Nguy cơ oằn mình chống hạn

06:05, 12/05/2020

Khô hạn ngày càng gay gắt toàn miền Nam, trong đó có huyện Đơn Dương - trung tâm sản xuất rau thương phẩm lớn nhất tỉnh Lâm Đồng...

Khô hạn ngày càng gay gắt toàn miền Nam, trong đó có huyện Đơn Dương - trung tâm sản xuất rau thương phẩm lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo huyện và xã đều lo lắng treo câu hỏi: Một tuần nữa, trời không mưa thì nhiều diện tích cây trồng không biết làm sao?!
 
Hồ P’ró có diện tích lòng hồ hơn 70 ha nhưng đã hết nước tưới
Hồ P’ró có diện tích lòng hồ hơn 70 ha nhưng đã hết nước tưới
 
Ứng phó không như mong muốn
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Thị Mai cho biết: Ngay từ tháng 1/2020, UBND huyện có Văn bản số 35 về “Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Nhưng khó lường hết diễn biến quá phức tạp của khí hậu. Kế hoạch “sẽ cung cấp đủ nước và đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích ký hợp đồng của các cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi”. Khoảng 3.000 ha nông nghiệp được tắm mát nước các hồ thủy lợi đã không thành hiện thực. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đơn Dương cung cấp về cao trình mực nước hiện hữu vào ngày 4/5 so với cao trình mực nước chết như sau: hồ Sao Mai còn 11,4 mét, hồ Bokabang còn 1,37 m, hồ Đạ Ròn còn 0,5 m; còn 5 hồ đều cạn kiệt: P’róh, R’Lơm, Ma Đanh, Công Đoàn và Tân Hiên; 23 công trình nước sinh hoạt tập trung và 7 công trình nước tự chảy đều khô cạn; giếng khoan mực nước xuống rất thấp… 
 
Nguyên nhân thiếu nước phục vụ nông nghiệp do nắng kéo dài nhiều tháng và các hồ chứa bồi lắng nghiêm trọng nên tích nước giảm nhiều. Trong 8 hồ thủy lợi, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý 5 hồ: Đạ Ròn, R’Lơm, P’ró, Ma Đanh và Bokabang; 3 hồ do huyện quản lý: Tân Hiên, Công Đoàn và Sao Mai. Ứng phó hạn hán, chính quyền Đơn Dương đưa ra các giải pháp: xây dựng kế hoạch cấp nước hợp lý; tăng cường tích nước trong ao và hồ; tiết kiệm nước, áp dụng phương pháp tưới tiên tiến; điều tiết phân phối nước; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình thủy lợi, nạo vét, duy tu hệ thống kênh tưới… Cũng theo Phòng NN&PTNT, đầu tháng 5/2020, có 2 công trình thủy lợi thuộc vốn năm 2019 đưa vào sử dụng, còn 4 công trình thi công trên 50% tiến độ. Vẫn là câu chuyện người tính không bằng trời tính. Kịch bản ứng phó hạn hán không như mong muốn.
 
Nứt nẻ lòng hồ thủy lợi
Nứt nẻ lòng hồ thủy lợi
 
Giếng sâu 200 mét không có nước 
 
Đến tháng 4/2020, huyện Đơn Dương có 260 ha lúa Đông-Xuân; hơn 12.200 ha rau thương phẩm; 200 ha cây bắp; 1.568 ha cây cà phê; gần 1.500 ha cây ăn quả và 100 ha hoa. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Túc, nhằm phòng, chống thiên tai, huyện tập trung điều tiết cung cấp nguồn nước tưới để gieo trồng vụ Đông-Xuân theo kế hoạch tưới khoanh vùng. Trước tình hình mực nước các hồ xuống thấp và khô cạn, huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi xả nước chống hạn vùng hạ du sông Đa Nhim 3 đợt/3 ngày với lưu lượng 19-21 m3/s. Tính đến ngày 6/5, theo Phó Phòng NN&PTNT Tou Prong Nai Khoan, đã xả 6 đợt, mỗi đợt trung bình 10 giờ, nhiều nhất 22 giờ. Bà Nai Khoan nhận định: ảnh hưởng chưa đến mức độ mất trắng; lúa giảm năng suất khoảng 30-40% tính đến thời điểm này…(?). 
 
