Hành trình nỗ lực giảm nghèo

06:05, 08/05/2020

Hơn 4 năm qua, với nhiều nỗ lực trong thực hiện, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả ở huyện Lạc Dương. Đó thực sự là điểm tựa để khơi dậy ý chí vươn lên của chính người nghèo.

Hơn 4 năm qua, với nhiều nỗ lực trong thực hiện, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả ở huyện Lạc Dương. Đó thực sự là điểm tựa để khơi dậy ý chí vươn lên của chính người nghèo.
 
 Nhiều người dân đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững
Nhiều người dân đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững
 
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương phấn khởi nói rằng, việc các xã về đích nông thôn mới (NTM), trong đó có sự đóng góp rất lớn về nguồn lực từ chương trình giảm nghèo. Và, việc giảm nghèo ở Lạc Dương có thể thấy rõ nhất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hiệu quả của chương trình này được minh chứng bằng việc 5, 10 năm về trước có thôn bà con còn đói ăn, thì nay, không khó để tìm thấy nhà lầu, xe hơi trong các gia đình người DTTS. Nhiều điển hình nổi lên trong sản xuất kinh doanh cũng là con em các DTTS, nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là sự đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội đã dần được nâng cao. Các thôn, buôn đường sá khang trang, sạch đẹp... Qua rồi những ngày trồng lúa rẫy, bắp rẫy, bà con nay đã dựng nhà kính, sản xuất rau hoa, trồng dâu tây thương phẩm. Các doanh nghiệp đến đầu tư ở Lạc Dương và họ còn trở thành công nhân trong ngành nông nghiệp. Tất cả đó là trái ngọt từ công cuộc đẩy lùi cái nghèo mà nhiều năm qua chính quyền địa phương và cả người dân đều rất nỗ lực.
 
Nói về nỗ lực đẩy lùi cái nghèo hơn 4 năm qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Cil Poh nhấn mạnh việc huyện Lạc Dương luôn tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững. Theo đó, việc hỗ trợ giảm nghèo được tiến hành theo hai kênh: Vừa hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo sự liên kết, thông thương hàng hóa, đồng thời có cơ chế để người nghèo tiếp cận được nguồn vốn, tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ chi phí học tập cho con em hộ nghèo, cải thiện nhà ở, môi trường và nước sinh hoạt... giúp người nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 tại Lạc Dương gần 28 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương chiếm 80,7%; ngân sách tỉnh chiếm 8,6%; ngân sách huyện chiếm 5,8% và 4,9% là nguồn vốn đối ứng của dân. Nguồn vốn này để thực hiện các dự án: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, đã có 24 hạng mục, công trình giao thông, nước sinh hoạt… được đầu tư xây mới, 7 công trình hạ tầng được duy tu bảo dưỡng. Ngoài ra, còn có các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo được tập trung hỗ trợ bà con nghèo người DTTS ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như xã Đạ Chais và xã Đưng K’Nớ. Việc triển khai hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất, chăn nuôi của người dân; khả năng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên đã góp phần tăng thu nhập cho người dân.
 
Cũng theo ông Cil Poh, thực tiễn triển khai các chương trình giảm nghèo cho thấy nguồn vốn được phân bổ cho việc giảm nghèo tại các địa phương còn hạn chế. Bởi vậy địa phương này đã tiến hành giải pháp tăng cường truyền thông về giảm nghèo, nhằm thu hút sự tham gia của xã hội, tăng nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo thông qua các chương trình, nhất là Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Quỹ vì người nghèo... 
 
Quy trình triển khai hỗ trợ cho hộ nghèo được tiến hành chặt chẽ. Cụ thể, những hộ dân được thụ hưởng đã được rà soát theo nhu cầu đăng ký; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được công khai, minh bạch, có sự phối hợp của các phòng ban chức năng và sự giám sát của các ngành, đoàn thể địa phương. Việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững lồng ghép với triển khai một số chương trình, dự án đầu tư, chương trình vay vốn ưu đãi... đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất của người dân, đặc biệt đối với các hộ có khả năng thoát nghèo hàng năm tại các xã đặc biệt khó khăn. 
 
Sau nhiều năm nỗ lực, số hộ nghèo của Lạc Dương giảm dần qua từng năm. Nếu như đầu năm 2016 số hộ nghèo toàn huyện là 847 hộ, chiếm tỷ lệ 14,5% thì đến đầu năm 2020 con số này giảm còn 224 hộ, chiếm tỷ lệ 3,3%. 
 
Cùng đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi... được đầu tư xây dựng đảm bảo cho cuộc sống người dân các địa bàn. Việc người nghèo, cận nghèo được hưởng lợi từ các dự án đầu tư về nhà ở, cây trồng, vật nuôi, BHYT, miễn giảm học phí... đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, đa số người nghèo đều có vốn để đầu tư cho sản xuất, mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên. Đây chính là yếu tố quan trọng đưa thu nhập bình quân đầu người trong năm 2019 đạt 39 triệu đồng/người/năm; dự kiến đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng 1,4 lần so với năm 2016.
 
Tuy vậy, Lạc Dương hiện vẫn còn hộ nghèo, điều đó đồng nghĩa với chương trình giảm nghèo vẫn tiếp tục được thực hiện. Những giải pháp cũ có thể sẽ không còn phù hợp trong giai đoạn 2020 - 2025 và để thích ứng cũng như mang lại hiệu quả, Lạc Dương đã xây dựng mục tiêu và giải pháp cụ thể mới để tạo nguồn lực vững chắc, tiếp tục đẩy lùi cái nghèo và quan trọng hơn nữa là ngăn việc tái nghèo trong giai đoạn 2020 - 2025.
 
HOÀNG MY