Nuôi cá tầm tự phát, tiềm ẩn rủi ro

12:05, 14/05/2020

(LĐ online) - Việc nuôi cá tầm tự phát, chưa đảm bảo được các chỉ số an toàn nguồn nước khiến người nuôi cá đối mặt với nhiều rủi ro.

(LĐ online) - Việc nuôi cá tầm tự phát, chưa đảm bảo được các chỉ số an toàn nguồn nước khiến người nuôi cá đối mặt với nhiều rủi ro.
 
Ông Nguyễn Công Trọng Sơn bên hồ nuôi cá tầm bị chết nghi bị nhiễm độc nguồn nước, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng
Ông Nguyễn Công Trọng Sơn bên hồ nuôi cá tầm bị chết nghi bị nhiễm độc nguồn nước, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng
 
Cá chết hàng loạt nghi nhiễm độc
 
Cách đây gần 1 tuần, ông Nguyễn Công Trọng Sơn (43 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) có 10 hồ nuôi cá tầm tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương gần như suy sụp khi lần thứ 2 liên tiếp, cá tầm tới thời điểm thu hoạch thì xảy ra hiện tượng chết hàng loạt.
 
Vị trí nuôi cá tầm của gia đình ông Sơn nằm dưới chân một con thác nhỏ, bắt nguồn từ một con suối nước lạnh từ núi chảy ra dài khoảng 2 km tại Thôn 1, xã Đạ Sar. Trước đây, khu vực này là một bãi sậy, ông Sơn thuê lại của một người dân, sau đó xây các hồ nhỏ, đưa nguồn nước sạch từ suối vào để nuôi cá tầm.
 
“Bản thân tôi tự tin đã có 5 năm làm công chuyên đi nuôi cá tầm ở hồ Tuyền Lâm, khu vực Long Lanh, chân đèo Prenn… nên năm 2018, sau khi khảo sát kỹ lưỡng mới mạnh dạn nuôi cá tầm thương phẩm” – ông Sơn nói.
 
Theo ông Sơn, cá tầm rất nhạy cảm, chỉ cần một lượng nhỏ thuốc bảo vệ thực vật người dân trồng rau, hoa súc rửa phía đầu nguồn cũng khiến quá trình sinh trưởng của cá bị ảnh hưởng, thậm chí cá chết. Bản thân ông trước khi làm hồ nuôi đã gặp tất cả các hộ dân quanh khu vực suối để nhờ hỗ trợ, không xúc rửa, đổ bao thuốc trừ sâu vào dòng nước phía đầu nguồn.
 
Thế nhưng, tháng 8/2018, toàn bộ gần 5 tấn cá thịt bắt đầu cho thu hoạch, 2.000 con cá giống của gia đình ông bất ngờ chết đồng loạt không rõ nguyên nhân. Sau đó, vào tháng 12/2019 gia đình tiếp tục đầu tư 2.000 con cá tầm giống về nuôi và khi cá bắt đầu cho thu hoạch thì ngày 30/4/2020 vừa qua đàn cá hơn 2 tấn của ông Sơn lại chết ngửa bụng nghi do ngộ độc. Sau đó, ông Sơn phát hiện hộ dân phía trên có đường ống nước thải có mùi thuốc trừ sâu nên đã báo Công an huyện vào cuộc xử lý.
 
Thượng tá Phạm Phú Ty - Phó Trưởng Công an huyện Lạc Dương xác nhận khi ông Sơn trình báo vụ việc đơn vị đã cử cán bộ đến hiện trường lập biên bản. Bước đầu Công an Lạc Dương xác định một người dân có vườn phía trên hồ nuôi cá thừa nhận đã xúc rửa bình thuốc trừ sâu và đổ ra suối cách nơi ông Sơn nuôi cá tầm chỉ khoảng 100 m. “Tuy nhiên, để xác định đâu là nguyên nhân khiến cá tầm chết thì chưa có căn cứ vì mẫu nước không còn, vì sự việc đã xảy ra 2 ngày công an mới nhận được tin báo” - ông Ty nhận định.
 
Nguồn nước chưa đảm bảo
 
Theo UBND huyện Lạc Dương, địa phương là nơi nuôi cá tầm nhiều trên địa bàn tỉnh với năng suất cá thương phẩm hơn 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do thời tiết, mưa lũ thất thường, người nuôi cá tầm, đặc biệt là đối với các hộ nuôi cá tầm tự phát thì rủi ro luôn tiềm ẩn.
 
Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vào cuối năm 2019, trang trại cá tầm của gia đình anh Nguyễn Văn Toản (thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương) bị một trận lũ quét qua gây thiệt hại gần 200 tấn cá đã đến ngày xuất bán. Dù gia đình anh Toản đã làm đê, bờ chắn rất kiên cố nhưng mưa lũ vẫn tràn vào cuốn trôi hơn một nửa số cá. Số còn lại bị ngộp nước bùn, chết hàng loạt, uớc tính thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Một số trang trại nhỏ khác tại khu vực xã Lát, Đưng K’Nớ cũng bị ảnh hưởng tương tự. Chỉ cần nước đục tràn vào ao khiến loại cá chỉ sống trong môi trường nước lạnh sạch sẽ trên chết số lượng lớn.
 
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương nhận định: Với trường hợp nuôi cá tầm bài bản, thuê chuyên gia về thuỷ sản, nuôi số lượng lớn thì rủi ro vẫn khó tránh khỏi, đặc biệt là lý do thời tiết, lũ quét... Riêng với các trường hợp ông Sơn và một số hộ dân nuôi nhỏ lẻ, tự phát tại các con suối nước lạnh trên địa bàn rủi ro sẽ cao hơn nhiều lần. 
 
“Mặc dù là loài cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng do đặc điểm của loài cá nước lạnh, cần nguồn nước sạch sẽ, quy trình kỹ thuật phức tạp nên không phải nơi nào, hộ dân nào cũng nuôi được. Trong khi đó, một số hộ dân nuôi nhỏ lẻ, nuôi tự phát xây hồ nuôi ngay khu vực suối có mật độ người dân trồng rau, hoa đông đúc, nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm, vị trí nuôi cuối nguồn là những nguyên nhân cá tầm dễ bị bệnh hoặc chết cao hơn”- ông Hải cho biết.
 
Việc nuôi cá tầm tự phát khiến các hộ dân chưa thể đảm bảo môi trường nguồn nước cũng như quản lý dịch bệnh, kiểm soát chất lượng ao hồ. Ông Hải cho biết trong những ngày tới, đơn vị sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các hộ nuôi cá tầm tự phát tại địa phương để có hướng khuyến cáo, tư vấn giải pháp kỹ thuật để người nuôi giảm bớt mức độ rủi ro. Riêng đối với những vùng thực sự có nguy cơ cao về thiên tai, nguồn tài nguyên nước sạch hạn chế thì Phòng sẽ kiến nghị các đơn vị chức năng không cấp phép cho người dân nuôi ở những khu vực này.
 
C.THÀNH