Liệu bãi rác P'ré có thể đóng cửa theo lộ trình?

06:05, 06/05/2020

Lâm Đồng đã đưa ra lộ trình cùng ngân sách 20 tỷ đồng cho việc đóng cửa, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác P'ré - Phú Hội, Đức Trọng...

Lâm Đồng đã đưa ra lộ trình cùng ngân sách 20 tỷ đồng cho việc đóng cửa, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác P’ré - Phú Hội, Đức Trọng. Tuy nhiên, liệu bãi rác này có thể đóng cửa đúng theo lộ trình của tỉnh?
 
Bãi rác P’ré - Phú Hội là điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần đóng cửa. Ảnh: Võ Lan
Bãi rác P’ré - Phú Hội là điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần đóng cửa. Ảnh: Võ Lan
 
20 tỷ cho việc đóng cửa
 
Với diện tích 3,6 ha, bãi rác P’ré tại xã Phú Hội bắt đầu hoạt động từ năm 2000. Đây là nơi tập trung xử lý rác thải sinh hoạt thu gom trong huyện Đức Trọng, bao gồm thị trấn Liên Nghĩa cùng các xã nằm dọc theo quốc lộ. Trung bình hiện nay nơi đây tiếp nhận và xử lý từ 80 - 100 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.
 
Gọi là “xử lý” cho đúng chức năng của một bãi rác nhưng cũng giống như hầu hết các bãi rác trong tỉnh hiện nay, chủ yếu việc xử lý ở đây là chôn lấp tự nhiên, không hợp vệ sinh, không có các công trình bảo vệ môi trường đi kèm. Chính vì vậy, bãi rác này sau nhiều năm hoạt động, trong năm 2015 đã được Lâm Đồng đưa vào danh sách “cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” cần đóng cửa sớm. Nhưng từ đó đến nay, dù bãi rác đã quá tải vẫn phải mở cửa tiếp nhận rác hằng ngày.
 
Gần đây, Lâm Đồng đã phê duyệt gói kinh phí lên đến 20 tỷ đồng để đóng cửa bãi rác này. Một lộ trình đóng cửa đã được tỉnh đưa ra cụ thể. Trong năm 2019, ngành chức năng đã hoàn thiện đề án trình các sở, ngành thẩm định; trong năm 2020 sẽ cho thi công một số hạng mục bảo vệ môi trường cấp bách nơi đây như hệ thống thu gom nước rỉ rác, xây hàng rào che chắn; xây khu chôn lấp chất thải rắn. Trong năm 2021 sẽ chính thức hoàn tất việc đóng cửa bãi rác và trong 5 năm sau đó vận hành việc đóng cửa, xử lý nước rỉ rác, thu gom khí ga thoát ra từ bãi rác, trồng cây xanh quanh khu vực và trên bề mặt bãi chôn lấp.
 
Trước mắt, trong năm nay, Trung tâm Quản lý - Khai thác công trình công cộng huyện Đức Trọng - đơn vị quản lý bãi rác, được yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp xử lý để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại bãi rác và xung quanh nơi đây. Bên cạnh tăng cường đào chôn lấp rác hằng ngày, trung bình 6 giờ/ngày, từ thứ Hai đến Chủ nhật, đơn vị này được yêu cầu phun xịt hóa chất vi sinh khử mùi hôi và phân hủy rác 3 lần trong mỗi tuần; rắc vôi bột khử trùng; xử lý độ pH của nước rỉ rác với tần suất 2 lần/tuần; đào hố thu gom nước rỉ rác; phủ bạt ni lông che chắn rác, cho sửa chữa đường vào bãi rác…
 
Cũng theo ngành chức năng tỉnh, việc đóng cửa bãi rác sẽ được thực hiện tuần tự theo các giải pháp chính như sau: trước nhất san lấp toàn bộ khối lượng rác hiện có tùy theo địa hình để tạo mặt bằng che phủ, đặt hệ thống thu gom nước rỉ rác, tách nước mưa, thu khí thải từ bãi rác sau đó phủ 500 mm đất sét, 200 mm đất màu để trồng cây, thảm cỏ hoàn nguyên môi trường. 
 
Với nước rỉ rác, sau khi thu gom nước rỉ này vào hệ thống sẽ được xử lý; việc xử lý nước rỉ bằng phương pháp sinh học kỵ khí kết hợp hiếu khí, lắng hóa lý, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định trước khi thải ra môi trường. 
 
