm. Nếu như năm 2015 số vụ vi phạm là 258 vụ, diện tích thiệt hại 27,9 ha thì đến năm 2019 số vụ vi phạm chỉ còn 48 vụ, diện tích thiệt hại 6,1 ha. Trong 5 năm, đơn vị chức năng của huyện cũng đã khởi tố điều tra 27 vụ/51 bị can. Đến nay, toàn huyện không xảy ra điểm nóng về phá rừng trên địa bàn. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng ngày càng được quan tâm thực hiện quyết liệt hơn nên số vụ cháy rừng giảm 83%, diện tích cháy rừng giảm 45% so với giai đoạn 2010-2014.
Ông Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Huyện Bảo Lâm có diện tích rừng lớn, địa bàn giáp ranh rộng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, các vụ vi phạm đều được xử lý triệt để, không có vùng cấm. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Lâm khóa V đã ban hành Nghị quyết 03 ngày 29/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Đây là cơ sở giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện được thực hiện quyết liệt và nghiêm túc.
Tỷ lệ che phủ rừng tăng
Đến hiện tại, UBND huyện Bảo Lâm đã hoàn thành việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn để làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn tiếp theo. Huyện cũng đã triển khai việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và chứng nhận hệ thống quản lý cho các đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp tại địa phương. Trong thời gian qua, các ngành chức năng của huyện đã thực hiện giải tỏa gần 432 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng; tổ chức trồng mới rừng được hơn 660 ha, trồng trên 9.000 cây phân tán các loại. Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được quan tâm thực hiện với diện tích cũng như số tiền chi trả ngày càng tăng, diện tích giao khoán đến năm 2019 là 61.617 ha, tăng hơn 12.000 ha so với năm 2014.
Huyện Bảo Lâm có 52 doanh nghiệp ngoài nhà nước nhận đất, nhận rừng. Trong thời gian qua, huyện thường xuyên kiểm tra; đồng thời, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thu hồi các dự án đầu tư liên quan đến lâm nghiệp không hiệu quả, để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đến nay, đã thu hồi toàn bộ 7 dự án và 1 rừng cộng đồng, 2 dự án thu hồi một phần diện tích liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp với diện tích trên 1.220 ha, giao lại cho chủ rừng nhà nước quản lý, bảo vệ. Đặc biệt, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 54,5%, tăng 1,5% so với năm 2015. Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của huyện trong cả giai đoạn 2015-2020.
Trong thời gian tới, UBND huyện Bảo Lâm đặt ra mục tiêu giữ vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng trồng mới, phấn đấu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 55%; phấn đấu hàng năm giảm 20% về số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp so với năm trước ở cả 3 mặt; từng bước khôi phục và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ rừng; hàng năm trồng rừng khoảng 200 ha, trồng mới 2.000 cây phân tán các loại; không để xảy ra cháy rừng; không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn; thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, gắn chặt trách nhiệm của các hộ nhận khoán với công tác quản lý, bảo vệ rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.
Ông Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Để đạt các mục tiêu trên, huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp, như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; quán triệt các qui định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng không những đến các chủ rừng, các doanh nghiệp nhận đất, nhận rừng mà còn đến được người dân, nhất là người dân sống, canh tác gần rừng, cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Thường xuyên, liên tục tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, bám sát địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Rà soát lại toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để yêu cầu các chủ rừng xây dựng kế hoạch giải tỏa và trồng lại rừng trong mùa mưa năm 2020. Tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng” trên địa bàn huyện...
ĐÔNG ANH