Xưa, Kon Rum - Hòa Bắc, huyện Di Linh là căn cứ cách mạng. Nay, Kon Rum - Hòa Bắc đang chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội.
Xưa, Kon Rum - Hòa Bắc, huyện Di Linh là căn cứ cách mạng. Nay, Kon Rum - Hòa Bắc đang chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội.
|
Một góc xã Hòa Bắc ngày nay |
Căn cứ cách mạng...
Trong Lịch sử Đảng bộ xã Hòa Bắc ghi, người K’Ho ở Kon Rum - Hòa Bắc giác ngộ cách mạng rất sớm. Từ năm 1954, Nhân dân Kon Rum đã xây dựng cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, quyên góp lương thực và xây dựng lực lượng bí mật hoạt động trong vùng địch kiểm soát. Theo yêu cầu của cách mạng, Nhân dân Kon Rum thành lập 2 đội dân công, phục vụ bộ đội Khu V, cùng bộ đội chủ lực đánh địch, giải phóng các đồn La Dày và đồn Gia Bát. Năm 1955, Mỹ - ngụy ráo riết phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Di Linh, Nhân dân Kon Rum đứng lên đấu tranh chính trị, đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1957, tổ du kích Kon Rum ra đời, gồm các đồng chí K’Gảo, K’Bông, K’Dim và K’Bôn. Tổ du kích này có nhiệm vụ xây dựng và phát triển cơ sở bên trong vùng địch kiểm soát. Trong thời gian 1959 - 1960, du kích Kon Rum cùng du kích các địa phương khác trên địa bàn huyện Di Linh huy động từ 100 đến 200 thanh niên đi dân công và phối hợp chiến đấu, vũ trang tuyên truyền ở khu Bắc Ruộng của địch. Tại đây, lực lượng vũ trang tiêu diệt 1 tiểu đội bảo an, 1 trung đội dân vệ, thu 127 súng các loại, phá tan khu tập trung Bắc Ruộng, giải phóng hơn 4.000 dân. Cũng thời gian này, Chi bộ Đảng Kon Rum được thành lập với 3 đảng viên, gồm K’Gảo, K’Woành và K’Đèo, bên cạnh 1 trung đội du kích với 25 người, thường xuyên tuần tra, bảo vệ bon làng.
Tháng 3/1960, thanh niên cùng Nhân dân Kon Rum vót chông, cắm chông bố phòng chống địch, bảo vệ sản xuất, bảo vệ căn cứ. Ngày 5/12/1960, đồng chí Nguyễn Xuân Du dẫn đầu các đội công tác Huyện ủy Di Linh tổ chức đánh địch phá rẫy và bắt dân tại căn cứ Kon Rum. Ngày 30/12/1960, du kích Kon Rum phối hợp với đội vũ trang Hoành Sơn đánh toán công an mật vụ địch gồm 5 tên đang bí mật tra khảo người dân về việc tiếp tế cho căn cứ Kon Rum. Đội vũ trang Hoành Sơn và du kích Kon Rum dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Xuân Du đã bắt sống toàn bộ toán công an mật vụ địch.
