Hiệu quả tăng độ che phủ rừng từ trồng xen

06:05, 11/05/2020

Thực trạng để mất rừng trên toàn quốc một phần quan trọng do lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép để sản xuất nông nghiệp...

Thực trạng để mất rừng trên toàn quốc một phần quan trọng do lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép để sản xuất nông nghiệp. Cùng các giải pháp quản lý và bảo vệ rừng (BVR) khác nhằm tăng độ che phủ rừng, huyện Di Linh tiên phong triển khai hiệu quả công tác trồng xen trên diện tích đất lâm nghiệp đang bị xâm lấn. 
 
Kiểm lâm, chủ rừng, các hộ nhận khoán phối hợp kiểm tra rừng và đất rừng
Kiểm lâm, chủ rừng, các hộ nhận khoán phối hợp kiểm tra rừng và đất rừng
 
Theo Quyết định số 2016 ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh, huyện Di Linh có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 92.214 ha, trong đó đất chưa có rừng 8.589 ha. Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho các đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ và thực hiện các dự án trồng rừng. Bao gồm 2 ban quản lý rừng phòng hộ; 3 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 1 đơn vị lực lượng vũ trang, 1 cộng đồng dân cư và 11 doanh nghiệp ngoài nhà nước thuê. Những năm qua, công tác quản lý BVR, khôi phục lại diện tích rừng đã được Huyện ủy, UBND huyện và các ngành, đơn vị chủ rừng, địa phương quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra; nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, khó lường. Tuy tỉnh chưa ban hành văn bản mang tính pháp lý để triển khai trên toàn tỉnh, nhưng huyện Di Linh đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rừng, ngăn chặn tình trạng xâm lấn rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khôi phục phát triển rừng trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Hoạt động này đang đạt nhiều kết quả tốt, cần đúc kết và triển khai rộng.
 
Trước hết, huyện Di Linh rà soát 8.589 ha đất lâm nghiệp và có kết quả 5.004 ha bị người dân đang sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở để huyện quyết tâm trồng xen cây lâm nghiệp đa mục đích đến năm 2025 bằng Quyết định số 2191/QĐ-UBND. Với kết quả năm 2019 đã trồng được hơn 500 ha, lộ trình tiếp tục giai đoạn 2020 - 2025 sẽ trồng mỗi năm 750 ha. Theo đó, lộ trình trồng diện tích cụ thể giao từng chủ rừng và có cam kết. Nhiều giải pháp đồng thời được triển khai, bao gồm: tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là Nhân dân sống gần rừng, làm nương rẫy gần rừng cam kết không lấn rừng, lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích… Tăng cường khuyến khích phát triển nông lâm kết hợp chất lượng cao. Quản lý rừng theo quy hoạch 3 loại rừng cụ thể bằng bàn giao ranh giới rừng và đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng; thiết lập hành lang (ranh giới) rõ ràng giữa diện tích đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp; giữa diện tích đất có rừng và diện tích không có rừng (đang canh tác nông nghiệp)… Đó còn là, quyết liệt ngăn chặn và phối hợp xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; trồng rừng và khôi phục phát triển rừng; nâng cao trách nhiệm từng chủ rừng, hộ nhận khoán, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, người đứng đầu các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, doanh nghiệp ngoài nhà nước; nâng cao năng lực quản lý nhà nước… 
 
Một trong những đơn vị đang triển khai đề án trồng xen ở Di Linh đạt hiệu quả là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Tấn Địch chia sẻ: Trước khi triển khai trồng xen, Công ty phân công lực lượng đến tận từng thôn, từng hộ phối hợp với xã điều tra cụ thể đất sản xuất đang giáp ranh đất lâm nghiệp, sau đó thống nhất ranh giới và phối hợp với xã cùng cắm mốc. Ranh giới này giao cho các tổ nhận khoán BVR trực 24/24 giờ, nhắc nhở bà con và kiểm tra, giám sát. Chúng tôi thực địa khu vực núi Jăng Don kiểm chứng qua tổ nhận khoán gồm 5 hộ, Tổ trưởng K’Brìn chỉ: “Những chỗ này đã cắm mốc giáp ranh hết rồi. Tổ thường xuyên cùng đội của Công ty tuần tra nên lâu rồi họ không lấn lên nữa”. Mặt khác, Công ty cử đại diện hộ dân đến cơ sở ươm giống cùng kiểm tra và chọn cây. Nhằm triển khai kịp thời và hiệu quả, Công ty ký hợp đồng với cơ sở cung ứng giống và ứng tiền thanh toán đợt đầu thay cho các hộ dân. Đến mùa cà phê hoặc nhận tiền khoán BVR, các hộ tự nguyện thanh toán lại cho Công ty. Năm 2019, lâm phần do Công ty quản lý đã trồng xen được 30 ha cây mắc-ca.  
 
Trồng cây gì là lựa chọn có tính quyết định hiệu quả. Ngoài phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và chất lượng giống, cây phải đạt được đa mục đích, nghĩa là vừa tăng độ che phủ rừng vừa đem lại thu nhập cho dân. Huyện Di Linh đứng ra đề nghị một doanh nghiệp chuyên về cây mắc-ca hợp đồng với các chủ rừng và hộ dân, cam kết chất lượng giống, kỹ thuật canh tác và đầu ra sản phẩm… Mặt khác, phải thực hiện đầu tư theo tỷ lệ Nhà nước hỗ trợ 30% bằng giống, người dân bỏ 70% chi phí khác thì dân mới có trách nhiệm thực sự với việc trồng xen. Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Nhật Thi cho biết, huyện đang đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ một phần đối với những hộ khó khăn thật sự chứ không bao cấp 100%. Ví dụ, 50% cây giống đối với vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số; còn đối với hộ người Kinh bắt buộc phải bỏ vốn ra. Mặt khác, huyện Di Linh đồng thời tổ chức 2 đội công tác độc lập, một đội kiểm tra công tác quản lý BVR, một đội kiểm tra công tác trồng xen. “Đội vào tận các xã nắm cụ thể trồng ở đâu, bao nhiêu hộ trồng; chất lượng như thế nào… Mặc dù dân bỏ vốn nhưng không quyết liệt thì rất khó thành công. Đặc biệt là những điểm “gặm nhấm”, vùng giáp ranh càng được UBND huyện quan tâm. Ví dụ như ở xã Tân Thượng, chúng tôi cho xe múc đào sâu xuống để vạch đường ranh giới một cách rõ ràng, và dứt khoát xử lý nghiêm, kịp thời đối tượng nếu như vi phạm xâm lấn”, ông Thi nói. Thực sự chú trọng từ lãnh đạo UBND huyện; sự phối hợp chặt giữa các đơn vị, cơ quan liên quan; tính đồng bộ của các giải pháp cụ thể, mục tiêu độ che phủ rừng của huyện Di Linh năm 2025 tin rằng sẽ đạt 52% như mong muốn.
 
MINH ĐẠO