Dòng sông Đa Nhim cuồn cuộn hồi nào giờ trơ gan. Hạ du sông này có xã trọng điểm rau thương phẩm Lạc Xuân có hồ Tân Hiên mực nước hiện tại/mực nước chết bằng “0” (1013.15/1013.15). Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân, bà Bùi Thị Kim Thủy nói hạn đã cục bộ, chưa có số liệu thống kê. Nông dân Phan Ngọc Sơn ở thôn Châu Sơn, ngày 10/5, chia sẻ: Thiếu nước tưới trầm trọng, bà con đang khoan thêm nhiều giếng. Có nơi khoan sâu 200 mét vẫn không có nước vì không trúng mạch và mất tầng. Nước tưới chỉ đáp ứng nhu cầu khoảng 50-60%; khoảng 30-40% diện tích đất phải bỏ hoang và còn tăng nữa nếu không có mưa. Khu vực thị trấn Thạnh Mỹ và xã Đạ Ròn, theo kế hoạch, nước hồ Đạ Ròn chống hạn cho 424,3 ha lúa và rau màu đã đăng ký vụ Đông-Xuân. Nhưng đầu tháng 5, hồ chỉ còn nửa mét nước. Ông trời thử thách quá khó! 
 
Cầm cự chỉ một tuần nữa 
 
Vào xã P’ró chúng tôi gặp Chủ tịch UBND xã, ông Đoàn Hữu Nghĩa. Phần đa diện tích sản xuất chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt, dựa vào hồ P’ró, suối Ông Tùy và suối Đá. Diện tích lòng hồ P’ró trên 70 ha, tưới cho gần 400 ha đất nông nghiệp của 2 xã P’ró và Ka Đơn. Lợi dụng bình độ và hạ lưu, nông dân P’ró tập trung trồng lúa và củ năng. Năng suất củ năng gấp 3 lần so với lúa nên nhà nông chuyển từ lúa sang thâm canh củ năng với tổng diện tích đến 350 ha. Để bền vững, Hợp tác xã sản xuất củ năng được thành lập. Tuy nhiên, do nôn nóng, bà con xuống giống 250 ha, cây năng đã đẻ nhánh thì nước thiếu. Năng sống trong nước, nếu khô sẽ chết. Nhìn ra khoảng sân chói nắng, ông Nghĩa chùng giọng: “Theo dự kiến, đúng ra khoảng 15/5 này nguồn nước hồ P’ró mới không đáp ứng tưới và lúc đó có mưa. Nhưng hơn 6 tháng nay nắng kéo dài, chúng tôi chả có hạt mưa nào. Hồ P’ró cạn kiệt, không xả được nữa rồi. Nếu một tuần nữa không có mưa thì cây trồng sẽ thiệt hại nhiều, diện tích năng sẽ bị mất trắng! P’ró chỉ cầm cự trong thời gian một tuần nữa thôi!”. Một ha năng khoảng 3-5 tấn, giá khoảng 10.000 đồng/kg, quả là thiệt hại nặng nề. 
 
Khi chúng tôi có mặt tại hồ P’ró thì gặp Trưởng thôn Đông Hồ, ông Đàm Văn Uyên. Ông Uyên ngỡ ngàng, khoanh tay đứng ngóng tôi và Chủ tịch Nghĩa trao đổi, rồi chen vào: “Nước không có nữa, xuống cống mà coi, không có nước chảy nữa mà!”. Chủ tịch Nghĩa cho biết, khoảng 10 ngày trước, tỉnh và huyện xuống, hồ còn khoảng 300.000 khối nước nhưng “giờ thì anh thấy đấy!”. Vâng, lòng hồ trơ ra, chằng chịt đường nứt hống hoác, vây quanh khoảnh nước nhỏ, nơi lồng cá nuôi “hấp hối” nhưng giờ chấm hết sứ mệnh. Thế mới biết tốc độ nước... lên trời nhanh cỡ nào! Ông Uyên bần thần nhìn mấy nhà thủy tạ vốn ngày nào dập dìu khách tham quan và ăn uống, rồi ngước lên phía thượng nguồn, đau đáu: “Cái hồ này chờ nước trên kia về, mãi mà có gì đâu. Hết, cạn hết rồi!”. Còn ông Tou Neh Hàn Kim Khánh, người dân ở P’ró gần 60 tuổi nhận xét: “Chưa bao giờ hồ cạn khô như thế này!”.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Đoàn Hữu Nghĩa, điện nội đồng một số nơi chưa có nên không thể khoan giếng. Tiến thoái lưỡng nan, nước mặt hay nước ngầm đều không thể. Xã đề nghị 3-4 hộ chung nhau tiền khoan máy để chia sẻ phí tổn. “Đó là giải pháp tình thế, không còn cách nào khác để cứu cây trồng nữa”, ông Nghĩa nói. Ông cũng cho biết, bà con đã thỉnh cầu năm nay miễn thu các khoản quỹ, tới đây xã sẽ xem xét, kiến nghị lên cấp trên. Đã có khoảng 40 hộ dân ở thôn K’Răng Gọ phải xin nước sinh hoạt do giếng nông nên thiếu nước. 
 
