Sau 5 năm triển khai Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng với những nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng,…
Sau 5 năm triển khai Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng với những nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, sự phối hợp của các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp đã tổng kết những bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới…
|
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 228 doanh nghiệp đã được quyết định thuê 18.656 ha rừng để đầu tư dự án |
Thực hiện Chỉ thị 30, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2015; kết luận Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, trồng cây phân tán năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016… Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền cấp huyện đã ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động phù hợp, đồng thời tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và Nhân dân về những nhiệm vụ trọng tâm quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Lâm Đồng.
Gần 2 năm sau - ngày 12/1/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 13 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 25, ngày 31/3/2017 chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể phù hợp, bổ sung vào nội dung công tác hàng năm; thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện…
“Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Lâm Đồng. Đặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm nhiều hơn trong công tác xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp kiểm tra quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến cộng đồng dân cư…”, Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá.
Theo đó, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 2.084 cuộc tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; tổ chức ký 14.450 bản cam kết quản lý, bảo vệ rừng đối với tổ chức, cá nhân. Gần 1.440.000 cây phân tán được trồng phủ xanh đất trống trong đô thị, cơ quan, trường học, bệnh viện… Thực hiện giao khoán 11.087 ha diện tích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho 1.824 hộ gia đình và 8 tổ chức cộng đồng dân cư. Đồng thời sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động 8 công ty TNHH MTV lâm nghiệp với tổng diện tích rừng quản lý gần 170.000 ha. Toàn tỉnh còn trồng 3.830 ha xen cây lâm nghiệp...
Kết quả qua 5 năm, các cơ quan chức năng Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 6.018 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại 506 ha rừng và hơn 23.850 m3 gỗ. So sánh hàng năm đều giảm từ 2% đến 31% số vụ vi phạm, diện tích rừng và lâm sản thiệt hại. Đáng kể đã xử lý 97 trường hợp người đứng đầu cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã, đơn vị chủ rừng, kiểm lâm… do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật…
Kinh nghiệm cho thấy “địa phương, đơn vị chủ rừng nào kiên quyết xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm đối với sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức liên quan thì công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương, đơn vị đó mới đạt hiệu quả…”.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, các huyện ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục rà soát các chương trình, hành động, nghị quyết chuyên đề; định kỳ 6 tháng, hàng năm sơ kết đánh giá tình hình, phân tích những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong thời gian tới. “Các Ban Đảng của Tỉnh ủy tiếp tục duy trì phong trào thi đua “Dân vận khéo trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã phải trực tiếp đi kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương để kịp thời đánh giá tình hình và tiếp tục chỉ đạo biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng...”, báo cáo của Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh.
VĂN VIỆT