Một điểm thuận lợi trong việc đóng cửa bãi rác nơi đây như ngành chức năng tỉnh cho biết, đó chính là nước ngầm quanh khu vực bãi rác từ kết quả quan trắc hằng năm cho thấy ít bị ô nhiễm từ tác động của bãi rác. Khu vực bãi rác nơi đây qua khảo sát, có nền đất đá, bề mặt chủ yếu là đất sét bột nên đã ngăn bớt quá trình thẩm thấu nước rỉ rác xuống nước ngầm. Vì vậy, để giảm chi phí đóng cửa bãi rác này ngành chức năng tỉnh đề nghị không nhất thiết phải xây dựng phương án sử dụng lớp lót đáy của hố chôn lấp. 
 
Khi nào có thể đóng cửa? 
 
Tất nhiên lộ trình đóng cửa bãi rác P’ré - Phú Hội - điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh đã được tỉnh đưa ra mốc thời gian một cách cụ thể như trên, tuy nhiên việc đóng cửa được hay không còn phụ thuộc toàn bộ vào một vấn đề khác, đó là việc đóng cửa nơi đây thì rác thải sinh hoạt của huyện sẽ đổ đi đâu? 
 
“Đóng cửa chỉ là khâu cuối cùng. Chúng tôi đâu có bãi rác dự phòng nào để đổ rác vào, tất cả phụ thuộc vào tiến độ xây dựng và vận hành của nhà máy xử lý chất thải tập trung của Công ty Trường Thành” - ông Phan Anh Tuấn - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng cho biết. 
 
Nhà máy xử lý rác của Công ty BCG Trường Thành cũng là một hy vọng lớn trong việc bảo vệ môi trường của tỉnh Lâm Đồng hiện nay cho khu vực Đức Trọng. Được cấp phép đầu tư từ tháng 6/2016, điều chỉnh sau đó trong tháng 12/2018, nhà máy này cũng được đặt tại xã Phú Hội, có tổng diện tích trên 11,5 ha, tổng vốn đầu tư trên 180 tỷ đồng, quy mô xử lý rác 195 tấn/ngày. Khi đi vào vận hành, nhà máy không chỉ xử lý rác thải sinh hoạt của huyện Đức Trọng và vẫn còn dư công suất để có thể xử lý một phần rác thải sinh hoạt từ 2 huyện lân cận là Đơn Dương và Lâm Hà mang sang. 
 
Cũng giống như nhà máy xử lý rác thải tại 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đang vận hành hiện nay, nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung huyện Đức Trọng của Công ty Trường Thành sử dụng công nghệ đốt, rác thải sinh hoạt khi vận chuyển đến đây sẽ được đốt, phần chất thải rắn không đốt được sẽ được chôn lấp hợp vệ sinh.
 
Cho đến nay, theo ngành chức năng tỉnh, Công ty này đã hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ, đền bù giải phóng mặt bằng và bắt đầu thi công từ cuối năm 2018, đã chi trả tiền bồi thường cho 15/16 hộ dân với diện tích khoảng 10,4 ha, chỉ còn 1 gia đình chưa nhận tiền đền bù với diện tích trên 4.398 m2. Tại đây, Công ty đã cho san gạt mặt bằng, xây dựng phần thô khối văn phòng khoảng 300 m2 và xây 500 m hàng rào, về phần điện đã kéo điện và lắp trạm biến áp. Tuy nhiên, tiến độ thi công nhà máy này đã có vẻ chậm lại trong thời gian gần đây. 
 
“Huyện đã đôn đốc, tạo điều kiện hết mức về mọi thứ để Công ty Trường Thành đầu tư công trình. Là huyện đạt chuẩn nông thôn mới với cam kết đảm bảo môi trường, mặc dù tỉnh đã đưa ra lộ trình nhưng lộ trình này phụ thuộc rất lớn vào tiến độ của nhà đầu tư. Thế nên huyện cũng rất mong tỉnh, huyện cùng hối thúc, đẩy nhanh việc thi công, khi nhà máy đi vào hoat động thì mới đóng cửa ngừng nhận rác tại bãi rác P’ré được” - ông Tuấn nhấn mạnh.
 
VIẾT TRỌNG