Lúa “cúi đầu” và chết
 
“Hồ P’ró mà đã cạn thì hồ nào mà chả cạn!”, Chủ tịch UBND xã Tu Tra Trương Văn Hùng thốt lên. Khác với P’ró, xã này chủ yếu chống hạn bằng nguồn nước ngầm. Nhưng mọi năm, chỉ cần bơm lên trực tiếp tưới, năm nay do cạn, phải “tiếp sức” bằng cách đào hồ lót bạt tích nước, đủ nước mới hút tưới cây. Ngược lên hồ Ma Đanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra, anh K’Liễu dừng lại chỉ xuống cánh đồng nói với tôi: “Đấy, anh thấy những đám trắng trắng kia là lúa chết khô rồi đấy. Lúa của đồng bào mình cả”. Thật đắng lòng, mưa thuận gió hòa lúc này là thời điểm những ruộng lúa ấy bắt đầu “ngậm sữa” và “cúi đầu”! Hệ lụy của việc người dân không thực hiện theo khuyến cáo ứng phó khô hạn. Nhưng không đủ vốn đầu tư chuyển đổi sang rau màu, tiếc ruộng bỏ không, họ lại gieo sạ lúa, đánh cược với ông trời… Chúng tôi tiếp tục đi, đất ba-zan khô rang mù mịt quẩn theo. Những đường kênh thủy lợi xi măng bên các ô ruộng trơ trọi nối nhau. “Chỗ này bà con nghe theo khuyến cáo nên bỏ không làm lúa, nếu có nước như những năm trước thì đây có được 2 vụ lúa”, K’Liễu nói. Tôi chợt nhớ 2 câu thơ rất đắt tả về khô hạn: “Con đỉa vắt qua mô đất chết/Và người ngửa mặt ngóng trời cao”. Những vùng đất phải oằn mình lên. Lòng hồ Ma Đanh lởm chởm lòi nguyên nhiều thân cây khô. Chủ tịch Hùng nói: “Đầu năm có 3 cây mưa, rồi nó ngắt tới giờ luôn! Tu Tra chưa phải đi mua nước, nhưng nếu nắng nữa thì Đơn Dương và cả Tu Tra trụ không nổi!”. 
 
Ừ thì có mưa, như ở Thạnh Mỹ ấy, ngày 8/3. Oái oăm là mưa đá và kèm lốc xoáy. Họa vô đơn chí. Nông dân thiệt hại hơn 28 ha nhà kính, nhà lưới; 1,8 ha rau màu và 4 nhà hư hỏng, tốc mái. Ngày 6/5, Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Thị Mai cho hay, mặc dù hạn hán đang kéo dài nhưng huyện lại lo mùa mưa lũ về. Theo bà, “các hồ chứa nước trên địa bàn được xây dựng từ lâu, qua các mùa mưa, bão hàng năm đều đã xuống cấp, hư hỏng, không có kinh phí sửa chữa nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình và ảnh hưởng đến Nhân dân sinh sống, sản xuất tại vùng hạ du công trình”. Cùng các giải pháp, Đơn Dương đề xuất với tỉnh đầu tư 5,74 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa 6 công trình thủy lợi trên địa bàn… “Thiên” không “thời” luôn là nỗi lo của nhà nông. Dĩ nhiên, Đơn Dương sẽ không đơn độc! 
 
MINH ĐẠO