Từ sau phong trào Đồng Khởi, phong trào cách mạng ở Di Linh có nhiều chuyển biến tích cực, vừa hoạt động vũ trang tiêu hao sinh lực địch, vừa hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền, hình thành thêm nhiều vùng căn cứ. Năm 1962, Tỉnh ủy thành lập Ban Cán sự Đảng K3 (mật danh của Huyện ủy Di Linh) để chỉ đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân. K3 cũng đã thành lập 7 đội công tác để làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, hỗ trợ phong trào quần chúng, đồng thời xây dựng chính quyền, lực lượng du kích và các đoàn thể ở 3 xã căn cứ phía Đông và Bảo Tuân, Kon Rum ở phía Nam. Trên địa bàn Kon Rum, du kích tổ chức 3 đợt chống càn, tiêu diệt 5 tên địch... Tháng 9/1963, Đảng bộ K3 tổ chức Đại hội lần I, đánh dấu một sự kiện chính trị quan trọng tại địa phương trong việc lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Tháng 10/1963, du kích Kon Rum đã đánh thắng liên tiếp 3 trận càn của địch, diệt 35 tên, bắn rơi 1 máy bay trực thăng. Năm 1964, du kích Kon Rum tiếp tục đánh thắng 2 trận càn của địch, tiêu diệt nhiều tên địch. Từ tháng 2 đến tháng 3/1965, du kích Kon Rum nhiều lần tổ chức đánh địch, tiêu diệt 15 tên, bắn cháy 1 máy bay đầm già và 1 máy bay B57... Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Nhằm cứu vãn tình thế, năm 1969, Mỹ sử dụng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trên toàn miền Nam. Ở căn cứ Kon Rum, ngụy quân tổ chức những đợt vây ráp, đánh phá hành lang và hậu cứ. Trước sự càn quét của địch, đồng chí K’Đreo và đồng chí K’Nhỉ chỉ huy du kích, dân quân chống càn và đã tiêu diệt được 15 tên địch cùng nhiều súng, trang thiết bị khác. Tháng 5/1970, Đảng bộ K3 tổ chức Đại hội lần II, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo. Với việc thất bại nặng nề trên 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, năm 1972, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Tuy đã ký Hiệp định Paris nhưng Mỹ vẫn ra sức chống phá cách mạng Việt Nam. Tại căn cứ Kon Rum, trước ngày ngừng bắn, địch đưa lực lượng bố trí thế trận, phân chia khu vực giữ chốt, mở các cuộc hành quân cảnh sát, truy quét ở các cơ sở cách mạng, đi đôi với thiết quân luật, bắt lính cắm trại, gây căng thẳng trong đồng bào. Căn cứ Kon Rum, ngoài việc cử lực lượng du kích, cán bộ và Nhân dân đi phục vụ chiến đấu ở phía trước, còn khẩn trương thu hoạch lúa, gửi gạo cho cách mạng. Mùa khô 1974 - 1975, quân và dân Kon Rum tiếp tục căng kéo địch ra tiêu diệt, đẩy mạnh hoạt động du kích mật diệt ác, phá kìm, mở rộng vùng căn cứ.
Ngày 28/3/1975, Di Linh hoàn toàn giải phóng. Năm 2003, với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, Kon Rum - Hòa Bắc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
... xã nông thôn mới
Năm 2010, cùng với các địa phương trong cả nước, Hòa Bắc bắt tay xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Trong triển khai xây dựng NTM, xã Hòa Bắc đã biết vận dụng sức dân, phát huy những thế mạnh của địa phương qua việc xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, lấy đó làm đòn bẩy nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực cùng với Nhà nước đầu tư, nâng cấp, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, mở rộng hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở Hòa Bắc ngày càng khởi sắc, đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. “Để khơi dậy sức mạnh của người dân cùng chung tay xây dựng NTM, chính quyền xã Hòa Bắc thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với vùng có đồng bào người dân tộc bản địa Tây Nguyên sinh sống. Từ đó, người dân xã Hòa Bắc đã tự nguyện hiến đất, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Qua 5 năm triển khai xây dựng, năm 2015, xã Hòa Bắc được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM”, ông Trần Viết Tiến, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết.
Theo ông Trần Viết Tiến, mục tiêu lâu dài của xã Hòa Bắc là tiếp tục giữ vững và nâng cao 19 tiêu chí NTM đã đạt được; đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, để công cuộc xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn thay đổi cả cách nghĩ, cách làm và quan trọng nhất là thay đổi chính cuộc sống của người dân xã Hòa Bắc. Năm 2019, thu ngân sách Nhà nước của xã Hòa Bắc đạt trên 2,2 tỷ đồng; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%. “Hiện tại, xã Hòa Bắc có mô hình nuôi bò sữa với 4 hộ nuôi 170 con bò sữa, bên cạnh mô hình cà phê hữu cơ của ông Đỗ Tùng (2,5 ha) và mô hình chuyên canh sầu riêng của ông Vũ Văn Bằng (14 ha), mô hình trồng hoa hồng môn của ông Đào Quyết Thắng (2 ha). Đây là những mô hình đang phát huy hiệu quả kinh tế cao tại địa phương”, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Trần Viết Tiến chia sẻ.
TRIỀU KA